Theo nguồn tin từ báo SGGP, chiều 8-9, Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM do Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Cao Thanh Bình làm trưởng đoàn, đã có cuộc giám sát tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị.
Do công trình được xây dựng lâu năm, chưa được đầu tư sửa chữa đồng bộ nên nhiều hạng mục xuống cấp, 3 tòa nhà chính xuống cấp trầm trọng. Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với thu hút du lịch, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM kiến nghị các sở ngành thành phố sớm hoàn thiện dự án trùng tu, tôn tạo công trình, di tích kiến trúc nghệ thuật và khu nhà kho chuyên dụng, dịch vụ triển lãm đa năng. Ông Cao Thanh Bình ghi nhận những nỗ lực trong công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM; đồng thời đánh giá đầy đủ hiện trạng, các kiến nghị trình Thường trực HĐND TPHCM và sở ngành xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Được biết, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ra đời là một nhu cầu thiết yếu đối với một thành phố lớn, một trong những trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị… của cả nước. Đây là nơi có các hoạt động triển lãm mỹ thuật và trưng bày các tác phẩm hội hoạ và điêu khắc qua các thởi kỳ Việt Nam.
Đây là một tòa nhà tráng lệ kết hợp hài hòa lối kiến trúc Á Đông (Trung Quốc) và châu Âu (Pháp), do ông Rivera (một kiến trúc sư người Pháp) thiết kế vào năm 1929, và xây xong vào năm 1934. Năm 1987, tòa nhà được lập thành Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì thiếu hiện vật nên đến năm 1992 mới đi vào hoạt động. Đến nay, nó đã trở thành một trung tâm mỹ thuật lớn của Việt Nam, lưu trữ rất nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc và cổ vật mỹ thuật trong lịch sử đất nước và nhân loại, gồm cả những tác phẩm có giá trị cao như bức tranh sơn mài Vườn xuân Bắc Trung Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí.
Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ chí Minh tọa lạc số 97A Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận I, TP. Hồ Chí Minh. Toà nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX kết hợp một cách hài hòa của kiến trúc phương Đông trong trang trí bên ngoài, mái ngói, cột ốp gốm và các trang trí bằng gốm trên mái nhà. Sau một thời gian chuẩn bị về cơ sở vật chất và hiện vật, cuối tháng 5 năm 1989 Bảo tàng đã chính thức mở cửa. Hiện, bảo tàng trưng bày hơn 21.000 hiện vật, chia thành hai mảng là mỹ thuật cổ, thủ công mỹ nghệ và mỹ thuật đương đại. Công trình được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, mỗi năm thu hút 200.000 lượt khách tham quan.
Hàng năm Bảo tàng thường xuyên tổ chức triển lãm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Mỗi năm trung bình từ 10 -25 đợt trưng bày; trong đó có nhiều triển lãm quốc tế: kỷ niệm 50 ngày thành lập Liên Hiệp quốc, tác phẩm của các nước khối ASEAN, tranh của các họa sỹ Nga, Trung Quốc, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia… Bảo tàng cũng luôn ủng hộ những chủ trương về việc tuyên truyền về mỹ thuật Việt Nam đối với thế giới, gởi hiện vật trưng bày tại Trung Quốc, Áo –Bỉ, Nhật Bản, Mỹ, Singapore… Tháng 5 năm 2012 Bảo tàng đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.