Làm việc với Đoàn Kiểm tra có Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.
Tại buổi làm việc, trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt cho biết, sau 10 năm thực hiện, các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 33-NQ/TW đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa; từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển lĩnh vực này. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực.
Thể chế, chính sách và nguồn lực cho xây dựng và văn hóa, con người từng bước được quan tâm, tạo hành lang pháp lý và động lực cho sự phát triển.
Bộ VHTTDL và các cơ quan quản lý về văn hóa từng bước đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đạt được nhiều thành tựu.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) và đợt Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, công tác văn hóa nghệ thuật được chú trọng, chuyển động tích cực, có chuyển biến rõ nét.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, theo ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW còn chưa đồng bộ, tồn tại một số hạn chế.
Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt cho biết, để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới, Bộ VHTTDL xác định 6 mục tiêu:
Một là, tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa.
Hai là, rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa, từng bước lấp đầy "khoảng trống về pháp lý", đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số Luật chuyên ngành về đầu tư, thuế theo hướng tạo cơ sở, khơi thông nguồn lực phát triển văn hoá.
Ba là, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo.
Bốn là, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Năm là, phát triển thể dục, thể thao quần chúng nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân; bồi dưỡng, đào tạo tài năng thể thao, đặc biệt là vận động viên trẻ.
Sáu là, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Về các nhiệm vụ, giải pháp, trong thời gian tới, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt cho biết, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy; Đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý từ "làm văn hóa" sang "quản lý Nhà nước về văn hóa", triển khai nhiệm vụ với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt; Hoàn thiện thể chế; Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam, từng bước cụ thể hóa vai trò của văn hóa - "hệ điều tiết" trong sự vận động mọi mặt của đời sống; Tiếp cận, khai thác giá trị văn hóa tinh thần: "Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế".
Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm, chú trọng công tác văn hóa đối ngoại cùng với phát triển thể thao và du lịch.
Nêu một số đề xuất, kiến nghị, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt cho biết, Bộ VHTTDL đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo về việc ban hành Kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phát triển thực hiện phù hợp với giai đoạn mới.
Đồng thời quan tâm, cho ý kiến về việc xây dựng Quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho Ngành Văn hóa.
Chỉ đạo củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương nhằm nâng cao khả năng tập hợp, phát huy, giải phóng mạnh mẽ năng lực, tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Bên cạnh đó, ủng hộ chủ trương đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam trong các địa bàn quan trọng phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam (ưu tiên Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và chủ trương nghiên cứu, thành lập Văn phòng đại diện Xúc tiến du lịch Quốc gia tại các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Bộ VHTTDL cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ ủng hộ việc rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm lấp đầy các "khoảng trống về pháp lý"; ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn và một số Luật chuyên ngành khác. Quan tâm, ủng hộ, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Bên cạnh đó, tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số Luật chuyên ngành như: Luật Đầu tư, Luật PPP, bổ sung lĩnh vực văn hoá vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Đảm bảo mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa, thể thao theo mục tiêu được đề ra tại Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và các chương trình, đề án, quy hoạch.
Cùng với đó, tăng nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đối với khu vực nông thôn, miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Sớm xem xét phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác của Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 33-NQ/TW đã lần lượt nêu ý kiến cụ thể đối với các nội dung trong Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước của Bộ VHTTDL.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ VHTTDL đã trả lời, làm rõ từng nội dung được các thành viên Đoàn công tác nêu ra.
Kết luận cuộc làm việc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Bộ VHTTDL đối với Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước của Bộ VHTTDL.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy điểm lại những thành tích nổi bật mà Bộ VHTTDL đã đạt được, đồng thời cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Bộ VHTTDL nêu trong báo cáo, ông Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, trong đó có những nội dung quan trọng về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021...
Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp quản lý văn hóa trong giai đoạn mới.
Tích cực tham mưu, cải cách mạnh mẽ chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ và hoạt động văn học nghệ thuật.
Tiếp tục tham mưu các giải pháp căn cơ, toàn diện trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng.
Bên cạnh đó, quan tâm, xây dựng văn hóa trong Đảng, văn hóa trong công sở, cơ quan đơn vị; Triển khai thực hiện hiệu quả các đề án về phát triển văn hóa được phê duyệt...