Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng người lao động sẽ quay trở lại TP.HCM

12/10/2021 21:28

Theo dõi trên

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong dòng người rời TP về quê, sẽ có không ít người ở lại. Nhưng ông tin tưởng, trong 100 người về quê sẽ có khoảng 70 người trở lại.

giasat-2-1634049064.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo TP.HCM tại buổi giám sát

Chiều 12/10, Đoàn ĐBQH TP.HCM có buổi giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch và các giải pháp kiểm soát dịch, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn TP.HCM.

Dự buổi giám sát có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch TP Phan Văn Mãi.

TP.HCM phải xứng danh "Anh Hai Nam bộ"

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước đánh giá, TP.HCM đã vượt qua thời điểm khó khăn, thử thách nhất trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Thành công trên đến từ việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch sáng tạo, hiệu quả và sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố triệu dân.

Thời gian tới, TPHCM sẽ bước vào chặng đường bình thường mới, thích ứng an toàn với Covid-19 để khôi phục, duy trì và phát triển nền kinh tế.

Để từng bước phục hồi kinh tế, theo Chủ tịch nước, điều kiện tiên quyết của TPHCM là kiểm soát tốt dịch bệnh. Cần xây dựng những biện pháp quản lý rủi ro, đánh giá, giám sát nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới thành phố trong thời gian trước mắt.

Người đứng đầu Nhà nước cũng nhấn mạnh, sự phát triển, thành công, tính bền vững của kinh tế thành phố về lâu dài sẽ phụ thuộc phần lớn vào công cuộc phục hồi và phát triển trước mắt.

"TPHCM cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch trung hạn, phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2025. Kế hoạch này nhằm lấy lại đà tăng trưởng và tạo sức bật cho những năm sau", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo đó, TP.HCM cần tập trung nghiên cứu, tìm ra những động lực tăng trưởng mới nhằm tháo gỡ những vấn đề trước mắt. Bên cạnh các chính sách về đào tạo nhân lực, đầu tư, xuất nhập khẩu, thành phố cần tìm cách khắc phục những vướng mắc về thể chế đang cản trở việc phát triển kinh tế.

"Đề nghị TPHCM thực hiện việc cải cách chính sách rộng hơn, nhằm tăng cường môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo ra cơ hội việc làm. Để làm được điều đó, thành phố cần lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn của từng doanh nghiệp đang gặp phải", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Trên quy mô rộng hơn, việc phát triển kinh tế TPHCM cần tính toán đến việc phối hợp và sự tác động đối với cả vùng. Chủ tịch nước đặt vấn đề, thành phố cần chủ động phối hợp với các địa phương trong việc phân bổ lao động, cung cấp việc làm đối với người lao động từ các tỉnh, thành khác.

"Với vai trò "anh hai Nam bộ", TP.HCM cần chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách để cùng các địa phương trong vùng phân bổ sản xuất hợp lý, tránh việc tập trung lao động tại một địa bàn", Chủ tịch nước định hướng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập tới mô hình kinh tế sáng tạo mà TPHCM có thể hướng tới. Trong mô hình đó, TPHCM cần khai thác, phát huy hiệu quả thế mạnh về tài nguyên đất đai.

"Kinh tế sáng tạo là mô hình nhiều nước trên thế giới đã và đang hướng đến. Thành phố cần lấy kinh tế sáng tạo là một cực phát triển, nếu không sẽ suy giảm vai trò đầu tàu kinh tế vốn có", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Cuối cùng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam cùng nghiên cứu về cơ chế phối hợp. Trong đó, các liên kết vùng rõ ràng cần được hình thành trong lĩnh vực giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...

"Tôi cũng đề nghị, TPHCM cần sớm xây dựng trung tâm tài chính khu vực. Khi chưa có trung tâm tài chính khu vực đặt tại TP thì mô hình tăng trưởng của chúng ta chưa đạt yêu cầu", Chủ tịch nước kết luận tại buổi làm việc.

phuc-1-1634049020.jpg
Chủ tịch nước tin tưởng người lao động sẽ quay lại TP.HCM

100 người về quê sẽ có 70 người trở lại TP.HCM

Trao đổi tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến vấn đề nguồn lao động khi TP tái thiết phục hồi kinh tế. Theo ông, đây là vấn đề rất quan trọng khi TP.HCM mở cửa hoạt động kinh tế, phục hồi sản xuất.

Với tình hình đó, để khôi phục kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP.HCM cần tập trung vào 5 nhiệm vụ thiết yếu.

Thứ nhất là tiếp tục đảm bảo huyết mạch kinh tế chủ yếu được thông suốt để nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa, người lao động. Ông lưu ý các địa phương không được "ngăn sông cấm chợ", mỗi nơi một kiểu mà cần tạo nên một quốc gia thống nhất.

Thứ hai là khôi phục, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy gói hỗ trợ thuế, tín dụng, thu hút đầu tư tư nhân... Chủ tịch nước nhấn mạnh, "cỗ xe tam mã" làm động lực cho TP.HCM phát triển là xuất khẩu - thị trường nội địa - thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài.

Thứ ba là Việt Nam cần có chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp để tận dụng nguồn lực. 

Thứ tư là giải quyết vấn đề lao động, việc làm. Theo Chủ tịch nước, qua thời gian dài giãn cách, khi TP gỡ bỏ Chỉ thị 16 thì không lý do gì có thể cấm người dân về thăm cha mẹ, về quê.

“Tôi tin trong 100 người về quê thì sẽ có khoảng 60 - 70 người trở lại TP. Do đó, TP.HCM cần thấu hiểu tâm lý và có chính sách phù hợp để đưa người lao động trở lại, ví dụ như tiêm vắc xin mũi 2, cải thiện điều kiện nhà ở hay các gói an sinh...”, Chủ tịch nước gợi ý.

Theo Chủ tịch nước, TP phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa người lao động trở lại; có phương án đào tạo, đào tạo lại lao động; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực

Thứ năm là đảm bảo an sinh xã hội, bao gồm cả chính sách an sinh và sức khỏe tinh thần cho các nhóm bị tổn thương trong và sau đại dịch. Ông nêu một kinh nghiệm của Hà Nội là "bơm" vào ngân hàng chính sách trên 300 tỷ đồng để cho vay không lãi, đây như là cần câu để hỗ trợ người lao động

Về vấn đề này, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, TP.HCM đang trong quá trình chuẩn bị tái thiết thì một số bà con rời TP về quê.

TP đã dự báo được tình hình này, do đó thống nhất kêu gọi bà con ở lại tiêm vắc xin rồi về. TP sẽ phối hợp tổ chức để bà con về chứ không đi tự phát, gây ảnh hưởng cho các địa phương

“Tuy nhiên, thời gian giãn cách dài, bà con mình lúc đó sốt ruột quá, nên khi chờ tới ngày 30/9 bùng lên về quê, không thể cản được”, Bí thư Nên chia sẻ.

Người đứng đầu Thành ủy cũng cho biết, TP tiếp tục tuyên truyền thấu đáo, để bà con ráng thêm thời gian nữa, trừ trường hợp đặc biệt lắm thì mới về.

Ông khuyên người dân trong tình hình hiện nay, tuyệt đối không được chủ quan, cố gắng hết sức không để tình hình tồi tệ quay trở lại.

Cũng vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP rất lo lắng khi thấy lao động về quê, nhưng cũng phải thấy rằng do họ quá khó khăn.

Do đó, để giữ chân người lao động, ông kiến nghị TP.HCM sớm triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt quan tâm doanh nghiệp nào cần hỗ trợ vốn duy trì trả lương cho người lao động thì hỗ trợ ngay, ví dụ, nhu cầu vay vốn.

Giãn tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hỗ trợ các chi phí phục vụ phòng, chống dịch, chi phí xét nghiệm.

“Theo tôi, từ nay đến tháng 12, TP cần hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp”, ông Nhân đề xuất./.

Thuận Hòa
Bạn đang đọc bài viết "Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng người lao động sẽ quay trở lại TP.HCM" tại chuyên mục Xã hội. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.