Chuyện quanh Sơn Đoòng: Khi di sản bị đối xử như “mỏ vàng”

29/10/2014 16:16

Theo dõi trên

Không phải chỉ đến bây giờ - với Sơn Đoòng - thì câu chuyện khai thác di sản thế nào để vẫn bảo tồn được giá trị mới trở thành vấn đề nóng.

Trước đó, khá nhiều những di sản, cảnh quan nổi tiếng đã được làm cáp treo và cũng gây xôn xao dư luận như cáp treo Yên Tử, cáp treo Bà Nà, cáp treo Tà Cú, cáp treo nối đất liền với đảo Hòn Tre… Đã có nhiều ý kiến phản biện, nhưng dự án vẫn được tiến hành, lợi hay hại thế nào, câu trả lời đã có.

Khách tham quan nhờ có cáp treo mà đến được gần hơn với di sản thiên nhiên, nhà đầu tư có lời, địa phương có nguồn thu, ngân sách được cải thiện.

Nhưng bên cạnh đó, không thể không tính đến những tác động tiêu cực đến môi trường và quan trọng hơn, vẻ huyền bí kỳ ảo của những đỉnh non cao đã vì thế mà trở nên tầm thường, nhạt nhẽo.

Bởi thế mà dự án cáp treo ở hang Sơn Đoòng mới bị dư luận phản ứng quyết liệt, đã có quá nhiều bài học phải trả giá đắt khi con người chỉ chăm chăm khai thác di sản mà không cần nghĩ đến tương lai. Giữa cái lợi trước mắt và con đường lâu dài để khai thác mà vẫn có thể bảo vệ được di sản thiên nhiên quý giá này, thiết nghĩ UBND tỉnh Quảng Bình nên có những cân nhắc kỹ lưỡng. Hơn nữa, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, không thể chỉ vì coi đó là “mỏ vàng” cần khai thác bằng mọi giá mà quên đi những cam kết với UNESCO.

Những tiếng nói tâm huyết đã được tỏ bày, các chuyên gia về địa mạo địa chất đã lên tiếng. Người ta xót xa cho di sản thiên nhiên này, ví nó như một người con gái xinh đẹp tuyệt mỹ đang trú ẩn nơi chốn rừng sâu.

Nếu có tuyến cáp treo, sẽ nhiều người được nhìn ngắm nhan sắc của người con gái ấy, nhưng đổi lại, sẽ chẳng còn gì là hấp dẫn, kỳ bí cả. Và điều quan trọng nhất là giá trị địa mạo, địa chất của hang sẽ bị thay đổi, các chuyên gia cho biết, hang Sơn Đoòng ở trong một quả núi rỗng với kết cấu đá vôi, sẽ vô cùng dễ bị tổn thương nếu có tác động mạnh của ngoại lực.

Xin hãy thay đổi cách nhìn với di sản, đừng xem đó chỉ là “mỏ vàng” thuần túy. Mà kể cả đó có là một mỏ vàng thật, thì ăn ngày hôm nay còn phải biết đến bữa mai, còn phải nghĩ đến các thế hệ con cháu mai sau. Có lý nào đời này cứ phải tận thu, tận hưởng bằng hết, không còn chút gì để lại?

Theo Dân Việt
Bạn đang đọc bài viết "Chuyện quanh Sơn Đoòng: Khi di sản bị đối xử như “mỏ vàng”" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.