Bí ẩn bức tượng Phật Quan Thế Âm ở Đà Nẵng (Kỳ 1)

11/12/2017 15:16

Theo dõi trên

Bức tượng mang nhiều huyền tích, được chứng thực bởi nhiều người, trong đó có cả Nakamura Hodo (Hạ nghị sỹ Nhật Bản, tỉnh trưởng tỉnh Nagasaki) thân chinh đến tận nơi chiêm báo và rước vọng về để cầu mong phép nhiệm màu gìn giữ cho người dân thường trước những hiểm họa sóng thần.



Một góc chùa Quán Thế Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc là bảo tàng Phật giáo đầu tiên của Việt Nam

Gốc tích đặc biệt của bức tượng phật có khả năng hóa giải sóng thần

Thời gian qua, người dân ở Đà Nẵng vẫn kể cho nghe câu chuyện về bức tượng Phật có khả năng hóa giải sóng thần ở Đà Nẵng. Câu chuyện có phần hoang đường, hư cấu này chúng tôi bán tín bán nghi vì lần đầu chúng tôi nghe chuyện tượng Phật có khả năng hóa giải sóng thần. Từ những thông tin mà người kể chuyện cung cấp, thì bức tượng Phật có khả năng hóa giải sóng thần đó có tên là Bồ Tát Cưỡi Độc Long (còn có tên gọi khác là Long Đầu Quan Thế Âm - PV), hiện đang đặt tại Bảo tàng Văn hóa Phật Giáo nằm trong khuôn viên chùa Quan Thế Âm (46 Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). 

Thượng tọa Thích Huệ Vinh mời chúng tôi sang thăm quan Bảo tàng văn hóa phật giáo với hàng trăm hiện vật trong đó có bức tượng Bồ Tát cưỡi Độc Long đang được trưng bày tại đây. Vào khoảng đầu tháng 2/2011, dù đang bận rộn chuẩn bị cho lễ hội Quan Thế Âm được tổ chức vào cuối tháng hai âm lịch, nhưng khi nghe truyền thông thế giới đưa tin về trận sóng thần kinh hoàng Tohoku gây ra cho đất nước Nhật Bản khiến gần 16 nghìn người dân thiệt mạng, cùng với hàng triệu người mất sạch tài sản, phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Những thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay mà Nhật Bản phải gánh chịu do trận sóng thần Tohoku gây ra khiến Thượng tọa Thích Huệ Vinh luôn suy nghĩ phải tổ chức một buổi thắp nến nhằm tưởng niệm cho các nạn nhân thiệt mạng trong trận sóng thần, đồng thời tiền hành quyên góp tiền ủng hộ giúp đỡ nhân dân Nhật Bản khắc phục hậu quả do sóng thần gây ra.

Các thành viên trong Ban tổ chức lễ hội chùa Quán Thế Âm sau khi nghe tâm nguyện của Thượng tọa Thích Huệ Vinh đều nhất tâm đồng ý. Đêm 18/02/2011 âm lịch, hàng người phật tử cũng nhữ người dân đang sinh sống ở Đà Nẵng đã đổ về chùa Quán Thế Âm tổ chức lễ thắp nến tưởng niệm cho các nạn nhân trận sóng thần ở Nhật Bản. Toàn bộ số tiền quyên góp được trong tối hôm đó đã được Thượng tọa Thích Huệ Vinh đã được chuyển tới tay những gia đình nạn nhân cần được giúp đỡ qua đường Ngoại vụ. Thế nhưng, lúc đến trao tiền nhờ các chuyên viên sở Ngoại vụ Đà Nẵng gửi đến tay các nạn nhân của trận sóng thần Tòhoku, Thượng tọa Thích Huệ Vinh cũng không quên bày tỏ tâm nguyện riêng của mình muốn tạc một bức tượng Phật gửi tới người dân Nhật Bản. 

Thược Tọa Thích Huệ Vinh không ngần ngại giải thích cặn kẽ: “Vốn là một đất nước thường xuyên xảy ra động đất, núi lửa, sóng thần nên người Nhật mới viết ra những câu chuyện thần thoại để lý giải nguồn gốc của thiên tai. Họ cho rằng ở phía Đông lục địa của châu Á có con thủy quái với kinh thước rất dài, đầu nằm ở gần cực Bắc châu Á, thân kéo dài hết đất nước Nhật Bản, đuôi kéo dài xuống tận Việt Nam. Mỗi lần thủy quái trở mình khiến cả lục địa châu Á rung chuyển. Tôi muốn tạc bức tượng Phật với ý nghĩa nhờ Đức Phật ra tay thu phục con thủy quái của người Nhật, không cho nó gây họa nữa. Việc tạc tượng Phật gửi tặng cho chùa Todaiji (Đông Đại Nhật Bản - PV) vừa để hóa giải sóng thần, vừa thắt chặt tình cảm giữa hai đất nước”. Chưa đầy một tháng sau khi tổ chức lễ tưởng niệm, trong lúc Thượng tọa Thích Huệ Vinh đang niệm Phật trong tòa chính điện của chùa thì một cụ bà gần tám mươi tuổi, da dẻ hồng hào trên tay có cầm một thùng đồ vật khá nặng được gói gém cẩn thận đến gõ cửa xin gặp Trụ trì chùa. Thấy vậy, Thượng tọa Thích Huệ Vinh bèn mời cụ về thư phòng riêng của mình để tiếp chuyện. 
 


Thượng tọa Thích Huệ Vinh kể lại sự tích bức tượng đặc biệt

Chưa ngồi ấm chỗ, cụ già có vẻ đẹp của bậc lão tiên đã mở chiếc thùng mà mình cẩn thận mang theo, rồi đưa về phía Thượng tọa Thích Huệ Vinh mà chậm rãi trình bày: “Con xin hiến tặng nhà chùa bức tượng Phật Quan Âm của gia đình con ạ!”. Trước tấm lòng của phật tử đối với nhà chùa, Thượng tọa Thích Huệ Vinh không quên nói lời cảm ơn. Thầy cũng ân cần hỏi chuyện thì cụ bà cho biết mình quê ở trong Phật viện Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) cách chùa hơn 60 km. Thấy bà cụ ở xa chùa như vậy nhưng lại phát tâm mang cổ vật của gia đình ra tận nơi để hiến tặng cho nhà chùa thì vị trụ trì rất cảm kích. Cụ bà chẫm rãi cho biết mình vừa trải qua một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ Phật bà Quan Âm hiện về báo mộng cho bà cụ biết nguyện vọng muốn được đưa về thờ tại chính điện chùa Quán Thế Âm. Sự việc kỳ lạ khiến cụ không khỏi giật mình nhớ đến bức tượng Bồ Tát cưỡi Độc Long mà gia đình thờ trong nhà bấy lâu nay. Sáng hôm sau từ khi còn tinh mơ, cụ nhờ con cháu trong nhà đưa mình cùng với bức tượng Phật của gia đình ra chùa Quán Thế Âm. Trước tấm lòng của cụ, Thượng tọa Thích Huệ Vinh vui vẻ tiếp nhận bức tượng phật. Vị trụ trì cũng không quên hỏi tên cụ để ghi vào trong sổ tiếp nhận cổ vật của chùa nhằm ghi nhớ công đức của những người đã hiến tặng cổ vật cho nhà chùa, thế nhưng bà cụ chỉ cười rồi ra về. 

Sau khi tiễn cụ bà ra về, Thượng tọa Thích Huệ Vinh mới có dịp quan sát kỹ hơn bức tượng mà mình vừa tiếp nhận. Bức tượng Bồ Tát cưỡi Độc Long cao chưa đầy 50 cm nặng khoảng 7kg được đúc làm từ chất liệu đồng. Lúc tiếp nhận bức tượng từ bà cụ, trên thân tượng còn dính rất nhiều đất cát. Ban đầu thầy đoán bức tượng có niên đại khoảng cuối thời nhà Lê. Sau khi bức tượng được “tắm rửa” sạch sẽ bằng nước thơm những đường nét hoa văn hết sức đặc sắc được thể hiện vô cùng sắc nét. Sau khi thấy rõ hình hài bức tượng chính là Bồ Tát cưỡi Độc Long, một trong 33 phát tưởng của Phật bà Quan âm Bồ Tát. Hình dáng của con Độc long mà vị Bồ tát đang cưỡi giống con quái vật trong truyền thuyết một cách kỳ lạ. Thầy vội vã lên chính điện thắp hương, niệm kinh cảm ơn Phật bà đã hiện về chỉ đường giúp mình hoàn thành tâm nguyện. 
 


Bức tượng phật kỳ lạ đang được trưng bày tại chùa

Hành trình chu du khắp Nhật Bản của bức tượng kỳ lạ

Vừa nói, Thượng tọa Thích Huệ Vinh vừa dừng lại bên cạnh bức tượng rồi chậm rãi cho biết rằng Bồ tát cưỡi Độc long là một trong 33 pháp tướng của Quan Thế Âm Bồ Tát. Rồng, hiện thân của Long Vương có thể hô phong hoán vũ, gây ra biết bao tai họa cho con người. Hình ảnh người cưỡi con Rồng thể hiện cho sức mạnh của Người. Đặc biệt trên tay Ngài lại cầm viên ngọc Định Hải có thể chế ngự hoàn toàn sức mạnh của long vương, làm sóng yên biển lặng. Theo Thượng tọa Thích Huệ Hưng, tượng Bồ tát Quan Âm thì nhiều, có đến hàng nghìn hình dạng khác nhau. Nhưng tượng Phật bà Quan Âm cưỡi độc long thì rất hiếm gặp. Bức tượng này lại càng hiếm gặp hơn khi Phật bà cưỡi trên con rồng có duy nhất một mắt nên được gọi là độc long. 

Theo tìm hiểu tư liệu của chúng tôi từ một nhà sưu tầm tượng Phật nổi tiếng ở Đà Nẵng thì trong số hàng nghìn bức tượng Bồ tát cưỡi rồng thì mới gặp một bức tượng Bồ tát cưỡi Độc long. Bức tượng Bồ tát cưỡi độc long đang được trưng bày tại chùa Quán Thế Âm càng độc đáo hơn, khi con Rồng mà Bồ tát đang cưỡi chưa “tiến hóa “hoàn toàn khi trên người không phải là vẩy rồng thông thường, mà là lớp vẩy cá hết sức đặc biệt mà suốt đời sưu tầm cổ vật của mình tôi chưa gặp bao giờ. Chính sự đặc biệt của bức tượng đã thu hút sự chú ý đặc biệt của ngài Nakamura Hodo - Tỉnh trưởng tỉnh Nagasaki, đồng thời là Hạ nghị sỹ Hạ viện Nhật Bản trong chuyến thăm Đà Nẵng năm đó. Sau khi nghe các thành viên Sở ngoại vụ Đà Nẵng kể về tâm nguyện của Thượng tọa Thích Huệ Vinh cũng như tiểu sử hết sức ly kỳ của Bức tượng Phật Bồ tát cưỡi Độc Long, ngài Nakamura hết sức cảm động. Dù lịch làm việc hết sức kín kẽ, nhưng ngài đã đề nghị lãnh đạo Đà Nẵng đưa mình đến chùa Quán Thế Âm để gặp Thượng tọa Thích Huệ Vinh.

Tại buổi gặp, Ngài Nakamura hết sức ngạc nhiên sau khi chiêm ngưỡng bức tượng Bồ tát cưỡi Độc long. Thông qua người phiên dịch của mình ngài cho biết: “Ở Nhật Bản ngài đi rất nhiều nơi, xem qua rất nhiều bức tượng phật nhưng chưa thấy bức tượng Phật bà Quan âm nào có hình dáng giống như vậy. Ngài cũng yêu cầu thuộc cấp của mình chụp ảnh lại để gửi cho viện nghiên cứu bên Nhật Bản nghiên cứu về bức tượng”. Không những vậy ngài còn đề nghị được mượn Bức tượng mang về Nhật Bản trước hết để làm lễ cầu an giúp các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa sóng thần Tòhoku được siêu thoát. Đồng thời, giúp các Nghệ nhân xứ sở Hoa anh Đào có mẫu vật để nghiên cứu, nhằm phóng tác ra các bản sao để đưa về thờ cúng trong các chùa nằm ven biển suốt từ Bắc đến Nam các quần đảo của đảo quốc núi lửa nhằm hóa giải các đơt sóng thần đang hướng về Nhật Bản. Khi trong suốt chiều dài lịch sử của mình, quốc đảo này đã bị hàng trăm đợt sóng thần tàn phá nặng nề. Thượng tọa Thích Huệ Vinh hoàn toàn đồng ý với ý nguyện của ngài Nakamura. Nhờ sự giúp đỡ của Sở Ngoại vụ, thủ tục để ngài Nakamura “mượn” bức tượng Phật Bồ tát cưỡi Độc long được hoàn tất hết sức nhanh chóng.

Sau hơn một tháng du hành đến xứ sở Mặt trời mọc, đích thân ngài Nakamura tháp tùng Bức tượng Phật Bồ tát cưỡi Độc long quay trở lại Đà Nẵng. Vừa gặp lại Thượng tọa Thích Huệ Vinh ngài Nakamura hết sức vui mừng kể lại hành trình của bức tượng trên khắp đất nước Nhật Bản. Ngài chân thành cảm ơn tình cảm của ông cũng như người dân Đà Nẵng dành cho người dân tỉnh Nagasaki cũng như người dân Nhật Bản. Ngài Nakamura cũng không quên thông báo cho Thượng tọa Thích Huệ Vinh nhiều thông tin hết sức vui mừng: “Sau khi đến Nhật Bản, bức tượng Phật Bồ tát cưỡi Độc long đã được các nhà sư Nhật Bản đưa đi giới thiệu ở rất nhiều thành phố khác nhau”. Với niềm tin mãnh liệt vào Đức Phật Thích Ca Mô Ni nói chung, vào Quan Thế Âm Bồ Tát nói riêng, không chỉ những người chịu ảnh hưởng của Phật giáo nói riêng mà rất đông người dân Nhật Bản sau khi nghe giảng giáo lý của nhà Phật về ý nghĩa bức tượng hết sức vui mừng, vì tin rằng nhờ sự xuất hiện của bức tượng Phật độc đáo đó sẽ giúp đất nước mình từ nay không còn phải gánh chịu những thảm họa nặng nề như trận sóng thần Tohoku năm nào. 

Trong chuyến trở lại Đà Nẵng sau đó, để đáp lại tấm thịnh tình của Thượng tọa Thích Huệ Vinh nói riêng, cũng như của người dân Đà Nẵng và nhân dân Việt Nam nói chung đã tận tình giúp đỡ nhân dân Nhật Bản trong những lúc khó khăn nhất, cũng như việc Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho người dân Nhật Bản mượn bức tượng Phật quý giá của mình, ngài Nakamura đã trao tặng cho chùa Quán Thế Âm ba cây long lão, loài cây duy nhất còn sống xót sau khi Mỹ thả bom nguyên tử hủy diệt xuống thành phố Hirosima cách đây 60 năm. Biểu tượng cho sự vươn lên mãnh liệt của người Nhật với mong muốn ngày càng thắt chặt mối quan hệ giữa hai dân tộc. 

Lý giải khả năng hóa giải sóng thần của bức tượng phật đặc biệt

Trao đổi với chúng tôi xung quanh chuyện bức tượng phật kỳ lạ có thể hóa giải được sóng thần khiến người Nhật phải nhọc công vời từ Việt Nam về, nhà nghiên cứu Văn hóa Đoàn Huy Giao, Giám đốc bảo Tàng Đình Đồng (Sơn Trà, Đà Nẵng) đã có chủ động trò chuyện với phóng viên xung quanh bức tượng Phật Bồ tát cưỡi Độc long. Ông Giao cho biết: “Văn hóa tâm linh là một phần không thể thiếu đối với con người. Đặc biệt là đối với các dân tộc Á Đông như chúng ta. Là một trong những dân tộc chịu nhiều ảnh hưởng của Văn hóa Trung Hóa, nên giữa Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản có nhiều nét tương đồng trong đời sống tâm linh của các tầng lớp nhân dân kéo dài hàng nghìn năm qua. Trải qua mấy nghìn nay duy trì và phát triển, văn hóa tâm linh không chỉ mất đi mà còn phát triển mạnh mẽ”.

Trong xã hội ngày nay, để lý giải cho những hiện tượng thiên nhiên khốc liệt đang từng ngày tàn phá cuộc sống của loài người, rất nhiều người chọn cách lý giải rằng những việc đó do các bậc thần linh tạo ra để trừng phạt loài người hay do ma quỷ, quái vật tạo ra. Để hóa giải các tai họa, ngoài việc cầu xin thì người Á Đông thường nhờ các bậc thánh nhân dùng bùa phép để trấn yểm các thế lực xấu xâm phạm đến cuộc sống của mình. Nên truyền thuyết về tượng Phật Bồ Tát cưỡi Độc long có khả năng hóa giải sóng thần mang lại bình an cho cuộc sống của người dân Nhật Bản là chuyện có thể chấp nhận được. Nhất là trong sách của Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng viết về Chùa Cầu Hội An đã chỉ rõ mối liên hệ mật thiết giữa tỉnh Nagasaki, Nhật Bản và Thành phố Hội An từ xa  xưa”.

Còn tiếp...

 
Tiêu Dao - Kim Bảng

Bạn đang đọc bài viết "Bí ẩn bức tượng Phật Quan Thế Âm ở Đà Nẵng (Kỳ 1)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.