Hoạt động tháng 9 có sự tham gia của hơn 200 đồng bào, nghệ sỹ, diễn viên của 17 dân tộc Pà Thẻn, Cor, Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Bahnar, Xê Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer và sự tham gia của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Chương trình điểm nhấn có chủ đề “Chợ phiên vùng cao - Sắc màu xứ Tuyên” sẽ tái hiện không gian văn hóa chợ phiên vùng cao Tuyên Quang đậm đà sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc. Không gian chợ là sự kết hợp giữa các hoạt động xuống chợ, vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực, giới thiệu mua bán sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái...
Tại không gian trung tâm sẽ có các gian hàng giới thiệu các sản vật địa phương mang đậm sắc màu thành Tuyên: các sản phẩm OCOP, ẩm thực truyền thống của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang như thắng cố, mèn mén, rượu ngô, rau củ quả, lạp sườn, thịt trâu treo gác bếp... cùng với hoạt động giới thiệu nghề truyền thống dệt thổ cẩm, thêu hoa văn trên vải,...
Chương trình “Sắc màu chợ phiên” của cộng đồng các dân tộc tại chợ vùng cao phía Bắc sẽ có biểu diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc mừng đất nước, ca ngợi quê hương, bản sắc dân tộc vùng, miền và các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách như giã bánh dày, đánh quay (tu lu), leo cột, đẩy gậy... tạo không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng.
Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Tuyên Quang sẽ giới thiệu nét đặc sắc nghệ thuật múa khèn. Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện nghi thức, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi thức lễ hội của dân tộc Mông. Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mông gắn liền với chiếc khèn. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình.
Ngoài ra, đồng bào dân tộc Dao sẽ tái hiện “Lễ cưới” của dân tộc mình. Người Dao đỏ ở Tuyên Quang có một nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc. Một trong những nghi lễ đặc sắc còn được lưu truyền cho đến ngày nay là lễ cưới của người Dao đỏ. Xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ của người Dao đỏ đã bị mai một theo thời gian nhưng những nghi lễ, nghi thức trong đám cưới vẫn được người Dao đỏ lưu truyền để giáo dục cho con cháu đời sau bởi trong đó chứa đựng nhiều yếu tố về văn hóa và lịch sử của tộc người.
Trong tháng 9 tại Làng Văn hóa cũng sẽ tái hiện lễ cấp sắc của dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang. Người Pà Thẻn ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang lưu giữ rất nhiều nghi lễ và lễ hội cổ truyền. Đối với người Pà Thẻn, lễ cấp sắc không phải là khẳng định sự trưởng thành của người đàn ông (giống như người Dao), mà là sự công nhận được phép thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, được thần thánh phù hộ và được làm thầy cúng trong các nghi lễ cúng thần thánh, cúng tổ tiên... Đây là một tập quán không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của ông cha về sự gắn kết cộng đồng, chia sẻ những điều tốt đẹp cho nhau.
Nhóm hoạt động “Sắc màu Tây Nguyên” sẽ tổ chức tái hiện Lễ ăn trâu của dân tộc Cor, tỉnh Quảng Ngãi. Lễ ăn trâu của đồng bào Cor là lễ hội lớn mang đậm bản sắc văn hoá Cor được tổ chức trong nhiều ngày với các giai đoạn khác nhau. Người Cor tổ chức lễ ăn trâu khi làm ăn khấm khá được mùa, mừng nhà mới hoặc di dời làng đến nơi ở mới hay khi làng có nhiều người ốm đau dịch bệnh mục đích để cảm tạ thần linh và cầu bình an, sung túc.
Đồng bào dân tộc Cor cũng trình diễn nghệ thuật đấu chiêng. Nghệ thuật đấu chiêng là một trong những sinh hoạt độc đáo của người Cor. Thông qua tiếng chiêng, cách trình diễn đấu chiêng, người Cor bày tỏ lòng thành kính biết ơn đối với thần linh, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Vào các dịp cuối tuần có Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Chương trình “Trung Thu cho em”, Tái hiện Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng theo truyền thống cùng các hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang sinh hoạt tại Làng.
Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.