Chùa thiêng và lời nguyền xuyên thế kỷ

13/09/2021 13:27

Theo dõi trên

Trong hàng ngũ người Pháp ai cũng sợ lên xứ Vĩnh Yên. Người dân 5 làng Tích Sơn thì thào truyền tai nhau: Người Pháp cướp chùa Ngũ Phúc, hất tượng xuống đầm thì thần phật phạt là đúng rồi. Người dân ở các làng trong vùng còn úp mở nói lời nguyền của ông cử giỏi lý, số, thông thạo kinh dịch: kẻ đứng đầu tỉnh ở đất của chùa lại ức hiếp dân lành, cướp của dân đều thân bại danh liệt.

chua-ngu-phuc-1622713826-1631514379.jpg

Mùa xuân, chim hót véo von trên cây cổ thụ. Ven lối đi, hoa rừng xen với hoa trồng rực rỡ. Nhưng cả dinh chánh công xứ đều chết lặng trong không khí tang tóc. Sáng nay, không thấy quan Chánh dậy như mọi ngày, cậu lính hầu mở cửa phòng thấy ông chết gục trên bàn, tai và mũi trào máu. Người Pháp cất công điều tra mãi nhưng không tìm ra nguyên nhân. Ba năm sau một ông chánh xứ chưa hết nhiệm kỳ cũng bị đột quỵ, méo hết cả mồm miệng. Một ông khác cưỡi ngựa đi săn ở rừng Ba ngã ngựa gẫy chân. Viên quan đốc học người An Nam vội vã đón ông thầy phù thuỷ lên yểm bùa, trấn trạch. Nhưng hơn một năm sau, một quan Chánh xứ khác bị sốt rét, ốm vật vã phải về nước chữa trị. Trong hàng ngũ người Pháp ai cũng sợ lên xứ Vĩnh Yên. Người dân 5 làng Tích Sơn thì thào truyền tai nhau: Người Pháp cướp chùa Ngũ Phúc, hất tượng xuống đầm thì thần phật phạt là đúng rồi. Người dân ở các làng trong vùng còn úp mở nói lời nguyền của ông cử giỏi lý, số, thông thạo kinh dịch: kẻ đứng đầu tỉnh ở đất của chùa lại ức hiếp dân lành, cướp của dân đều thân bại danh liệt.

Một cụ già cao niên, râu tóc bạc phơ, kể cho tôi nghe lời nguyền từ cuối thế kỷ 19. Nghe xong, tâm trạng tôi vừa háo hức của người tìm hiểu lịch sử, vừa lạnh hết dọc xương sống. Những vụ đột tử, những căn bệnh trầm kha hoặc án kỷ luật chôn vùi danh dự người đứng đầu tỉnh xuống Đầm Vạc đều đã từng xảy ra. Lời nguyền thiêng liêng linh ứng thật ư? Mấy anh bạn học còn khẳng định, số phận các vị chánh xứ Pháp, cứ vào kho lưu trữ Trung ương là có hết, còn mấy ông thời ta chúng tớ sẽ cung cấp. Sau chén rượu ngà ngà, các anh kể từng ông: này nhé, khi mới tách tỉnh, có vị quan đầu tỉnh vẫn ở ngôi nhà cũ trên đất chùa (nền nhà của quan Chánh xứ), mới tại vị một thời gian ngắn, đi cắt tóc về gội đầu là chết bất đắc kỳ tử. Ông thứ hai lên thay cũng chỉ một thời gian ngắn là đột quỵ, méo mồm, méo miệng. Ông thứ ba sức khoẻ không việc gì nhưng chả hiểu uy tín làm sao hay lời nguyền linh ứng mà ông ta không qua nổi vòng bỏ phiếu toàn quốc. Ông thứ tư còn trẻ lại được học kiến thức phong thuỷ thời sinh viên. Vì vậy ông chuyển cơ quan ra vị trí khác, nền cũ của khu dinh công xứ cũng là đất của chùa, ông lập đền thờ Bác Hồ. Mấy ông cán bộ hưu trí có nhiều thông tin lại nhận xét: ông này có tâm, có nhiều cải cách vì dân nên không phạm lời nguyền. Có ông cán bộ to thời ấy chép miệng: ông nào chả có sân sau. Một ông đưa ra nhận xét: ông này hiểu biết, đám đất chùa xin trả lại tâm linh, ông ấy còn trẻ nên còn giữ gìn. Quả thật ông là người duy nhất tiến xa, tránh được lời nguyền…

Nghe các ông nói chuyện, dẫn chứng, tôi lại thấy hình như lời nguyền ngày xưa linh ứng. Bệnh nghề nghiệp nên tôi càng đề cao vai trò dân gian. Dân đã nói là đúng. Còn câu chuyện thiêng có người tin là thật nhưng có người nói dân đã đúc kết thành lời nguyền để răn dạy các quan: kẻ nào hám lợi làm hại dân ắt bị trừng trị. Càng nghĩ càng phục lời nguyên và trí tuệ dân gian.

Trần Hữu Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Chùa thiêng và lời nguyền xuyên thế kỷ" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.