Chuyện tình Đại tướng nông dân Nguyễn Chí Thanh

09/04/2018 15:56

Theo dõi trên

Từ ngàn đời nay, đã tồn tại một thực tế là, hầu hết những mối tình đầu đã không đến được bến bờ viên mãn hôn nhân.

Nhiều người cho đó là một qui luật. Rồi, như một minh chứng cho cái qui luật nghiệt ngã ấy, mối tình đầu của ông với một cô gái xinh đẹp trong làng, bị gia đình cô gái ngăn cản, chia rẽ. Họ chê ông nghèo, “đũa mốc lại chòi mâm son”, bắt cô gái đi lấy chồng. Sau lần thất tình ấy, ông tiếp tục đi làm thuê và hoạt động cách mạng. Và “con tim đã yêu trở lại” (lời một ca khúc của nhạc sĩ Đức Huy), ông đã tìm được một nửa của đời mình. Chả biết có phải đời muốn đền bù cho ông hay sao ấy mà, người con gái ấy mới chính là đời sinh ra để dành tặng cho ông, để sinh ra và nuôi dưỡng những người con tài đức, để ông yên tâm công tác cống hiến cho Đảng, cho Tổ quốc. Đó là chuyện tình của chàng trai Nguyễn Vịnh, sau này là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Đại tướng nông dân.
 
 
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và vợ - Ảnh: Tư liệu gia đình

Nguyễn Vịnh sinh trưởng trong gia đình trung nông. Hồi nhỏ, anh được đi học. Song, vào năm 14 tuổi, cái tuổi để một cậu con trai như cái hạt đang cựa mầm, đang tích những tố chất để không ít lâu sau trở thành một chàng trai, thì một bất hạnh đã ập đến. Người cha thân yêu của anh qua đời, gia đình sa sút, nghèo khó. Anh phải bỏ học, đi làm tá điền giúp mẹ nuôi các em. Con tim của con người có sức sống quá mạnh mẽ và có những qui luật riêng của nó. Nghèo khổ, không cấm được con tim yêu. Năm Nguyễn Vịnh lên 16 tuổi, anh quen và yêu một cô gái xinh đẹp trong làng. Trái tim bé bỏng, trong sáng của cô gái đã bị chinh phục bởi vóc dáng khỏe mạnh, khuôn mặt rắn rỏi rất đàn ông của anh. Khi trái tim đã lên tiếng thì mặc dù biết rõ  anh chỉ là một tá điền song đâu có là gì với cô gái trẻ là con gái viên lý trưởng trong làng. Nhưng rồi, sống trong xã hội mà nam nữ đâu có được tự do yêu nhau, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy lúc đó, tình yêu của hai người đã không thể đến bến cuối cùng. Chê nhà anh nghèo, gia đình viên lý trưởng bắt con gái lấy người khác. Trước ngày cô lên xe hoa, gặp nhau lần cuối hai người chia tay nhau trong nước mắt của cô gái. Trái tim bị tổn thương và xót xa nước mắt người yêu, cũng là lúc thi ca  lên tiếng.

Chàng trai 16 tuổi Nguyễn Vịnh làm mấy vần thơ tặng cô:
 
Thời buổi này phong ba bão chướng
Biển bữa ni sóng lượn ba đào
Bởi vì thiếp tham nơi cửa lớn nhà cao
Bỏ tấm thân chàng ni chìm, mai nổi…
 
Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng chàng trai Nguyễn Vịnh đã nuôi chí lớn. Nỗi đau tình yêu đầu nhanh qua đi, Nguyễn Vịnh vừa đi làm thuê, vừa tham gia hoạt động cách mạng. Năm 20 tuổi, anh gặp chị Nguyễn Thị Cúc, người xã Nam Dương. Khác hẳn với những cô gái cùng lứa trong vùng thường không đẹp, và ít người biết chữ, Nguyễn Thị Cúc là cô gái đẹp, với gương mặt trái xoan chuẩn mực của quan niệm gái đẹp đương thời (“người ta yêu khuôn mặt trái xoan”), đôi mắt đen thông minh, lại có học, con nhà khá giả. Nguyễn Vịnh để ý và thầm yêu cô ngay từ lần đầu tiên hai người gặp nhau. Chàng trai Nguyễn Vịnh 20 tuổi đã tìm được lý tưởng cuộc đời là hoạt động cách mạng đánh đuổi ngoại xâm, lật đổ ách thống trị mang lại độc lập cho đất nước, tự do hạnh phúc cho người dân. Như chắp cánh cho tình yêu của Nguyễn Vịnh khi anh biết gia đình Nguyễn Thị Cúc là cơ sở cách mạng thời kỳ những năm 1924 - 1925, bố chị là một trong những người thường lui tới đàm đạo thế cuộc với nhà yêu nước Phan Bội Châu.
 
Còn Nguyễn Thị Cúc cũng đã tham gia hoạt động cách mạng rất sớm. Bằng linh cảm của trái tim thanh  nữ, Nguyễn Thị Cúc cảm nhận được tình cảm của người tá điền có nước da ngăm đen, đôi mắt ngời sáng, tính tình nhân hậu, thẳng thắn. Chị đã thầm yêu anh. Nhưng Nguyễn Vịnh chưa kịp ngỏ lời yêu, thì bị địch bắt. Lúc này, anh là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Dù không tìm được chứng cớ, tòa án vẫn tuyên án Nguyễn Vịnh hai năm tù cầm cố. Anh bị đưa về nhà lao Thừa Phủ cùng với các đồng chí Hoàng Anh, Tố Hữu, Nguyễn Sơn. Nhà thơ Tố Hữu rất hiểu nỗi nhớ đồng quê của người tá điền Nguyễn Vịnh. Trong ấy, có cả nỗi nhớ người con gái Nam Dương mà anh chưa kịp ngỏ lời. Anh Tố Hữu đã làm bài thơ Nhớ đồng ở lao Thừa Phủ đề tặng Nguyễn Vịnh, trong đó có câu: “Gì sâu bằng những trưa thương nhớ / Hiu quạnh bên trong một tiếng hò”.
 
Không cam chịu tù đày, không lâu sau khi bị đày lên nhà tù Buôn Mê Thuột, Nguyễn Vịnh đã vượt ngục. Trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng tám năm 1945, Nguyễn Vịnh là Bí thư Khu ủy Khu Bốn, được tham gia Đại hội Tân Trào. Và tại Đại hội này, một kỷ niệm anh không thể nào quên là được Bác Hồ đặt tên, mà anh không hề hay biết. Chuyện kể rằng, ở Đại hội Tân Trào, trong danh sách lãnh đạo công bố trước Đại hội, có tên Nguyễn Chí Thanh. Tất cả những người khác Nguyễn Vịnh đều biết, chỉ riêng có Nguyễn Chí Thanh, thì anh không biết là ai. Nguyễn Vịnh bèn hỏi đồng chí Phạm Văn Đồng. Đồng chí Phạm Văn Đồng cười lớn: “Chính anh chứ còn ai. Bác Hồ đặt tên cho anh đó”. Nghe nói thế, Nguyễn Vịnh vô cùng bất ngờ, sau đó thì biểu lộ sự thích thú và cảm động trước sự quan tâm của Bác Hồ. Từ đó, cái tên Nguyễn Chí Thanh đã gắn với nhiều mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng Việt Nam.
 
Trong công tác, Nguyễn Chí Thanh rất quan tâm đến cán bộ nữ. Có lần, chỉ vì nhiệt tình chữa xe đạp cho một cán bộ phụ nữ mà anh bị  hiểu nhầm là có tình cảm đặc biệt với cô. Tiếng đồn lan rộng làm anh phải thanh minh mãi. Bởi, trong tim anh đã in đậm hình ảnh của Nguyễn Thị Cúc. Trong khi đó, ở quê hương, gia đình chị Cúc định gả chị cho người cùng làng, vì chị đã đến tuổi. Song, Nguyễn Thị Cúc đã đành chịu tiếng không nghe lời cha mẹ. Bởi chị có ý đợi Nguyễn Vịnh. Và, dường như Trời đã xe duyên hai người. Giữa năm 1946, Nguyễn Chí Thanh về công tác Nam Dương quê Cúc. Anh chị gặp lại nhau, và sau đó sẽ là một đám cưới theo đời sống mới. Hòa trong không khí độc lập, tự do sau Cách mạng tháng Tám của dân làng, đám cưới của hai người càng tăng thêm niềm vui, bà con chòm xóm đến chia vui với đôi uyên ương rất đông. Có rạp bắc giữa sân. Người tổ chức đọc nghị sự, tuyên bố lý do, đứng chào cờ.
 
Chả có tuần trăng mật, ngay sau đám cưới, anh chị đã lao ngay vào cuộc chiến đấu trên chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Chuyện kể rằng, trong một lần đi công tác, đúng lúc địch càn quyét địa bàn, anh chị chia nhau mỗi người chạy một ngả. Anh vọt khỏi vòng vây, bơi qua con sông nhỏ trốn thoát. Chiều tối, khi giặc rút, anh quay lại, đi dọc bờ sông tìm chị. Tìm mãi, tìm mãi, cuối cùng anh chỉ thấy cái khăn quàng của chị trôi vật vờ  bên sông. Vớt chiếc khăn lên, lòng anh quặn đau khi nghĩ chị đã bị giặc giết. Trong lúc đó, phía bờ bên kia, chị Cúc cũng đang tìm anh. Hai người gặp nhau, mừng quá. Con đầu lòng của anh chị, Trường Sơn sinh ở chiến khu Hòa Mỹ. Song do hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, Trường Sơn đau ốm luôn. Để khỏi trở ngại công tác và làm phiền các đồng chí chăm sóc gia đình mình, anh chị gửi cháu về làng nhờ bà con nuôi giúp. Nhưng rồi cũng không nuôi được. Sau này, khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào miền Nam, đồng chí đã lấy tên con trai đầu lòng nhưng yểu mệnh Trường Sơn làm bút hiệu cho những bài bình luận nảy lửa về chiến tranh chống Mỹ.
 
Rồi người con thứ hai của vợ chồng Nguyễn Chí Thanh ra đời. Lần này, bà Cúc vượt cạn một mình, bởi thời gian này, Nguyễn Chí Thanh đã được Trung ương điều lên công tác trên Việt Bắc. Cô bé Thanh Hà cất tiếng khóc chào đời khi bà Cúc đang sơ tán ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Chị sống trong một căn nhà lá sâu trong xóm Ao Sen, bên bờ đê La Giang. Thời gian xa nhau, Nguyễn Chí Thanh rất chăm viết thư cho vợ. Bức thư viết cho vợ sau khi sinh con gái của ông thật nồng thắm và đầy thương cảm: “Cúc này, anh vừa bị sốt hai hôm. Anh nằm cứ trông thư Cúc. Anh đã gửi ít nhất bảy, tám cái thư rồi. Lần này, chỉ nhận được mấy hàng chữ của Cúc, đang đau mà hết. Nghĩ mãi, đêm nay không ngủ được. Cúc sợ anh biết Cúc đau sẽ lo hay sao mà không viết thư? Phải viết cho anh biết sức khỏe sau khi sinh đẻ chứ. Em cũng biết, hay nhớ nhung nhiều, hay sinh ra nghĩ thế này, thế khác. Tuy anh hiểu tính Cúc cũng ít viết thư. Cúc ơi, năng gửi thư cho anh. Chắc Cúc cũng muốn cho anh yên tâm. Nói thế nào cho hết tâm trạng của Thanh. Hôn Cúc và con”.
 
Năm 1950, Nguyễn Chí Thanh được cử vào quân đội, làm Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị. Bà Cúc cũng theo ông vào quân đội. Hai ông bà sống trong một lán nhỏ trong rừng Việt Bắc. Hai cô con gái sau lần lượt ra đời. Máy bay đánh phá nhiều nên các cháu thường phải xuống hầm. Cả gia đình hàng tháng sống dựa vào số gạo nhà nước cấp theo tiêu chuẩn cho cán bộ. Thấy cháu yếu và ông cũng gầy, cơ quan mua cho một con bò cái để vắt sữa nuôi cháu và cũng để bồi dưỡng sức khỏe cho ông. Hôm nào đồng chí Chắt, cần vụ của ông, ra suối câu được một ít cá mang về kho với ớt và măng vòi, hôm ấy là bữa ăn tươi. Khi cháu lớn, ông  bảo các đồng chí phục vụ dắt bò sang trả cơ quan. Chiến tranh ngày càng ác liệt, cuộc sống khó khăn, gian khổ, vì làm việc quá sức, Nguyễn Chí Thanh đã bị bệnh phổi. Mặc dù Bộ Chính trị ra quyết định ông  đi nghỉ dưỡng bệnh, song ông  viện lý do bận công việc, khất lần. Chỉ đến khi Bác Hồ đến tận nơi, bảo: “Bộ chính trị đã quyết định rồi, chú sắp xếp đi nghỉ thôi”. Ngày xưa, Bác cũng bị bệnh phổi. Nhưng kiên trì chữa thì khỏi”, ông  mới chấp hành.
 
Sau kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Chí Thanh được phong quân hàm Đại tướng. Được trên phân một ngôi biệt thự rất đẹp có hai chóp mái nhọn trên đường Thanh Niên, cạnh hồ Trúc Bạch lộng gió, song ông bàn với vợ xin chuyển về ngôi nhà cấp bốn giản dị ở đường Lý Nam Đế. Mất đứa con trai đầu trong chiến tranh, bà Cúc muốn sinh cho ông thêm một đứa con trai. Hiểu lòng bà, nhưng thấy vợ yếu, ông không muốn. Song vì quá yêu chồng, mặc dù sức khỏe không tốt, năm 1957, bà đã sinh hạ một bé trai. Không quên cái tên “cúng cơm”, Nguyễn Chí Thanh đã đặt tên con trai là Nguyễn Chí Vịnh (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).
 
Cuối năm 1960, tình hình nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, ông Thanh được Trung ương chuyển sang làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Những tưởng hòa bình rồi, vợ chồng được ở gần nhau, nhưng bà Cúc lại phải xa chồng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi khắp nơi: Quảng Bình, Vĩnh Linh, Lạng Sơn, Yên Bái, Hải Phòng, Lào Cai…để tìm hiểu, nghiên cứu cách quản lý và rút kinh nghiệm nhằm phát động phong trào thi đua trong  nông nghiệp. Sau khi xây dựng thành công điển hình Hợp tác xã Đại Phong, mùa xuân năm 1961, phong trào thi đua “Gió Đại Phong” do ông chỉ đạo, phát động đã làm cho không khí hoạt động sản xuất nông nghiệp sôi nổi hẳn lên.
 
Tuy chồng làm Đại tướng nhưng bà Cúc sống rất giản dị. Bà luôn có ý thức giữ uy tín cho chồng. Bà có một lòng tin tuyệt đối với ông: Ông ấy làm gì cũng đúng! Cho đến bây giờ, trong ký ức sâu thẳm của tất cả bạn bè, đồng chí  vẫn còn nhớ, những sinh hoạt của ông bà và gia đình Đại tướng không cách biệt với những cán bộ bình thường. Con trai mặc quần mua ở cửa hàng mậu dịch. Con gái mặc sơ mi nhuộm màu gụ như hồi còn ở nông thôn. Nhà có mảnh vườn, mọi người, kể cả các đồng chí phục vụ và các cháu cùng trồng rau. Khi nào có thời gian, ông Thanh cũng tham gia. Suốt bao mùa đông ở Hà Nội ông vẫn mặc chiếc áo khoác bằng dạ  nâu đã cũ được cấp hồi ở Việt Bắc. Hôm nào rét quá, ông khoác thêm chiếc áo choàng cấp tướng. Trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá, bàn cũ, ghế thô. Buồng ngủ hẹp, chiếc giường cổ lỗ choán gần hết chiều rộng. Nhà không có hiên, về mùa hè, buồng ngủ rất nóng. Tổng Cục Chính trị đề nghị lắp máy lạnh, ông không chịu. Ông nói, để dành cho những đồng chí yếu hơn.
 
Hồi ấy,  máy lạnh còn rất hiếm. Ông Thanh nghiện thuốc lá, mỗi ngày hút mấy bao thuốc. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của ông, bà Cúc chỉ phát cho ông mỗi ngày 10 điếu. Nhưng nhiều lúc thương chồng, bà lại giúi thêm cho 1 điếu. Nhiều khi thèm quá ông Thanh trốn vợ, hút thêm. Bị bắt gặp, ông phải nói dối: Đây là thuốc Bác Hồ cho. Biết tỏng là ông Thanh không biết nói dối bao giờ, bà Cúc cười, không  nói gì.
 
Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng máy bay, tầu chiến, Trung ương lại điều Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trở lại quân đội. Ông tình nguyện vào Nam chiến đấu.
 
Nhà thơ đồng hương Tố Hữu làm thơ tiễn ông Thanh vào Nam: Tôi tiễn anh đi một quãng đường / Nặng tình đồng chí, lại đồng hương / Đã hay đâu cũng say tiền tuyến / Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường.
 
Khi ông đi, bà Cúc không được khỏe, không thể cùng chồng vào Nam, phải ở lại Hà Nội công tác, chăm nuôi mẹ già và các con. Cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam căng thẳng, ác liệt, ông phải di chuyển nhiều để nắm tình hình và chỉ đạo kháng chiến các địa phương, song hình ảnh mẹ, vợ và các con luôn trong ông. Ông chia sẻ nỗi vất vả việc gia đình với vợ qua những bức thư. Thư gửi theo đường giao liên, đi rất lâu. Do lý do bí mật, hai người phải lấy tên khác; ông có khi tên là Nam, khi là Thao; còn bà tên là Lý. Thư thường viết ngắn, không tâm sự được nhiều. Tình yêu của ông bà, những nỗi lo lắng về nhau, về các con phải ngụy trang bằng những quy ước, những dòng chữ khô khan. Việc chỉ huy đánh Mỹ của ông trên chiến trường phải chuyển tên gọi thành “công việc làm ăn”...
 
Bức thư ngày 10 tháng 10 năm 1964, ông viết: “Cúc chú ý lo sức khỏe, an ủi và giải thích cho bà, dặn dò các con. Mấy lời Cúc dặn anh chú ý, nhất là hết sức giữ gìn sức khỏe. Ba dặn các con phải ngoan hơn nữa, phải chịu khó lao động, ra sức học tập. Đối với bạn bè cho thật tốt. Thật thà, ngay thẳng, lễ độ, khiêm tốn, người khác sao thì mình vậy. Hôn Cúc và các con, bà”.
 
Bức thư tháng 9 năm 1965, ông viết: “Lý yêu mến. Vừa nhận được thư và ảnh của gia đình. Mừng lắm. Chắc Lý đã nghe anh bạn kể chuyện nhiều và rõ. Nghe nói Lý khá hơn trước nhiều, và nhìn trong ảnh thấy Lý có mập hơn trước. Bà phương phi, các con trông khá, nhất là Bé. Mừng lắm. Sức khỏe của anh vẫn tốt. Cách đây một tuần có cân, đúng 58 cân. Tuy làm ăn lao động vất vả nhưng không đến nỗi như trước đây. Gởi lời hỏi thăm ông bà ngoại. Ba có được thư của Bé, Bé cố gắng học nhé. Hà thì khá, đừng chủ quan, tự mãn. Tý cố học văn hóa, cả nhạc cho khá. Cu Vịnh ngoan nhé. Bé, Tý ở nhà với bà ngoại, ông ngoại thì tốt quá, còn Hà và Vịnh ở với mẹ và bà nội, như thế là vui vẻ. Anh hôn Lý yêu mến. Ba hôn các con và chúc các con ngoan, khỏe”.
 
Bức thư tháng 9 năm 1965, bà viết: “Anh Thao. Đã lâu không được thư anh, nóng ruột quá. Anh có khỏe không. Bà nội, các con đều khỏe. Các con cuối  năm học tổng kết vào loại giỏi và khá. Hà A1. Bé tiến bộ rõ rệt. Hà, Tý rất ngoan. Vịnh lớn nhiều, láu cá lắm. Nay Vịnh đang cố học để viết thư cho ba. Anh Thao ơi, Cúc dặn nhé: Công việc làm ăn của anh nặng nhọc nhiều, anh cố gắng bồi dưỡng đủ sức làm ăn lâu dài anh nhé. Cúc chỉ mong anh đừng ốm đau, làm ăn ngày càng phát tài hơn nữa, thu nhập ngày càng cao hơn. Rứa là Cúc và tất cả gia đình mừng rồi. Còn mọi việc ăn ở của gia đình đã có Cúc và bà con giúp đỡ, anh yên tâm. Lần nữa mong anh khỏe - nhớ anh nhiều. Anh năng viết thư cho Cúc với. Vợ anh”.
 
Bức thư tháng 10 năm 1965, bà viết: “Anh Thao. ở nhà bà nội, ông bà ngoại, Cúc, các con đều khỏe - tất cả các con đã vào năm học mới. Bé Tý đã được ông bà ngoại lo cho chu đáo, còn Hà đi theo trường, chủ nhật mới vào thăm. Cu Vịnh mẹ phụ trách. Mỗi ngày học một chữ và tập viết  hai bài. Lần này Vịnh gửi ảnh cho ba, tự tay viết lấy, không cho mẹ cầm tay như trước nữa. Mong anh khỏe, giữ được sức, làm việc lâu dài. Mọi việc  nhà anh yên tâm. Lần nữa mong anh khỏe - anh  nhớ năng viết thư cho Cúc. Nhớ anh nhiều. Vợ anh”.
 
Sau ba năm xa cách,  năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra Bắc mấy tháng. Nhưng ông bà cũng không có nhiều thời gian cho nhau. Ngày nào ông cũng đi làm việc tới khuya để chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968. Vào buổi chiều ngày mồng 5 tháng 7 năm 1967, trước ngày lên đường trở vào Nam, Bác Hồ mời ông đến ăn cơm để chia tay. Bác cháu vừa ăn, vừa bàn công việc rất lâu. Sau đó, ông còn làm việc đến khuya với các đồng chí Song Hào, Lê Quang Đạo. Trong lúc làm việc căng thẳng, bệnh cũ lại hành hạ, song ông dấu không để Bác và các đồng chí biết. Đêm đó, tuy tạm lắng tiếng còi báo động máy bay Mỹ, song khí trời Hà Nội vô cùng oi bức, ngột ngạt. Về đến nhà trời đã khuya, sáng sớm hôm sau ông đã phải lên đường, song ký ức về Bác Hồ buổi chiều cứ đi về trong tâm trí. Ông thương Bác quá. Hồi này, trông Bác không được khỏe. Ông cứ tần ngần, không muốn rời ngôi nhà Bác ở. Linh cảm của cuộc chia tay cuối cùng, ông nói với đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác: “Tôi thấy Bác tóc bạc phơ mà thương quá. Tôi vào Nam chuyến này không  biết lúc trở ra có còn được gặp Bác không”.
 
Thời gian lên đường không còn bao lâu, mà ông bà chẳng nói chuyện được với nhau nhiều. Mất điện, ngôi nhà 34 phố Lý Nam Đế chìm trong bóng tối của khu vườn. Bà Cúc đang ốm. Ông lo lắng nhìn dáng gầy yếu của vợ. Từ ngày mai, lại một mình bà vừa nuôi bốn con, vừa công tác. Đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Gánh nặng gia đình thời chiến đè nặng lên đôi vai gầy yếu của. Ông đi chuyến này để thực hiện Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về cách mạng Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang rất ác liệt và kéo dài, chưa biết đến khi nào ông trở ra Bắc. Ông trằn trọc không ngủ được. Nằm cạnh ông, bà Cúc thao thức, trong đầu mông lung với ý nghĩ, lần chia tay này, không biết khi nào ông bà mới gặp nhau. Bỗng nhiên, bà thấy ông ôm ngực, choàng vùng dậy, nói với bà: “Anh thấy trong người khó chịu lắm. Có cảm giác như nước chảy ào ào trong người. Cúc gọi xe đưa anh đi bệnh viện”. Đồng chí bảo vệ chạy vào, đưa vai bảo ông bám cõng ra xe. Ông không cho cõng, tự ra đến cổng để lên xe.
 
Xe vừa đến bệnh viện thì ông ngất lịm đi. Bà Cúc không được đi theo xe. Bác sĩ bảo ông bị  bệnh tim. Bà ngơ ngác, thẫn thờ đi lại trong sân nhà. Khi mọi  người chở bà đến bệnh viện, ông còn thở thoi thóp, mạch đập rất yếu nên không hay biết gì nữa.
 
Cái buổi sáng ngày mùng 6 tháng 7 năm 1967 định mệnh ấy, trái tim nhà chiến lược quân sự tài ba của Việt Nam đã ngừng đập. Ông mới tròn năm mươi ba tuổi. Nhưng vị tướng ấy đã kịp trang bị cho những người ở lại niềm tin và quyết tâm thắng Mỹ. Ông và đồng đội đã làm cho bao thế hệ các tướng lĩnh Mỹ đau đầu đi tìm câu trả lời: Tại sao Mỹ thua Việt Nam?
 
Ngày tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng, Bác Hồ gạt lệ bên linh cữu ông. Bác không ngờ người học trò của mình, người mà mình đặt nhiều hy vọng lại ra đi trước Bác. Bà Cúc ngất lịm  khi ông ra đi. Nỗi đau mất ông quá bất ngờ, quá lớn. Nhiều năm sau khi ông mất, thỉnh thoảng, ngồi một mình, bà nói chuyện với ông. Bà dặn các con để phần cơm cho bố: “Bố đi công tác sắp về”.
 
Bà Cúc vẫn nghĩ ông còn sống!
 
Vâng! thưa bà, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn sống mãi cùng gia đình và non sông đất nước. Bởi ông là Đại tướng Nông dân, cả cuộc đời trong xanh như ngọc, là một tấm gương sáng cho muôn đời noi theo.
 
Trương Nguyễn Hà Bình
(Dựa theo Chuyện tình chính khách Việt Nam - Nguyệt Tú - Nguyệt Tĩnh, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2011)

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện tình Đại tướng nông dân Nguyễn Chí Thanh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.