Chùa Giai: Nếp nhớ, nếp nghĩ… muôn đời

07/03/2022 13:50

Theo dõi trên

Đã tự ngàn xưa, ngôi chùa làng dãi dầu bao nắng bao mưa, đã gắn bó máu thịt, cố kết với dân làng, một nắng hai sương, đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời...  Chùa Giai (xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương) ẩn mình sau lũy tre xanh, núp bóng dưới cội bồ đề. Mái chùa quê với ông thầy tu chân quê, nâu sồng chân đất, đầu tròn áo vuông, thủy chung làm tròn vai trò sứ giả Như Lai, chung chịu gian nan, chung vui hạnh phúc cùng mười phương thiện tín.

20220306-210122-1646624111.jpg
Chùa Giai (xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu

Cõi về!

“… Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông… 
(Nhớ Chùa - Thi sĩ Huyền Không)

Giá trị văn hóa vật thể dù bị “điêu linh”, nhưng phi vật thể luôn bền bỉ với cộng đồng, dân tộc. Âm thầm lòng hướng thiện của dân cư, dấu xưa nền cũ còn, thì chùa còn. Chùa Giai (xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương) được nhân dân sưu tầm hiện vật, đóng góp khôi phục, tôn tạo trên nền cũ từ cuối những năm 1990.

20220306-210316-1646624227.jpg
Giá trị văn hóa vật thể dù bị “điêu linh”, nhưng phi vật thể luôn bền bỉ với cộng đồng, dân tộc. Ảnh: Nguyễn Diệu

Chùa được dựng từ thời Hậu Lê, bị tàn phá cùng thời điểm với đình Giai. Làng quê trung du cửa ngõ gió Lào không có cổng làng, thiếu phong thủy cây đa bến nước, mất đi đình đền, miếu mạo hóa cộc cằn, tình làng nghĩa xóm lấy cái “cương” (trực) làm trọng mà nhãng  đi cái “nhu” vốn là trầm tích nhân bản, nhân văn tinh thần người quê đã ngàn năm thấm đẫm. 

Chùa Giai linh thiêng không nhờ toà ngang dãy dọc. Chùa Giai kiến trúc khiêm nhường nhỏ bé, nhưng lớn lao trong tâm niệm người dân quê. Nhẹ bước chân trên lớp hoa đại rụng luân hồi sân chùa chiều tĩnh tại, gặp đôi câu đối: 

“Trăm cành gặp sương đến phương Nam
Trường cửu đền miếu có sự giác ngộ”

20220306-210153-1646624336.jpg
Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông. Ảnh: Nguyễn Diệu

Thanh Khai là xã cực Nam của huyện Thanh Chương, nơi dòng Đa Cương hòa mình vào sông Lam, chia ranh giới huyện Thanh Chương với huyện Nam Đàn. Nơi vòng cung giao nhau đó có một ngôi chùa nhỏ mang tên chính ngôi làng cổ cư dân nơi đây - làng Văn Hoa, chùa Văn Hoa hay Văn Hoa tự. Đến thời vua Thiệu Trị, làng Văn Hoa đổi tên, ngôi chùa nhỏ khiêm mình cũng khoác lên mình một tên mới - Chùa Văn Giai. Người dân nơi đây gọi tắt thành quen là Chùa Giai.

Truyền thuyết kể lại, đầu thế kỷ XVI, thời vua Lê Uy Mục, Văn Hoa đã là một vùng có cư dân sinh sống. Dòng Đa Cương đã nuôi sống người dân nơi đây bằng nghề chài lưới và trồng lúa. Thế nhưng dòng Đa Cương cũng hung dữ, nhất là mùa lũ, cướp đi rất nhiều thứ, kể cả tính mạng con người.

20220306-210325-1646624509.jpg
Bên trái từ ngoài vào thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, dưới thời cai trị bạo tàn của vua Lê Uy Mục, đời sống nhân dân hết sức lầm than. Trời xanh oán hận làm mưa lũ triền miên. Năm đó, làng Văn Hoa gặp một trận đại hồng thủy, làng xóm chìm trong nước của dòng Đa Cương và nước vu hồi của sông Lam. Trong dòng nước lũ có một pho tượng phật bằng gỗ cứ quanh quẩn vào vùng đất này, không chịu trôi đi. Đặc biệt, càng lại gần bức tượng Phật, dòng nước càng phát ra âm thanh trầm hùng.

Thấy vậy, mọi người hò nhay rước tượng Phật về nơi cao ráo, dựng tạm nhà tranh để thờ, ai cũng cầu mong an lành đến với dân làng, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát triển… Tất cả những lời cầu khẩn của mọi người đều rất linh ứng!

Nơi an vị pho tượng Phật đầu tiên trở thành nơi tọa lạc của Chùa Giai ngày nay. Pho tượng Phật Tổ bằng gỗ mang nét phúc hậu, trang nghiêm, che chở cho làng Văn Hoa từ đó đến giờ. Và không biết từ bao giờ, Chùa Giai trở thành điểm tựa tâm linh, và cũng là nơi lưu giữ ký ức của biết bao thế hệ nơi này!

20220306-210334-1646624605.jpg
Bên phải là nơi phối thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Đức Thánh Trần - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng thành làng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Theo sự biến thiên lịch sử, tín ngưỡng người dân ngày càng phong phú, Chùa Giai trở thành nơi phối thờ: Phật, Thánh, Thần và những người có công với đất nước. Giữa chính điện là tượng Phật Thích ca uy nghi hàng trăm năm tuổi, bên phải là nơi phối thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Đức Thánh Trần – Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng thành làng. Bên trái từ ngoài vào thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, và cạnh cổng chùa là tượng Phật Quan âm Bồ tát đang ban phép lành cho chúng sinh.

Công trình kiến trúc tâm linh cổ kính

Pho tượng Phật Thích Ca gốc tại chùa cao khoảng 1,6m làm từ chất liệu gỗ, đức Phật được tạc trong tư thế ngồi thiền trên tòa sen. Tượng gồm 3 phần: thân tượng, đài sen và bệ đỡ, ngày trước được sơn màu đỏ, sau khi tôn tạo chùa, tượng đã được sơn lại màu nâu. Pho tượng này gắn liền với nhiều huyền thoại về việc xây dựng chùa và tín ngưỡng thờ Phật của người dân làng Văn Giai xưa.

20220306-210228-1646624734.jpg
Trong những năm trở lại đây, tại chùa diễn ra nhiều ngày lễ quan trọng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Tượng Thích Ca chùa Giai được tạc với nghệ thuật điêu luyện, khuôn mặt đầy đặn với đủ các tướng quý từ mặt, mũi, tai, miệng… toát lên sự từ bi, nhân hậu. Chùa Giai là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Thanh Chương (gần như là duy nhất) còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ độc đáo, trong đó có hệ thống tượng Phật.

Chùa Giai không chỉ là một công trình kiến trúc tâm linh cổ kính, còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân quanh vùng và du khách thập phương. Trong những năm trở lại đây, tại chùa diễn ra nhiều ngày lễ quan trọng: Lễ Đức Phật Di Lặc (mồng 1 Tết Nguyên đán); Lễ Thượng nguyên (ngày 15 tháng giêng âm lịch); Lễ Đức Phật Thích Ca xuất gia (ngày 8/2 âm lịch); Lễ tế Đức Thánh mẫu (ngày 3/3 âm lịch)… Ngoài ra, tại chùa còn có lễ Thượng Nguyên, Phật Đản, Vu Lan, các tuần tiết, sóc vọng hoặc mỗi khi có việc người dân đều lên chùa lễ Phật dâng hương cầu cho người sống, phát nguyện cho người đã khuất. 

20220307-102032-1646624840.jpg
Năm 2013, chùa Giai được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Chùa Giai vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, vững chãi, khá đẹp và lưu giữ được nhiều đồ tế khí cổ có giá trị, như tượng, giá gương, câu đối, đại tự…. đặc biệt là Pho tượng phật cổ gắn với huyền thoại của nhân dân địa phương về sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng Phật giáo của một vùng quê xứ Nghệ. 

Song song với nét văn hóa đặc sắc, Chùa Giai mang trong mình, ẩn chứa những giá trị nghệ thuật kiến trúc và lịch sử. Giai đoạn 1930 - 1931, chùa Giai là nơi sinh hoạt bí mật của Đảng viên và là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên Thanh Khai (Chi bộ Kiên Tiền, sau này sáp nhập vào chi bộ Xuân Bảng). Từ đó, chùa Giai là nơi sinh hoạt bí mật thường xuyên của chị bộ Xuân Bảng, Phúc Yên, kết nối với chi bộ Tú Viên và các đồng chí cán bộ Huyện ủy Thanh Chương. Năm 1945, chùa là nơi tổ chức thành lập mặt trận Việt Minh, vận động nhân dân nổi dậy cùng cả nước đứng lên giành chính quyền. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với vị trí chiến lược quan trọng, chùa được lựa chọn là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược và thiết bị cơ khí Vinh về sơ tán. 

20220307-102118-1646624943.jpg
"Chùa tôi ngập ánh bình minh/Sen từ thơm ngát, đinh ninh lối về…”. Ảnh: Nguyễn Diệu

Với những giá trị đượm vào hồn dân tộc, gắn kết keo sơn với người dân nơi đây, năm 2013, chùa Giai được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. 

“Ta cứ đi tìm những cái hay, cái lạ ở quê người, điều đó không có gì đáng trách, nhưng ta vô tình hay hữu ý bỏ quên cái hay, cái đẹp của quê hương, dù ta có viện ra nhiều lý do nào đó để bảo vệ cho sự thờ ơ của mình, cũng là có lỗi với người xưa…”.

“… Chùa tôi cõng nắng gánh mưa
Chia cơm sẻ áo cho vừa thương nhau
Chùa tôi vọng tiếng kinh cầu
Thôn trên xóm dưới thuộc câu nhiễu điều.
Chùa tôi bóng ngả về chiều
Khói lam vương nhẹ, bao nhiêu tự tình
Chùa tôi ngập ánh bình minh
Sen từ thơm ngát, đinh ninh lối về…” 
(Chùa tôi – Cõi về của Thầy Thích Thiên Đạo)

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Chùa Giai: Nếp nhớ, nếp nghĩ… muôn đời" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.