Vì sao vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh lại gọi là xứ Nghệ

11/06/2020 11:38

Theo dõi trên

Năm 1831, thời vua Minh Mệnh, xứ Nghệ bị tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1976, hai tỉnh lại hợp thành tỉnh lớn Nghệ Tĩnh.

Xứ Nghệ là tên chung của vùng Châu Hoan cũ (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) từ thời nhà Hậu Lê. Hai tỉnh này cùng chung một vùng văn hóa gọi là văn hóa Lam Hồng, có chung biểu tượng là núi Hồng và sông Lam, mặc dù núi Hồng Lĩnh nằm trọn trong đất Hà Tĩnh và sông Lam nằm ở ranh giới giữa Nghệ An và Hà Tĩnh.
 


Cầu Bến Thủy nối liền Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay. Ảnh: Internet

Trung tâm của văn minh xứ Nghệ nằm ở hai bên dòng sông Lam là phủ Đức Quang và phủ Anh Đô khi xưa, tức là các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh của Hà Tĩnh và các huyện Thanh Chương, Nghi Lộc, thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn của Nghệ An ngày nay.

Danh xưng Nghệ An có từ năm 1030 thời nhà Lý, niên hiệu Thiên Thành thứ 2. Lúc đó gọi là trại Nghệ An, sau đó thì đổi thành châu Nghệ An rồi Nghệ An thừa tuyên.

Năm 1490, vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức thứ 21) đổi tên từ Nghệ An thừa tuyên thành xứ Nghệ An (gọi tắt là xứ Nghệ) đồng thời với các đơn vị hành chính khác lúc bấy giờ như: Xứ Kinh Bắc, xứ Sơn Nam, xứ Đông, xứ Đoài, xứ Thanh Hóa, xứ Lạng Sơn... Năm 1831, thời vua Minh Mệnh, xứ Nghệ bị tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1976, hai tỉnh lại hợp thành tỉnh lớn Nghệ Tĩnh. Năm 1991, tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay.
 
Anh Nam
(Tổng hợp)

 

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh lại gọi là xứ Nghệ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.