Đắk Lắk chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực

27/02/2024 07:51

Theo dõi trên

Sản xuất nông nghiệp là một trong những thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như: cà phê, mắc ca, sầu riêng, lúa gạo… đã mở rộng được thị trường xuất khẩu chính ngạch. Năm 2024, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nhất là chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực, tỉnh kỳ vọng sẽ góp phần đưa kinh tế xã hội của địa phương đi lên.

ca-phe-1708938548-1708995012.jpg
Đắk Lắk chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực

Cụ thể, năm 2023, sản phẩm hạt mắc ca của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc công ty cho biết, để vượt qua những khó khăn và thách thức của biến động kinh tế, doanh nghiệp đã chủ động được nguồn hàng từ vùng nguyên liệu, đẩy mạnh kết nối, mở rộng thị trường. Năm 2024, bên cạnh nâng cao chất lượng, doanh nghiệp tiếp tục chú trọng quảng bá giới thiệu sản phẩm ra các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

“Chúng tôi cũng đang làm việc với một số thị trường lớn như Trung Quốc và một số nước ở thị trường Ả Rập, hy vọng trong thời gian tới cũng sẽ nhận được những tín hiệu tốt được thị trường để có một thị trường ổn định”, bà Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ thêm.

Bên cạnh phát triển thị trường trong nước, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục hướng đến thị trường xuất khẩu thông qua sản phẩm cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản. Ông Trần Ðình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã cho biết, sản xuất cà phê đặc sản đã nâng cao giá trị hạt cà phê, mang lại lợi ích thiết thực, trực tiếp cho nông dân khi giá cà phê luôn ổn định và cao hơn so với thị trường từ 2 - 2,5 triệu đồng/tấn. Hiện, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu đang xây dựng kế hoạch đa dạng hoá sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua sản xuất chế biến cà phê đặc sản.

"Mới đây chúng tôi đã làm được mã đóng gói cho cà phê hạt rang, cà phê bột và cà phê hoà tan để xuất sang Trung Quốc. Đối với cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản ngày càng nhiều người ưa chuộng điều này quá thuận lợi và rất là tốt đối với người nông dân. Chúng tôi cũng khuyến cáo người nông dân giữ được quy trình sản xuất tốt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, không sử dụng thuốc diệt cỏ thì sẽ bền vững”, ông Trần Ðình Trọng cho biết.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, năm 2023 là một năm thành công của nông nghiệp tỉnh nhà khi tốc độ tăng trưởng đạt mức 4,88%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế của tỉnh. Cùng với đó, việc giá của một số mặt hàng nông sản như: sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, lúa gạo tăng cao và Đắk Lắk đẩy mạnh được xuất khẩu chính ngạch vào 1 số thị trường nên giá trị thu nhập của bà con nông dân, những người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm cũng được cải thiện đáng kể, tăng 15.000 tỷ so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh lần đầu tiên cán mốc 1,6 tỷ USD.

Không chỉ góp phần cải thiện đời sống của người dân mà còn đóng góp nguồn thu ngân sách mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, năm 2024, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nhất là chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực, tỉnh kỳ vọng sẽ góp phần đưa kinh tế xã hội của địa phương đi lên.

Để hiện thực hoá kỳ vọng này, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho rằng: "Thị trường là vấn đề quyết định. Năm 2024, ngành sẽ nghiên cứu 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các khu vực, các quốc gia để tận dụng những ưu điểm những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do này và nghiên cứu những khu vực có những nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam mà Đắk Lắk có lợi thế để từ đó định hướng lại sản xuất đảm bảo đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường để từ đó nâng cao giá trị và tiêu thụ bền vững”.

Hoài Trinh
Bạn đang đọc bài viết "Đắk Lắk chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.