Tham dự hội diễn có 7 đội đờn hát dân ca trong tỉnh, các đơn vị đã trình bày những tiết mục đờn, ca, hát ru với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết giữa các dân tộc, phản ánh phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, những thành tựu xây dựng quê hương đất nước… Đặc biệt, các đơn vị kết hợp khéo léo giữa đờn, hát dân ca, hát ru và múa tạo nên những tiết mục sinh động, đậm chất Nam Bộ.
Kết thúc hội diễn, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đơn vị huyện Mang Thít; trao giải Nhì cho đơn vị huyện Bình Tân và huyện Trà Ôn; trao giải Ba cho đơn vị huyện Vũng Liêm và huyện Long Hồ, trao giải Khuyến khích cho đơn vị thành phố Vĩnh Long và thị xã Bình Minh.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Lê Thanh Hiền nhận định, qua hai ngày thi diễn, 7 đơn vị đã mang đến những chương trình, tiết mục hay, đẹp, giàu ý nghĩa, chất lượng hội diễn có nhiều chuyển biến tích cực so với lần tổ chức đầu tiên. Các tiết mục tham gia thi diễn đều đúng những bài hò, vè, hát ru dân ca Nam Bộ; chương trình có cấu trúc thành kịch bản hoàn chỉnh, bố cục hài hòa, hình thức biểu diễn hấp dẫn. Song song đó, lực lượng diễn viên tham gia hội diễn khá đồng đều, các tiết mục hát tập thể được phối bè hợp lý và hiệu quả với những quảng bè phù hợp các làn điệu dân ca, góp phần làm sinh động cho tổng thể của chương trình.
Ông Lê Thanh Hiền cho biết, tại tỉnh Vĩnh Long đã sớm hình thành nhiều loại hình dân ca như: nói thơ Vân Tiên, nói tuồng, nói vè, hát Huê Tình... góp phần làm phong phú đời sống tin thần của người dân địa phương. Thông qua hội diễn nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung và của tỉnh nhà nói riêng.
Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên không chuyên được giao lưu, học tập, đồng thời là dịp để tỉnh phát hiện, chăm bồi những hạt nhân đờn, hát dân ca hay từ trong phong trào quần chúng, góp phần thúc đẩy phong trào đờn, hát dân ca ngày càng phát triển.