Báo chí với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

03/11/2014 15:32

Theo dõi trên

Như tin đã đưa, ngày 24/10, tại thành phố Quy Nhơn, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với UBND Bình Định tổ chức hội thảo "Vai trò của Báo chí về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc” khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Gần 100 đại biểu là các giáo sư, tiến sỹ, nhà quản lý, nghệ sỹ đến từ Trung ương và 11 tỉnh thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên tham dự hội thảo. Tại hội thảo, trên 10 báo cáo của các giáo sư, tiến sỹ, nhà quản lý và các nhà báo đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí trong nước đã đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, cổ vũ việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời cũng nhấn mạnh báo chí Việt Nam cần quan tâm hơn nữa trong việc giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa dân tộc phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế du lịch, làm cho bạn bè quốc tế hiểu biết thêm nhiều di sản văn hóa có giá trị để các Tổ chức Văn hóa quốc tế công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Vì bận công tác đột xuất, TS Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông không thể tham dự hội thảo “Báo chí với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc” như đã hứa. Tuy vậy, Thứ trưởng đã gửi đến hội thảo một bản tham luận đầy trách nhiệm, như một tổng kết toàn diện, sinh động, sâu sắc về chủ đề được bàn luận, trong đó bao hàm những đề xuất giải pháp vừa thông minh vừa giàu thực tiễn.

PhuongNam.Net.Vn xin trích giới thiệu bản tham luận đầy thuyết phục này.

1. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, mỗi quốc gia, dân tộc đều có cơ hội và điều kiện để phát triển, nhưng đồng thời cũng đứng trước không ít thách thức, đặc biệt là những thách thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã khẳng định cần phải: “Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống của toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, văn minh...”[1].

Di sản văn hóa Việt Nam chính là tài sản quý giá của cộng đồng 54 dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam từ hàng nghìn năm nay, là cốt lõi của bản sắc dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta...

2. Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa và Luật Di sản văn hóa, cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án bảo tồn, giữ gìn, khai thác và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã bám sát đời sống văn hóa của đất nước, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về đề tài văn hóa dân tộc, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc...

Có thể nói, với một lực lượng hùng hậu hiện nay gồm 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh, truyền hình, 92 báo, tạp chí điện tử và 01 hãng thông tấn quốc gia, báo chí nước ta đã và đang có những đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Nhận thức sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, và nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, báo chí đã tích cực, chủ động tuyên truyền, giải thích các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Thông tin trên báo chí đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị và của mỗi người dân ở trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Báo chí là kênh thông tin phản ánh đa chiều về các sự kiện, các hoạt động liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc để từ đó giúp cho các cơ quan chức năng và những người làm công tác quản lý, nghiên cứu về văn hóa có thêm thông tin hữu ích. Mặt khác, báo chí còn chủ động đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa.

Với vai trò là phương tiện thông tin nhanh nhạy, kịp thời và rộng khắp, công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về đề tài bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc được đẩy mạnh ở tất cả các loại hình báo chí, từ báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, cho đến các bản tin, trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Cùng với việc thông tin kịp thời các tin tức, sự kiện liên quan đến các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, báo chí còn phản ánh chân thực, có chiều sâu nét đẹp văn hóa trong các phong tục, tập quán, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc; các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc; các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc (tuồng, chèo, cải lương, múa rối nước, ca trù...); các ngành nghề cổ truyền; món ăn ẩm thực; các nghi thức, nghi lễ truyền thống; các hương ước, quy ước của bản, làng, dòng họ gắn liền với tín ngưỡng, tâm linh trong đời sống hằng ngày, mang đặc trưng riêng của từng dân tộc, từng dòng họ. Qua đó, báo chí đã góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy được vai trò của đồng bào các dân tộc chính là chủ thể trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong các phong tục, tập quán, trong việc cưới, việc tang, lễ hội, gây lãng phí, tốn kém tiền của, công sức, thời gian, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân...

Ngày nay, du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi, giao lưu văn hóa, là động lực tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Do đó, việc thông tin, tuyên truyền, quảng bá về du lịch trên báo chí đã giới thiệu với người dân ở mọi miền đất nước cũng như bạn bè quốc tế về những di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thông tin, tuyên truyền, quảng bá việc khai thác các di sản văn hóa dân tộc phục vụ cho phát triển du lịch cũng nhằm mục đích giáo dục truyền thống lịch sử và lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế hiểu biết về lịch sử, truyền thống văn hoá, vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, tăng thêm lợi ích kinh tế cho xã hội, cũng như hạn chế thấp nhất những tác động xấu đối với di sản văn hoá từ hoạt động du lịch. Với nhiệm vụ định hướng dư luận, báo chí đã truyền tải thông điệp là khai thác, sử dụng các tài nguyên di sản văn hóa phục vụ du lịch phải gắn liền với công tác bảo tồn tính đa dạng, giữ gìn giá trị của các di sản văn hóa; phát triển du lịch phải vì mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa. Nguồn tài nguyên di sản văn hóa cũng sẽ bị cạn kiệt nếu chúng ta chỉ biết khai thác mà không bảo tồn, giữ gìn cho các thế hệ mai sau.

Thông qua việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa dân tộc với bạn bè quốc tế khắp năm châu trên báo chí, đã làm cho bạn bè quốc tế thấy được những đóng góp to lớn của nền văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa nhân loại, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc trong giao lưu, hội nhập về văn hóa với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Báo chí đã thông tin, tuyên truyền kịp thời các hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa với các nước, các tổ chức quốc tế, thông qua các cuộc hội thảo khoa học, triển lãm về văn hóa, tổ chức Ngày văn hóa Việt Nam tại các nước, trao đổi các đoàn nghệ thuật truyền thống... để giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Việt Nam…

Báo chí cũng tham gia rất tích cực trong việc phát hiện, tôn vinh những tài năng có nhiều công lao phát triển các loại hình nghệ thuật dân tộc từ trước đến nay. Báo chí cũng tập trung tuyên truyền, phản ánh việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước đóng góp kinh phí, công sức để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng nhà nước. Nhiều bài báo, phóng sự truyền hình đã giới thiệu, phổ biến những mô hình xã hội hóa hoạt động tốt, những cơ quan, tổ chức và cá nhân tích cực trong hoạt động xã hội hóa công tác bảo tồn di sản văn hóa. Do vậy, ngày càng có nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân ở trong nước cũng như ngoài nước tham gia đóng góp vào công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.  

Trong công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá đối với các di sản văn hóa dân tộc, báo chí cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường xung quanh các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống... Bên cạnh việc tuyên truyền giá trị của các di sản văn hóa, báo chí cũng thông tin những mặt trái, những nguy cơ đe dọa hủy hoại môi trường tài nguyên di sản văn hóa, phê phán, lên án tình trạng du khách xả rác sinh hoạt bừa bãi trong các lễ hội, viết, vẽ bậy lên các hiện vật trong khu di tích, danh lam thắng cảnh, đã làm ảnh hưởng đến giá trị của di sản văn hóa; kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng trong công tác bảo vệ, giữ gìn giá trị của di sản văn hóa cũng như sự ứng xử của con người đối với công tác bảo vệ môi trường cảnh quan xung quanh di sản văn hóa đó.

Thực tế những năm qua cho thấy, hầu hết các báo, đài đều xây dựng chuyên trang, chuyên mục về đề tài văn hoá, trong đó ít nhiều đề cập đến nội dung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, đồng thời cũng phê phán, lên án mạnh mẽ những hành vi xâm hại đến di sản văn hoá. Nhờ có báo chí phát hiện, lên tiếng kịp thời mà chính quyền, các cơ quan quản lý về văn hóa mới biết đến và quan tâm tới việc bảo vệ, đầu tư phục hồi những di tích bị hư hỏng, xuống cấp hoặc bị mất hiện vật, cũng như những vụ việc xâm hại đến di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, hoặc việc đưa các đồ thờ cúng không rõ nguồn gốc, các linh vật ngoại lai vào các di tích lịch sử - văn hóa... Báo chí cũng lên tiếng phê phán mạnh mẽ những hiện tượng lợi dụng lễ hội truyền thống để hoạt động mê tín, dị đoan xảy ra ở nhiều nơi...

Trong cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trước sự tấn công, du nhập của các trào lưu văn hóa, lối sống phương Tây xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc; tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tình đoàn kết, tính nhân văn, nhân đạo, cách ứng xử nhân ái giữa con người với con người “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”... đối với các thế hệ người Việt Nam. 

Bên cạnh những đóng góp quan trọng của báo chí nói chung trong việc thông tin, tuyên truyền công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, thì vẫn còn một số cơ quan báo chí chưa thực sự quan tâm đến chủ đề này. Một số báo, tạp chí, nhất là báo điện tử không mặn mà với việc đăng các tin, bài về văn hóa dân tộc, do chủ đề này không “nóng” bằng việc cho đăng những tin, bài về chủ đề văn hóa “thời thượng” có tính giật gân, câu khách, như đưa những hình ảnh người mẫu, ca sĩ, diễn viên hở hang, những phát ngôn “sốc” về văn hóa... Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, sự du nhập của văn hóa ngoại lai thông qua hàng trăm kênh truyền hình nước ngoài đang hàng ngày, hàng giờ tác động mạnh mẽ đến cách nghĩ, cách làm của người xem đã làm ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Một thực trạng đáng buồn hiện nay ở không ít buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên không biết đánh cồng, chiêng, thổi khèn mà thích nghe nhạc ráp, rốc; thiếu nữ không biết thêu thùa hoa văn trên bộ váy áo truyền thống mà chỉ thích mặc âu phục trong các lễ hội truyền thống đã trở thành hiện tượng phổ biến.

Có không ít phóng viên, biên tập viên do hạn chế về kiến thức, sự hiểu biết về văn hóa dân tộc nên khi nói, viết, biên tập các tin, bài về chủ đề văn hóa dân tộc đã thông tin không đúng nguồn gốc của di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, không đúng với đặc trưng của các lễ hội truyền thống, không đúng với làn điệu của các loại hình nghệ thuật truyền thống, đã có tác dụng đi ngược lại mục tiêu bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa đó. Thậm chí có phóng viên, biên tập viên có quan điểm, sở thích riêng của mình đã viết bài cổ vũ, ca ngợi những người cải biên, cách tân sai nguyên tắc đối với nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, không đúng với nguyên gốc của những loại hình nghệ thuật truyền thống đó, làm mất đi giá trị đích thực của tuồng, chèo, cải lương. Trên thực tế, những phóng viên, biên tập viên này đã “tiếp tay” cho việc làm mai một di sản văn hóa dân tộc, làm lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý nghiêm khắc một số cơ quan báo chí theo quy định của Luật Báo chí, đình bản một số tờ báo, thu hồi thẻ nhà báo đối với một số phóng viên, đã có những bài viết hoặc cho đăng những bài viết về chủ đề văn hóa vi phạm đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bị dư luận xã hội phê phán, lên án mạnh mẽ.

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc ta, Tiếng Việt là một trong những tinh hoa, là tài sản hết sức quý giá. Đó là ngôn ngữ chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Do đó, báo chí chính là công cụ có trách nhiệm rất quan trọng trong việc giữ gìn sự trong sáng và làm giàu có thêm cho Tiếng Việt. Tuy nhiên, hiện nay có một số báo, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình, nhất là báo điện tử đã tùy tiện sử dụng những ngôn từ, thuật ngữ làm xấu hình ảnh Tiếng Việt, làm hỏng ngữ pháp Tiếng Việt hoặc lạm dụng tiếng nước ngoài trong các bản tin, bài viết, trong khi Tiếng Việt có nhiều từ ngữ phong phú, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ đối với người đọc, người nghe, người xem.   

3. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục khẳng định quan điểm: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa xác định là cần phải: “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Phát huy các di sản được UNESCO công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam…”[2]. 

Để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của các di sản văn hóa dân tộc, cũng như đưa Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa và Luật Di sản văn hóa vào cuộc sống, chúng ta cần tiếp tục phát huy những ưu thế của các loại hình báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền về văn hóa. Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập mấy vấn đề chủ yếu liên quan đến việc nâng cao hiệu quả của báo chí trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc:

Trước hết, các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần tăng cường sự chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các ngành, các cấp và của người dân đối với việc bảo tồn, giữ gìn, khai thác và phát huy giá trị tốt đẹp của các di sản văn hóa dân tộc trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong các cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan cho báo chí những vấn đề, vụ việc liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa được dư luận xã hội quan tâm để kịp thời tuyên truyền, định hướng.

Thứ hai, tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý về văn hóa, các cơ quan nghiên cứu về văn hóa, các hội văn hóa - nghệ thuật chuyên ngành với các cơ quan báo chí về các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; các kết quả nghiên cứu về di sản văn hóa dân tộc; tôn vinh các nghệ sĩ, nghệ nhân nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt; công tác xã hội hóa trên lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa dân tộc...

Thứ ba, các cơ quan báo chí phải thường xuyên đổi mới nội dung thông tin, tuyên truyền, quảng bá tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, người xem, người nghe hình thành nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử văn hóa đối với các di sản văn hóa dân tộc, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đồng thời giữ gìn được truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc trong từng gia đình, làng, bản, thôn, xóm. Đối với những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các cơ quan báo chí địa phương cần xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số biết tự hào và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, phát huy các giá trị tốt đẹp đó trong cuộc sống; chú ý trong các bài viết, các chương trình phát thanh, truyền hình ưu tiên sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí cần phải nắm vững các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, đặc biệt là các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa và các quy định trong Luật Di sản văn hóa. Cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên cũng cần được trang bị đầy đủ những kiến thức, hiểu biết cơ bản về các di sản văn hóa dân tộc. Vì vậy, các cơ quan báo chí tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý về văn hóa, các cơ quan nghiên cứu về văn hóa, các hội văn hóa - nghệ thuật chuyên ngành, các chuyên gia đầu ngành về văn hóa - nghệ thuật để tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên những kiến thức cơ bản về lĩnh vực văn hóa nói chung và lĩnh vực di sản văn hóa dân tộc nói riêng.

[1] Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

[2] Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

TS Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông 
Bạn đang đọc bài viết "Báo chí với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.