Báo chí truyền thông với bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Tuồng và nghệ thuật Bài chòi tại Bình Định

19/11/2014 11:20

Theo dõi trên

Thời gian qua, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí truyền thông đã tích cực trong việc góp phần bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc. Báo chí đã tham ra tích cực trong việc truyền bá, lưu trữ làm giàu kho tàng văn hoá nhân loại, có khả năng to lớn trong việc thẩm định, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá, tạo nên việc hình thành những ý thức lịch sử văn hoá của mỗi người dân.

1. Vai trò của báo chí với việc tuyên truyền quảng bá, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc

Thời gian qua, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí truyền thông đã tích cực trong việc góp phần bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc. Báo chí đã tham ra tích cực trong việc truyền bá, lưu trữ làm giàu kho tàng văn hoá nhân loại, có khả năng to lớn trong việc thẩm định, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá, tạo nên việc hình thành những ý thức lịch sử văn hoá của mỗi người dân. Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước “Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống (bác học và dân gian), văn hoá cách mạng, bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại”.  Trong những năm qua vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc đã được các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện có hiệu quả, góp phần vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chức năng thông tin của báo chí tác động to lớn đến dư luận xã hội. Vì vậy, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng có ý nghĩa hết sức to lớn, người dân hiểu về di sản Văn hóa của đất nước càng ngày càng sâu rộng hơn thông qua lăng kính tuyên truyền của báo chí. Không chỉ giới thiệu giá trị độc đáo của di sản mà báo chí truyền thông còn tập trung vào vấn đề trọng tâm làm sao để nhân dân cùng góp phần tôn vinh và bảo tồn di sản. Bằng các bài viết, hình ảnh thực tế sinh động để thu hút,   đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế cùng hỗ trợ cho công tác bảo tồn phát huy này.

Với chức năng định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng và tạo lập dư luận xã hội, Báo chí truyền thông đã làm tốt chức năng  của mình là công cụ sắc bén tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; Bên cạnh đó, báo chí truyền thông còn có vai trò quan trọng trong việc khẳng định, phổ biến, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa của dân tộc. Đặc biệt lưu ý sự ủng hộ và trách nhiệm của cộng đồng, trong công tác bảo vệ gìn giữ giá trị di sản. Không dừng lại đó – báo chí truyền thông còn phát hiện ra những việc làm sai trái như lợi dụng di sản Văn hóa để trục lợi di sản Kinh tế, bất hợp pháp, hay góp phần đưa ra công luận những tổ chức cá nhân vi phạm đến di sản Văn hóa v..v. Những phát hiện này đã góp cho cơ quan quản lý nhà nước ra các văn bản thích hợp để làm cho mọi người hiểu hơn những giá trị về di sản, từ đó tạo được những hành lang pháp lý tác động tích cực trong công tác bảo tồn phát huy di sản.

2. Báo chí truyền thông với bảo tồn phát huy giá trị Nghệ thuật Tuồng và Nghệ thuật Bài Chòi ở tỉnh Bình Định

Về dự Hội thảo Báo chí với Bảo tồn phát huy Di sản Văn hóa dân tộc, tham luận của tôi xin tập trung về vấn đề “Báo chí truyền thống với bảo tồn phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng và nghệ thuật Bài Chòi ở tỉnh Bình Định”, từ góc nhìn ở 1 đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo để rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm kiến nghị các giải pháp đối với việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trên lĩnh vực báo chí truyền thông.

Kính thứ Quý vị!

Bình Định là vùng “đất võ trời văn” với cảnh quan thiên nhiên phong phú và có bề dày lịch sử văn hóa - một vùng đất giàu tiềm năng về phát triển du lịch. Linh khí núi sông của vùng đất từng sinh ra những anh hùng áo vải Tây Sơn đã bách chiến bách thắng trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước vĩ đại còn lưu lại đến ngày nay những di sản vô giá với dấu tích thành quách và những ngọn tháp rêu phong vẫn đứng vững trước thử thách của thời gian, bằng chính những giá trị văn hóa nghệ thuật. Cùng với những di tích, hiện vật có giá trị, tập tục văn hóa truyền thống, tỉnh Bình Định đã có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận là: Hát Bội (Tuồng) Bình Định, Nghệ thuật Bài chòi và võ cổ truyền Bình Định. Các di sản này đã, đang và sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị.

a/. Trước tiên xin nói về việc bảo tồn phát huy Nghệ thuật Tuồng tại Bình Định.

Là một loại hình sân khấu truyền thống độc đáo và đặc sắc của Việt Nam. Qua hàng trăm năm phát triển, NT Tuồng đã được đúc kết, nhào nặn từ những tinh hoa của ca, vũ, nhạc, từ dân gian và tiếp thu múa hát của Cung đình, của Tôn giáo cộng với những sáng tạo mới của bao thế hệ các nghệ nhân đã đúc kết nên. Với một kho vũ đạo làn điệu, phục trang, trang trí, cấu trúc, cốt truyện, mô hình nhân vật… có thể khẳng định nghệ thuật Tuồng rất đa dạng nhưng hòan chỉnh đạt đến sự mẫu mực của sân khấu truyền thống Việt Nam. 

Ở Bình Đinh nghệ thuật Tuồng đã phát triển rực rỡ gắn liền với tên tuổi các nhà soạn Tuồng xuất sắc nhất Việt Nam như Đào Duy Từ, Đào Tấn, Nguyễn Diêu. Nơi đây đã nuôi dưỡng Đào Duy Từ (từ Thanh Hoá vào) Ông đã mang theo những lối diễn xướng Tuồng từ ngoài Bắc vào và biết nâng cao kết hợp với võ thuật xứ Bình Định đã làm cho nghệ thuật này thêm phong phú và phát triển rực rỡ vào thời triều Nguyễn thế kỷ XVIII – XIX.

Sau ông tổ Đào Duy Từ, người góp công lớn nhất phát triển nghệ thuật Tuồng phải kể đến danh sĩ - soạn giả Đào Tấn (1845 - 1907). Trong số các danh nhân văn hóa ở Bình Định, Đào Tấn hiện lên như một ngôi sao sáng chói. Ông là người yêu nước, là vị quan nổi tiếng liêm khiết, là nhà thơ, nhà soạn tuồng xuất sắc của Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Với những đóng góp to lớn, Đào Tấn được suy tôn là “Hậu Tổ” của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Ông đã sáng tác hàng chục vở Tuồng nổi tiếng như “Hộ sanh đàn”, “Cổ thành”, “Trầm hương các”, “Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan”, “Diễn Võ đình”… Bên cạnh vai trò soạn giả, Đào Tấn còn được xem như nhà lý luận sân khấu Tuồng đương thời.

Về sáng tác kịch bản Tuồng ở Bình Định còn phải kể đến Cụ Nguyễn Diêu (tự Quỳnh Phủ) cũng thường được gọi là ông Tú Nhơn Ân (1822 – 1880). Đã nổi tiếng là một nhà soạn tuồng nhưng lại là một kép biểu diễn tài ba. Ông là tác giả của bộ tuồng “Ngũ Hổ bình liêu”, vở “Tiết Giao đoạt ngọc” và vở “Liễu đố”. Là một ông đồ thấm chất nghệ sĩ, Nguyễn Diêu đã đào tạo được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong đó có Đào Tấn và ông đã gây dựng được phong trào Nghệ thuật Tuồng ở Bình Định phát triển rực rỡ.

Phát huy truyền thống của thế hệ ông cha, lớp các nghệ sĩ Tuồng trẻ ở Bình Định vẫn đang ngày đêm gìn giữ, kế thừa và phát triển nghệ thuật truyền thống, dày công lao động tìm tòi phát huy vốn cổ để sáng tạo nhiều nhân vật, nhiều tác phẩm có chất lượng  phục vụ nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhà hát tuồng Đào Tấn, tiền thân là Đoàn tuồng Liên khu V - Đoàn Tuồng cách mạng đầu tiên trên cả nước được thành lập vào tháng 5/1952. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đoàn tuồng Liên khu V từ miền Bắc trở về đứng chân trên quê hương Bình Định cho đến hôm nay. Hơn 60 năm hình thành và phát triển, trải qua những bước thăng trầm từ Đoàn Tuồng Liên khu V nay là Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Nhà hát luôn giữ được truyền thống là một trong những con chim đầu đàn trong số các đơn vị biểu diễn kịch hát truyền thống mang tầm vóc quốc gia. Nhà hát đã kế thừa phát triển có chọn lọc những giá trị của Nghệ thuật Tuồng, với đội ngũ diễn viên đông đảo, tài năng, Nhà hát Tuồng Đào Tấn đảm đương nhiều chương trình, vở diễn có chất lượng cao, đã khai thác, chỉnh lý, dàn dựng nhiều vở Tuồng có giá trị phục vụ nhân dân. 

Tên tuổi của Cố NSND Võ Sĩ Thùa -  các Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú; các chánh + phó Ca ở đất Bình Định không chỉ lan tỏa ở mảnh đất miền Trung mà lan tỏa ra trong cả nước. Tên tuổi Nhà hát và tài năng của các nghệ sĩ được khán giả đánh giá cao, chúng ta phải kể đến công lao của báo chí truyền thông trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã mở chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin để giới thiệu cái hay cái đẹp của nghệ thuật SK truyền thống, trong đó có nghệ thuật Tuồng. Qua các chương trình như “chuyện đời, chuyện nghề”, “chân dung các nghệ sĩ”, “diễn đàn văn nghệ” được các báo nói, báo hình có chất lượng đưa tin đã góp phần tôn vinh những giá trị nghệ thuật, đưa nghệ thuật sân khấu truyền thống trở thành di sản văn hóa dân tộc. Những tên tuổi của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Đào Tấn như: NSND Đình Bôi, Hòa Bình, Phương Thảo, Xuân Hợi, Minh Ngọc, NSƯT Duy Kiền, Ngọc Đình, Nguyễn Gia Thiện, Lê Xuyên, Thanh Sử … được khán giả yêu quý NT Tuồng cả nước mến mộ.

Nhiệm vụ nặng nề của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Đào Tấn trong thời kỳ mới rất nặng nề, Nhà hát phải  làm sao khai thác, phục hồi các vở Tuồng truyền thống mẫu mực và tập trung sáng tạo, xây dựng những vở mới; đầu tư kinh phí, phối hợp gắn kết chặt chẽ với các cơ quan Báo chí truyền thông ở TW và khu vực để tuyên truyền, quảng bá giá trị độc đáo của nghệ thuật tuồng Đào Tấn đến với công chúng, đặc biệt là lớp thanh thiếu nhi ở ngay chính quê hương Bình Định có truyền thống yêu nghệ thuật Tuồng. Nhà hát phải ra sức phấn đấu góp phần giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của cha ông, cùng với các đơn vị nghệ thuật Tuồng cả nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xứng danh một Nhà hát được mang tên Danh nhân văn hoá Đào Tấn.

b/. Về việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi tại Bình Định

Bình Định là một trong những địa phương thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ, cũng là nơi có nghệ thuật bài chòi phát triển. Ngoài Đoàn Ca kịch Bài chòi chuyên nghiệp Bình Định còn có rất nhiều câu lạc bộ, bài chòi hoạt động rất sôi nổi từ thành thị đến nông thôn, nhất là vào dịp Tết. Chính vì lẽ đó, Bình Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền đại diện các tỉnh Nam Trung Bộ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ, xây dựng hồ sơ để tiến hành đề cử UNESCO xem xét, công nhận Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Từ năm 1954, khi các nghệ nhân Bài Chòi ở Liên khu V tập kết ra Bắc, được Bộ Văn Hóa thành lập với tên gọi Đoàn ca kịch Bài Chòi Liên khu V, kể từ đó đến nay nghệ thuật Bài Chòi đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật sân khấu. Trong quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật Bài Chòi, đã tiếp thu có chọn lọc những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như: Tuồng, Chèo, Cải lương… để tạo nên một loại hình nghệ thuật ca kịch với cách biểu diễn và cách xử lý làn điệu độc đáo. Các tác giả, đạo diễn đã mở rộng đề tài, xây dựng hình tượng nhân vật làm giàu các làn điệu dân ca. Trong quá trình sáng tạo các nghệ sĩ đã xử lý đưa các làn điệu Bài Chòi truyền thống vào những trạng thái tình cảm, hoàn cảnh  nhân vật kịch. Ngoài ra các nghệ sĩ còn sáng tác những bài bản mới dựa trên chất liệu dân ca để làm giàu cho loại hình sân khấu ca kịch này. Sinh ra ở vùng đất đã có sự phát triển của nghệ thuật Tuồng, nên Bài Chòi đã tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nghệ thuật sân khấu truyền thống này để phát triển, nhưng vẫn tạo nên và khẳng định được những nét độc đáo, đặc trưng riêng của loại hình. Nó vừa có nét độc đáo của một vùng văn hoá Nam Trung bộ, vừa có nét chung của sân khấu dân tộc, nghệ thuật Bài Chòi ra đời đã đóng góp vào sự phong phú và đa dạng của nền nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam.

Lật lại những trang lịch sử của Đoàn, những trang thông tin, những bài báo giới thiệu về vở diễn, về diễn viên qua các kỳ Liên hoan sân khấu gần đây ta thấy. Năm 2010, Hội diễn Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại TP Đà Nẵng. Với sự tìm tòi và sáng tạo mới, vở diễn “Thời con gái đã xa” của Đoàn Ca kịch Bài Chòi Bình Định (Huy chương bạc). Năm 2011, tại TP Quy Nhơn, đã tổ chức “Liên hoan sân khấu Dân ca kịch Bài Chòi chuyên nghiệp”. Các đoàn ca kịch Bài Chòi đã mang đến những vở diễn có chất lượng nghệ thuật tạo nên sắc màu dân tộc đậm đà của mỗi địa phương, nhưng vẫn phát huy được giá trị độc đáo của nghệ thuật Bài Chòi miền Trung.  

Năm 2013, trong Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc Đoàn Ca kịch Bài Chòi Bình Định đã gặt hái được thành công với huy chương vàng cho vở diễn “Khúc ca bi tráng” (Tác giả: Văn Trọng Hùng, Chuyển thể: Đoàn Thanh Tâm, Đạo diễn: NSND Hoài Huệ), một lần nữa đã khẳng định sức sống của nghệ thuật Bài Chòi cũng như sự trưởng thành lớn mạnh và sự tìm tòi, sáng tạo trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài Chòi ở Bình Định. Giải thưởng sân khấu năm 2013 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đã trao: Giải A cho vở diễn “Khúc ca bi tráng” và giải đạo diễn xuất sắc nhất (trao cho đạo diễn - NSND Hoài Huệ). 

Đặc biệt mùa xuân 2011, UBND tỉnh Bình Định và Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Bình Định đã phục dựng, phát triển Bài Chòi và đưa Hội đánh Bài Chòi cổ dân gian ra giới thiệu với công chúng Thủ đô, tại không gian sân khấu Nhà hát Kim Mã (Hà Nội) đã tạo một không khí rất sôi nổi. Những hoạt động nhằm giới thiệu nghệ thuật độc đáo của nghệ thuật Bài Chòi tại Thủ đô Hà Nội được báo chí ở Trung ương và Hà Nội đồng loạt giới thiệu đã giúp cho khán giả Thủ đô biết được thêm những giá trị độc đáo của nghệ thuật sân khấu Bài Chòi trong nền văn hóa dân tộc.

Trong thời gian vừa qua đã có nhiều bài báo nhiều chương trình truyền hình quảng bá tôn vinh giá trị nghệ thuật và tài năng của Đoàn NT Bài Chòi Bình Định, đồng thời cũng cảnh báo đối với nghệ thuật Bài Chòi nói chung, Đoàn Ca kịch Bài Chòi Bình Định nói riêng về những hiện tượng đang làm sói mòn đi những giá trị Văn hóa truyền thống đang chạy theo thị hiếu tầm thường, của một số nghệ sĩ  loại hình nghệ thuật này trong sáng tác và biểu diễn.

Vai trò truyền thông của báo chí đối với việc lập hồ sơ trình UNESCO xét duyệt và công nhận Bài Chòi là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ góp phần tôn vinh đúng giá trị đích thực về khoa học, lịch sử, văn hóa của di sản và có kế hoạch bảo tồn, phát huy nghệ thuật Bài Chòi. Báo chí truyền thông cũng cảnh báo xu hướng hiện đại hóa Bài Chòi (dân ca hóa Bài Chòi và đưa nhạc sáng tác quá nhiều vào sân khấu Bài Chòi) đã dẫn tới hệ lụy mất bản sắc Bài Chòi dân gian truyền thống, cái mà chúng ta cần bảo tồn, cần phát huy để giữ gìn bản sắc dân tộc. Do đó, nếu xây dựng hồ sơ trình UNESCO xét duyệt thì phải giữ tư liệu gốc của Bài Chòi trên cả 2 phương diện Lễ hội Bài Chòi và nghệ thuật biểu diễn Bài Chòi chuyên nghiệp. 

Tuy nhiên không phải tất cả các tờ báo, các Đài phát thanh Truyền hình đều vào cuộc với các cơ quan bảo vệ văn hóa dân tộc, mà thực tế cho thấy không ít tờ báo và Đài truyền hình chưa thật quan tâm, hoặc chưa mạnh tay trong việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Hiện vẫn còn tồn tại những bài viết theo tỷ lệ “7 khen, 3 góp ý” và cách viết chung chung để không mất lòng ai, thiếu tinh tế, sâu sắc về giới thiệu chân dung và phân tích tác phẩm. Thực trạng sân khấu hiện nay còn thiếu những bài viết có hiểu biết cặn kẽ về vở diễn và tình hình Sân khấu của thời điểm mà vở diễn ra đời; phân tích sâu sắc cái được, cái chưa được; trao đổi về những điều mà đáng lý có thể làm cho vở diễn tốt hơn.

3. Một số giải pháp trong công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong thời gian tới

Trong bối cảnh của một thế giới đầy biến động, với xu thế mở cửa và cơ chế thị trường đang vận hành trong lòng xã hội các giá trị văn hoá phải đối mặt với những khó khăn. Hơn bao giờ hết nhiệm vụ bảo vệ và phát huy di sản văn hóa truyền thống là nhiệm vụ của các đơn vị nghệ thuật của các nghệ sĩ. Muốn làm tốt việc này các đơn vị nghệ thuật phải dành thời gian kinh phí phối hợp với báo chí truyền thông để quảng bá. Với mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc của văn hóa dân tộc, khai thác tiềm năng và thế mạnh của văn hoá cội nguồn chúng ta phải gắn kết với du lịch, dịch vụ, cộng đồng để từ đó tạo tiền đề phát triển văn hoá lên một tầm cao mới.

Bên cạnh trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với các di sản văn hóa thì cộng đồng dân cư cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản. Vì vậy sân khấu truyền thống dân tộc (Tuồng và Bài Chòi) phải biểu diễn nhiều tới các đối tượng khán giả. Đặc biệt là các khán giả trẻ bằng nhiều hình thức, phải giới thiệu những cái hay cái đẹp của sân khấu truyền thống dân tộc để lớp trẻ hiểu và yêu thích nghệ thuật. Xin đưa một số giải pháp trong công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc (Tuồng và Bài chòi) trong thời gian tới để các đơn vị nghệ thuật và các cơ quan báo chí truyền thông tham khảo.

- Các cơ quan truyền thông đại chúng nên tăng cường tập trung tuyên truyền công tác bảo tồn di sản, kêu gọi sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa (trong đó có NT Tuồng và NT Bài chòi). Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền những khuyến nghị, dự báo có thể ảnh hưởng đến di sản, giảm bớt những tác động tiêu cực đến di sản.

- Công tác biểu diễn gắn kết với đẩy mạnh du lịch, dựa vào các yếu tố văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch, kết hợp biểu diễn nghệ thuật sân khấu (Tuồng và nghệ thuật Bài chòi) gắn với hoạt động du lịch để tạo dựng hình ảnh du lịch văn hóa truyền thống - điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

- Khai thác, sưu tầm, làm giàu hơn nữa các vở Tuồng truyền thống; xây dựng các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao nhằm tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi hơn nữa với nhân dân trong nước, đặc biệt là đối với khán giả trẻ và khán giả nước ngoài.

- Cùng các đơn vị nghệ thuật Tuồng và Bài chòi chuyên nghiệp trong cả nước kế hoạch phục hồi nhiều vở diễn còn nằm trong kho tàng nghệ thuật truyền thống Việt Nam để lưu giữ, truyền bá cho các thế hệ mai sau. Tích cực giúp đỡ các đơn vị nghệ thuật Tuồng, Bài chòi không chuyên, tham gia trong đề án sân khấu, học đường để nghệ thuật truyền thống dân tộc ngày càng đi vào đời sống xã hội.

- Phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được. Trước mắt chú trọng đào tạo các nghệ sĩ có trình độ cao về chuyên môn để nâng cao chất lượng trong sáng tác, dàn dựng và biểu diễn nhiều vở diễn có chất lượng phục vụ nhân dân.

- Thường xuyên tổ chức Liên hoan Sân khấu nghệ thuật Tuồng và nghệ thuật Bài chòi (những vở sáng tác mới; Liên hoan những vở diễn có tính truyền thống của nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Bài Chòi theo định kỳ để quảng bá tới khán giả); Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ biểu diễn cho các nghệ sĩ trẻ hàng năm.

- Kiến nghị với các cơ quan chức năng dành một kênh thông tin truyền hình để giới thiệu quảng bá cho Di sản Văn hóa dân tộc.

- Dành kinh phí để đưa những trích đoạn nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc đi giao lưu biểu diễn với các nước trong khu vực và thế giới để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

- Có nhiều cuộc trao đổi, tập huấn báo chí giới thiệu cái hay , cái đẹp NTSK truyền thống với các cơ quan báo chí truyền thông.

3. Kết luận 

Đất nước ta đang trên tiến trình Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá đất nước, vì vậy phát huy truyền thống cũng như giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc càng trở nên cấp thiết và là cơ sở tạo nên nét văn hoá đặc thù của cả một dân tộc. Để xây dựng và phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và thực hiện Nghị quyết Trung ương IX khóa 11 về Văn hóa - con người Việt Nam trong sự phát triển bền vững, đã đến lúc chúng ta cần đánh giá một cách toàn diện những chặng đường đã qua, tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống, nhằm giới thiệu các giá trị nghệ thuật với cộng đồng; vừa tiếp nhận một cách có chọn lọc những tinh hoa Nghệ thuật của nhân loại để bổ sung trong quá trình hội nhập và phát triển trên tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn những cái hay cái đẹp do cha ông để lại. Nghệ thuật sân khấu Tuồng và nghệ thuật Bài chòi, cùng với nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc là di sản văn hóa đã đang và sẽ tiếp tục tỏa sáng. Tinh hoa của văn hóa Việt Nam sẽ luôn được bảo tồn và phát huy để văn hóa xứng đáng là nền tảng tinh thần, là động lực mục tiêu phát triển xã hội.

Xin cám ơn!

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam
Bạn đang đọc bài viết "Báo chí truyền thông với bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Tuồng và nghệ thuật Bài chòi tại Bình Định" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.