Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong hoạt động lễ hội truyền thống

20/04/2022 16:09

Theo dõi trên

Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao… Mỗi dân tộc đều có những lễ hội riêng gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất. Vì thế, bảo tồn và phát huy hoạt động lễ hội truyền thống (LHTT) của các dân tộc là một trong những giải pháp quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa (GTVH) dân tộc.

2-1-1650420334037-16504203341731303347628-1650445680.jpg
Nghi lễ cày tịch điền tại lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn

Theo kết quả kiểm kê, rà soát của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL), toàn tỉnh hiện có tổng số 280 lễ hội, trong đó có 247 LHTT (chiếm 88% tổng số lễ hội trên địa bàn). Trong các LHTT thì có trên 90% là lễ hội lồng tồng (xuống đồng), đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: nghi lễ tín ngưỡng tâm linh, các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc đặc sắc của người Tày, Nùng Xứ Lạng như: múa sư tử, hát then, sli, lượn, trò chơi lảy cỏ…

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Những năm qua, Sở VHTTDL đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án và triển khai các hoạt động thiết thực để phát triển di sản văn hóa phi vật thể (DSVH PVT) trong đó chú trọng gìn giữ, phục dựng, phát triển các hoạt động diễn ra tại LHTT. Cụ thể như: bình quân mỗi năm, ngành VHTTDL đã nghiên cứu, phục dựng 1 hoặc 2 nghi thức trong LHTT, xem xét xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa trình cấp có thẩm quyền công nhận là DSVH PVT Quốc gia; truyền dạy, thành lập, duy trì mô hình tổ đội dân ca, múa sư tử… đồng thời chú trọng tuyên truyền về bảo vệ và phát huy GTVH dân tộc đến Nhân dân.

Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức 23 đợt trưng bày, triển lãm về DSVH trong đó có các LHTT; biên tập, đăng tải 5.000 tin, bài, phóng sự phản ánh về các hoạt động văn hóa, LHTT… Qua đó, cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhận thức rõ hơn tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc bảo tồn và phát huy GTVH dân tộc, nhất là các LHTT trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Đi đôi với tuyên truyền, ngành VHTTDL tỉnh đã triển khai thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn phát huy các DSVH PVT, trong đó có các lễ hội như: nghiên cứu, phục dựng Lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn; nghiên cứu, phục dựng lễ hội Nàng Hai, xã Chí Minh, huyện Tràng Định…

Để góp phần bảo tồn và phát huy GTVH trong các hoạt động lễ hội, những năm qua, UBND tỉnh đã duy trì tổ chức hoạt động khai mạc Lễ hội xuân Xứ Lạng hằng năm. Ban chỉ đạo lễ hội xuân từ tỉnh đến cơ sở được thành lập, xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Trong đó, chương trình khai mạc lễ hội xuân cấp tỉnh gắn với 1 lễ hội tiêu biểu trên địa bàn. UBND cấp huyện lựa chọn từ 1 hoặc 2 lễ hội của mỗi huyện làm lễ hội điểm quy mô cấp huyện để trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

4-1650420335399-16504203355181351354878-1-1650445726.jpg

Trong công tác tổ chức lễ hội, phần lễ luôn được quan tâm tổ chức trang trọng, phù hợp với các nghi thức truyền thống. Một số lễ hội được các địa phương đưa việc biểu diễn tích truyện gắn với nhân vật lịch sử vào ngày khai hội như các lễ hội: Ná Nhèm, chùa Tam Thanh, chùa Tiên, đền Tả Phủ… Qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc cho Nhân dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ.

Cùng với đó, ngành VHTTDL đã tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu, phục dựng bảo tồn, tư liệu hóa các LHTT. Từ năm 2017 đến nay, ngành đã tiến hành tổng kiểm kê DSVH trên địa bàn 11/11 huyện, thành phố, phân loại lập danh mục 353 DSVH PVT (trong đó có 272 lễ hội với các hoạt động cụ thể từ phần lễ đến phần hội).

Trên cơ sở đó, ngành chức năng đã lựa chọn các LHTT tiêu biểu để lập hồ sơ khoa học DSVH trình xếp hạng. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 5 LHTT được công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia gồm: lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng), lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn), lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn), lễ hội Phài Lừa (Bình Gia), lễ hội Bủng Kham (Tràng Định). Theo đó, quy mô các lễ hội được mở rộng, nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc được lưu giữ, phát huy. Song song với đó, hoạt động xã hội hóa các LHTT cũng được UBND các huyện, thành phố tích cực thực hiện.

Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố hiện có 7 LHTT. Những năm qua, chúng tôi luôn chú trọng phát huy tính cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong tổ chức, quản lý các hoạt động lễ hội như: mời nghệ nhân biểu diễn hát then, sli, lượn, múa sư tử trong ngày khai hội; tổ chức các trò chơi dân gian như: cờ vua, cờ tướng, đẩy gậy, kéo co, tung còn, lảy cỏ; thi trưng bày mâm cỗ, thi quay lợn, quay vịt và các loại bánh đặc sản Lạng Sơn… Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến khích người dân mặc trang phục dân tộc vào ngày diễn ra lễ hội.

Không riêng thành phố Lạng Sơn, công tác phát huy GTVH trong các hoạt động lễ hội tại các huyện cũng được tích cực chú trọng, trong đó vai trò của cộng đồng dân cư được phát huy tối đa. Được biết, ngoài 12 lễ hội được luân phiên lựa chọn làm lễ hội điểm của tỉnh, huyện mỗi năm thì 90% số lễ hội trong tỉnh đều huy động từ nguồn lực xã hội hóa. Trung bình, mỗi lễ hội có kinh phí tổ chức từ 30 đến 400 triệu đồng với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

Các LHTT cũng chính là sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, góp phần thu hút đông đảo du khách tham quan, giao lưu văn hóa. Bà Nguyễn Việt Chinh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: Tôi được tham gia lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ và rất ấn tượng về các hoạt động văn hóa đặc sắc nơi đây. Trong đó, tôi thích nhất là được xem các nghệ nhân hát then, hát sli và tham gia trò chơi lảy cỏ…

Có thể thấy, việc bảo tồn và phát huy GTVH trong hoạt động lễ hội đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch và các GTVH địa phương. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân thực sự là chủ thể của hoạt động lễ hội và chủ động, sáng tạo, tham gia tổ chức, đóng góp sức người, sức của cho các lễ hội.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

"Tôi thấy những năm qua, đảng bộ và chính quyền tỉnh Lạng Sơn rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị DSVH nói chung và văn hóa phi vật thể nói riêng, trong đó có các lễ hội truyền thống (LHTT). Điều này thể hiện thông qua việc, tỉnh đã phục dựng được rất nhiều LHTT đặc sắc, trong đó nhiều lễ hội đã gây được tiếng vang và tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách như: lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn)… Qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như giáo dục truyền thống trong cộng đồng.

Để tổ chức các hoạt động phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc qua các lễ hội được tốt hơn nữa, các cấp, ngành, đặc biệt là ngành văn hóa của tỉnh cần tiếp tục quan tâm và tham mưu thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát huy giá trị văn hóa các lễ hội. Đi đôi với việc phát huy, tỉnh cần tiếp tục lưu ý, trong quá trình phục dựng, tổ chức các lễ hội truyền thống, những người thực hiện không được tùy tiện, lạm dụng các hình thức sinh hoạt văn hóa mới làm phai nhòa bản sắc của lễ hội văn hóa dân gian; chú ý phát huy vai trò của người có uy tín, nghệ nhân dân gian tham gia hoạt động của lễ hội. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý văn hóa cần để cộng đồng tự tổ chức, phục dựng lễ hội, có như vậy, lễ hội mới được bảo tồn một cách tốt nhất".

Theo Báo Lạng Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong hoạt động lễ hội truyền thống" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.