Tới dự và chúc mừng chương trình có: Lẵng hoa chúc mừng của Ban Tôn giáo Chính phủ; đại diện Cục Văn hoá cơ sở; đại diện Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Về phía Ban tổ chức chương trình có đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển cùng một số cơ quan, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực văn hoá và đại diện chính quyền địa phương. Đặc biệt hơn cả, là sự góp mặt của đông đảo bà con nhân dân trong vùng; các nghệ nhân, đồng đền, thủ nhang; thanh đồng ở một số tỉnh thành phố trong cả nước. Từ đó, tạo nên một bầu không tươi vui, phấn khởi và đa sắc màu.
Trong buổi lễ, Thạc sĩ, nghệ nhân Nguyễn Đạt Tân - đại diện Ban tổ chức phát biểu khai mạc. Theo đó, Thạc sĩ đã nhấn mạnh: “Sự kiện tổ chức, nhằm hưởng ứng những ngày lễ lớn của dân tộc như: Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022); 77 năm Cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9; 06 năm “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là hoạt động văn hoá thiết thực, góp phần chung tay xây dựng, bảo tồn và phát huy văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc (đạo của người Việt) - Một sân chơi lành mạnh, bổ ích. Cơ hội để các thanh đồng giao lưu, học hỏi lẫn nhau về đạo và đời, theo đúng lề lối xưa. Đồng thời tạo điều kiện để phát hiện và chọn lọc ra nhiều nét văn hoá độc lạ, của các vùng miền khác nhau. Lấy đó làm cơ sở, cho việc nghiên cứu ra các giải pháp ưu Việt, trong việc bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc. Qua đó, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử cùng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc bao đời nay, cho thế hệ trẻ…”
Chương trình Giao lưu văn hóa chầu văn “Lưu truyền văn hoá Việt - Lần 4" là một trong những hoạt động trong nhiệm vụ phát triển văn hoá Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển. Đây là môi trường lý tưởng để giao lưu, gặp gỡ, học hỏi giữa các nghệ nhân, đồng thầy, thủ nhang, thanh đồng, trong công cuộc “Bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt”, giữa những ngày tiệc tháng 6 (ÂL). Thông qua chương trình, nhầm ghi nhận, tuyên dương các nghệ nhân, thanh đồng tiêu biểu là thành viên của Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển, đã có thành tích xuất sắc tham gia chương trình giao lưu văn hoá diễn xướng chầu văn “Lưu truyền văn hoá Việt - lần 4”.
Trước đó, tại sân khấu chương trình, diễn ra nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng, của đoàn văn nghệ đến từ Thành phố Hà Nội. Tiết mục trống hội và múa quạt, của các nghệ sĩ CLB thôn Chấp Trung 1 được mọi người đánh giá cao.
Mỗi thanh đồng, mỗi giá hầu là một biểu cảm, sắc thái không giống nhau, tuy nhiên, đều toát lên được sự hoan hỷ và tươi vui. Chất liệu trang phục, phụ kiện hầu đã có sự cách tân, chấm phá ít nhiều, nhưng không hề làm mất đi tính đúng đắn, chuẩn mực của nhân vật được tái hiện. Điều này cho thấy sự kế thừa, gìn giữ, bảo tồn và phát huy những tiêu chuẩn cơ bản của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là có. Đây sẽ là cơ sở thực tế hơn cả, cho một số cơ quan, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực văn hoá tìm hiểu, nghiên cứu và đi đến thống nhất.
Đền “Mẫu Liễu Hạnh Công chúa” - địa điểm tổ chức chương trình, do đồng thầy Đỗ Thị Hảo - thủ nhang, có diện tích khoảng 7000m2, được xây dựng lại hoàn toàn từ tháng 6 năm 2019, hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đền nằm giữa cánh đồng, có không gian thoáng đãng, hứa hẹn sẽ là nơi chiêm bái lý tưởng của du khách thập phương - “những người con của Mẫu” và nhân dân trong vùng.