Dấu ấn văn hóa đình thần Châu Phú - An Giang

09/02/2015 09:17

Theo dõi trên

Đình thần Châu Phú (phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) là công trình còn lưu lại nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc, phản ánh nét đẹp tín ngưỡng của người dân địa phương.

Lịch sử hình thành

Đình thần Châu Phú có quá trình hình thành khá đặc biệt, gắn liền với gia tộc Lê Công (còn gọi là Cửu Long Nhà Lớn). Đây là dòng họ đến định cư tại vùng Châu Đốc thuộc vào loại sớm nhất và rất có uy tín với người dân địa phương. Nhằm tỏ lòng biết ơn đối với danh thần Nguyễn Hữu Cảnh, người có công rất lớn trong quá trình “mang gươm mở cõi” đất phương Nam, gia tộc Lê Công đã đứng ra vận động người dân và đóng góp tiền của, công sức cất ngôi miếu bằng gỗ lợp lá (tại vị trí Bệnh viện Đa khoa Khu vực Châu Đốc cũ) để thờ phụng ông. Ngôi miếu được hình thành trước thời điểm giặc Pháp vào xâm lược Nam Bộ, với uy đức của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người dân trong vùng thường tới lui hương khói quanh năm.

Sau khi Pháp xâm lược Nam Bộ, ngôi miếu vẫn là trung tâm tín ngưỡng của người dân địa phương. Không chỉ người Việt, mà cộng đồng người Hoa cũng thường đến đây cúng bái để tỏ lòng biết ơn đối với vị anh hùng dân tộc Nguyễn Hữu Cảnh. Do người Pháp có ý định xây dựng bệnh viện nên đã yêu cầu gia tộc Lê Công di dời ngôi miếu đi nơi khác, nhà cầm quyền thời điểm đó sẽ cấp đất, hỗ trợ tiền để xây dựng ngôi đình to đẹp hơn. Quá trình xây dựng kéo dài hơn 2 năm, đến năm 1926, ngôi đình hoàn thành và tọa lạc tại vị trí như hiện nay.

Là con cháu trong gia tộc Lê Công đồng thời là Trưởng ban Quản trị đình thần Châu Phú, ông Lê Công Thới rất am hiểu lịch sử ngôi đình. Ông kể: “Quá trình xây dựng đình rất vất vả, ông cha chúng tôi đã lặn lội sang tận Lào để mua gỗ quý rồi thả trôi theo sông Mê Kông về đến Châu Đốc. Riêng gạch lót nền và các song cửa sổ phải mua từ Pháp chở sang. Ngoài ra, người ta lập hẳn một lò gốm chuyên sản xuất ngói cung cấp cho công trình xây dựng đình”.

Kiến trúc độc đáo

Đình thần Châu Phú vừa có giá trị lịch sử lại vừa mang nét đẹp kiến trúc độc đáo. Đình được xây dựng theo kiểu ba gian hai chái đúng phong cách Nam Bộ. Nóc đình có lầu mái tam cấp, trên nóc gắn biểu tượng nhiều linh vật, như: Lưỡng long chầu nguyệt, công, phụng, sư tử... tất cả đều thể hiện nét khỏe khoắn, uy nghi.

Đình có khá nhiều cửa sổ được tạo hình theo lối kiến trúc Pháp. Bên trong có 40 cột cái bằng gỗ quý. Trên cột có nhiều đôi liễn sơn son thiếp vàng với nội dung ca ngợi công đức Chánh thần Nguyễn Hữu Cảnh. Từ ngoài nhìn vào, đình có khá nhiều bàn thờ. Hai bên tả hữu có bàn thờ tiền hiền hậu hiền, chánh Đông chánh Tây. Uy nghi giữa đình, nằm ở vị trí cao là bàn thờ Chánh thần Nguyễn Hữu Cảnh, hai bên là bàn thờ thân phụ Nguyễn Hữu Dật và bào huynh Nguyễn Hữu Hào của ngài. Thấp xuống về phía trước là bàn thờ Thứ thần Thoại Ngọc Hầu. Trong lịch sử, đình đã được nhận sắc phong của các vua triều Nguyễn như Minh Mạng, Tự Đức.

Các vật dụng trong đình đều được bảo quản gần như nguyên vẹn theo thời gian (từ năm 1926 đến nay). Nhiều lư đồng, bàn gỗ cẩn xà cừ được chạm trổ rất công phu với hoa văn tinh xảo, tái hiện sinh động nhiều điển tích trong lịch sử. “Điểm đặc biệt trong xây dựng đình thần Châu Phú là cha ông chúng tôi đã ra tận miền Bắc rước những tay thợ khéo vào đây thực hiện. Từ bàn ghế, bao lam cho đến các chi tiết cột, kèo đều do chính tay họ thiết kế, tạo hình và làm bằng thủ công nên khá sắc sảo, đẹp mắt” - ông Thới tiếp lời.

Hàng năm, cứ đến ngày mồng mười tháng năm âm lịch, người dân lại cùng đến đây tổ chức lễ giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Dù ở xa hay gần, họ vẫn cố gắng tìm đến thắp nén hương tỏ lòng biết ơn đối với vị anh hùng có công mở cõi.

Với bề dày lịch sử và kiến trúc độc đáo, đình thần Châu Phú đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2008. Gần 90 năm tồn tại, ngôi đình vẫn vững chãi với thời gian, là biểu tượng cho nét đẹp tín ngưỡng cùng đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Theo Tin Tức Miền Tây
Bạn đang đọc bài viết "Dấu ấn văn hóa đình thần Châu Phú - An Giang" tại chuyên mục Từ trong di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.