Trước ngày khai mạc Gala, chúng tôi được ban tổ chức đưa đi tham quan những di tích văn hóa nổi tiếng ở Myanamr, có địa điểm cách xa cố đô Jangon tới vài trăm cây số về phía Đông Bắc gần giáp biên giới với các nước Ấn Độ. Cuộc hành hương đường dài bằng xe bus, tôi được xếp ngồi ở dãy ghế đầu nên có thể quan sát được những thành phố, những xóm làng và ruộng đồng mang phong cách Myanmar. Những cánh đồng mênh mông trải dài bất tận, chỉ có cỏ xanh, mà không có hoa màu.
Người hướng dẫn du lịch cho biết: Người nông dân Myanmar chỉ làm mỗi năm một vụ lúa đã đủ ăn nên sau khi thu hoạch thì, đất bỏ hoang tới tháng 9 để trâu, bò tha hồ sống với cỏ xanh và rơm rạ. Tuy vậy cũng trên những cánh đồng mênh mông này, người nông dân Myanmar lại trồng rất nhiều hoa quả, đúng vụ tháng ba, người ta thu hoạch và bày bán khắp nơi hai bên đường quốc lộ, nhiều nhất là dưa, bưởi và xoài… Dường như người bán thì nhiều người mua thì ít, gần giống như Miền Nam Việt Nam - từ Khánh Hòa trở vào Nam Bộ hai bên đường la liệt trái cây.
Từ ngoại ô Rangun đến vùng ngoại ô thành phố rất nhiều dừa, những cây dừa thẳng tắp, cao vút hơn mười mét, trên đó có những chùm trái nhỏ và sai. Tôi cứ nghĩ không biêt làm sao để hái được những chùm dừa trên cao chót vót ấy? Ở Miền Nam Việt Nam, cây dừa cao nhất cũng cao chừng năm, bảy mét, còn đa số là đứng với tay hái cũng được như dừa Xiêm. Một nét rất riêng nữa của người nông dân Myanmar là hai bên đường Quốc lộ có rất nhiều túp nhà lợp lá để buôn bán nhỏ, hoặc phục vụ ăn uống cho người đi đường, trông rất thanh bình, thỉnh thoảng mới có một vài thị trấn, nhà mới xây, cao nhất là năm, sáu tầng. Người dẫn cho biết, thợ xây những ngôi nhà mới này đa số là người từ Việt Nam sang làm thuê. Tuy vậy phong cảnh và phong cách kiến trúc vẫn đậm nét Myanmar.
Sự khác biệt này, tạo ra nét riêng của thiên nhiên Myanmar. Một nét riêng nữa về phong cách, về bản sắc Myanmar là cách ăn mặc của người lao động, hầu hết nam nữ đều mặc váy, ít khi đội nón, đội mũ, mặc dù ai cũng bôi một lớp kem chống nắng được chế ra từ loại cây đặc biệt chỉ có ở Myanmar và một nét đặc biệt nữa là ai cũng đi dép lê có quai, từ ngoài đường đến trong nhà chùa, trong chợ trời, trong siêu thị. Người Myanmar hiền lành, không ăn to nói lớn, không mê tín dị đoan, họ chỉ sùng kính Phật mà thôi. Sùng kính nhưng không mê muội, không mê tín dị đoan. Họ đến chùa để chiêm bái bằng cái tâm trong sáng như Phật dạy “Phật tại tâm”, không chen lấn, không đốt nhang, đốt giấy, cũng không dâng hoa quả lên bàn thờ, chỉ có số ít người mua mấy bông hoa đem cắm vào chiếc lọ nhỏ trên bàn thờ, hoặc một góc bên cạnh. Cũng có người thắp nhang nhưng cũng chỉ là tượng trưng không có khói hương nghi ngút. Đúng là yên tĩnh như nhà chùa, một nét văn hóa đẹp mà chắc ai cũng đã từng đến chùa ở Việt Nam đều phải suy nghĩ và đối chiếu tại sao lại đặt trên bàn thờ Phật ngập tràn những lễ vật rất thực tế, rất thực dụng, thậm chí có cả bia, coca cola giống như đi cống các quan tham ngoài đời! Phật là tâm, ngoài ra không có gì khác. Văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam là theo nguyên tắc tượng trưng và cách điệu, không tả thực mà rất thực như ta thấy người Myanmar thể hiện trong các nhà chùa, từ cửa vào cách khu thờ tự hàng trăm mét phải cởi giầy, dép, bí tất, đi chân không, nhẹ nhàng bước và hướng tâm mình vào chốn linh thiêng, không ai nói to, không ai chen lấn rồi lặng lẽ quỳ lễ bái, miệng lẩm nhẩm tụng niệm. Thầy chùa cũng không gõ mõ tụng kinh. Đúng là tĩnh lặng như chùa.
Những ngôi chùa hoành tráng những tượng phật khổng lồ, từ chân đồi phải bước lên hàng trăm bậc mới tới chùa Shne Man dan. Đây là ngôi chùa cực lớn có tuổi đời ngàn năm, sừng sững tọa lạc trên một không gian rộng lớn với nhiều ngôi chùa liên hoàn giống như một cung điện hoành tráng, uy nghiêm, chói sáng một màu vàng. Người tham quan phải mất hàng giờ mới chiêm bái hết các ban Phật trải dài hàng mấy trăm mét.
Một điều mà tôi muốn nói thêm ở đây, là không gian văn hóa Chùa vàng với văn hóa viếng chùa, văn hóa lễ Phật. Ở đây không có gõ mõ tụng kinh, không có dâng hương hoa, dâng lễ vật trên ban thờ Phật, mà từ phật tử tăng ni, đến những người tham quan trong và ngoài nước đều im lặng, chắp tay lễ Phật bằng động tác biểu trưng, ngoài ra không có một động thái gì gây lên tiếng động trước những pho tượng trầm mặc, uy linh. Trải qua hàng trăm năm mà những gì đã có ở đây từ ngôi chùa đến tượng Phật vẫn nguyên vẹn, vẫn chói sáng một màu vàng tươi rói, bởi không có những bàn tay sờ mó, vuốt ve và xâm phạm đến di tích, đó là văn hóa ứng xử với di sản, với những thần linh, những đầng linh thiêng và với cả những công trình kiến trúc tâm linh. Ở đây không hề có khẩu hiệu cảnh báo, không có người bảo vệ nhắc nhở “Đừng chạm tay vào hiện vật” như Việt Nam ta, mà mọi thứ, mọi hiện vật đều nguyên si, sáng láng như mới được trưng bày. Đúng là Chùa vàng được quý như vàng…