Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo huyện Can Lộc, đại diện chính quyền địa phương và đông đảo các thành viên gia tộc họ Nguyễn Đức.
Họ Nguyễn Đức ở xã Tùng Lộc có cội nguồn từ xã Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An (gốc từ xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
Theo Gia phả dòng họ Nguyễn Đức để lại thì ông Tổ của dòng họ đến sinh cơ lập nghiệp tại mảnh đất Tùng Lộc từ khoảng đầu thế kỷ 16. Thủy Tổ của dòng họ là Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, một khai quốc công thần của thời nhà Lê (Lê Sơ).
Nguyễn Phúc Lan (1725 - 1774), hậu duệ đời thứ 12 của Cương Quốc Công Nguyễn Xí và là cháu rể Tiến sĩ Thượng thư Hà Tôn Mục.
Nguyễn Phúc Lan học hành giỏi, đậu cử nhân năm 22 tuổi, 24 tuổi lên đường nhận chức ở châu Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay), vì vậy ông còn có tên là Quan Tri Châu. Nguyễn Phúc Lan tại nhiệm được 25 năm, thanh liêm, thương dân hết lòng nên được mọi người kính phục, ông đã có nhiều chính sách hòa hiếu, khoan dung nhằm giữ yên biên giới Đại Việt - Ai Lao.
Đối với quê hương Tùng Lộc, Nguyễn Phúc Lan cũng là một trong những người đã có công khai ấp lập làng, cùng các dòng họ khác xây dựng nên vùng đất Tỉnh Thạch nổi tiếng xưa nay.
Do làm việc lâu năm ở vùng rừng núi Lam Sơn chướng khí, điều kiện đi lại khó khăn, thuốc thang thiếu thốn nên về sau ông bị bệnh sốt rét và mất vào ngày 23/5/1774.
Nhà thờ Nguyễn Phúc Lan được xây dựng sau khi Nguyễn Phúc Lan mất khoảng 10 năm (1784). Vào những năm 1930 - 1945, nhà thờ Nguyễn Phúc Lan là nơi hội họp của Chi bộ Hạc Giang (chi bộ Tỉnh Thạch). Sau cách mạng Tháng Tám, nhà Hạ điện được lấy làm nơi dạy bình dân học vụ, dạy bổ túc văn hóa cho cho con em trong vùng. Một thời gian sau, nhà thờ lại trở thành Trụ sở của Ban quản trị Hợp tác xã Tỉnh Thạch.
Năm 1963, nhà thờ được Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tĩnh chọn làm địa điểm tổ chức triển lãm, trưng bày thành tích quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội… của tỉnh trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt 1969 - 1972, nhà thờ được Phòng Lương thực huyện Can Lộc trưng dụng làm kho cất giấu lương thực để trung chuyển hàng hóa vào Nam, bảo đảm tuyệt đối an toàn bí mật.
Hiện tại, nhà thờ Nguyễn Phúc Lan còn lưu giữ 01 tấm bia đá cổ, được gọi là “bia tổ ngoại”. Bia 4 mặt đều khắc chữ Hán, nội dung truyền lại là những điều tổ ngoại răn dạy con cháu về việc ăn ở, đối nhân xử thế.
Trải qua hàng trăm năm, nhà thờ Nguyễn Phúc Lan là một công trình có giá trị văn hóa - lịch sử được con cháu họ Nguyễn Đức và địa phương lưu giữ, bảo tồn, điều này thể hiện giá trị tâm linh rất quan trọng của di tích trong đời sống nhân dân địa phương cũng như con cháu dòng họ./.