Vị chúa tài giỏi trong các đời chúa Nguyễn

13/11/2017 16:07

Theo dõi trên

Năm Ất Mùi 1655, chúa Hiền sai Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến đem quân ra bắc đánh họ Trịnh. Trong bảy lần chiến tranh Trịnh – Nguyễn phân tranh tính từ năm 1627 đến năm 1672, thì đây chính là lần duy nhất chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã chủ động đem quân tiến đánh ra Đàng Ngoài.

Nguyễn Phúc Tần (1619 – 1687), là con thứ của chúa Nguyễn Phúc Lan, thân mẫu là bà Đoàn Thị. Lúc lớn lên, Nguyễn Phúc Tần được phong làm phó tướng Dũng lễ hầu. Nguyễn Phúc Tần có tài thao lược, sớm thành thạo việc quân.
 
 
Từ khi chúa Nguyễn Phúc Lan dời dinh phủ xứ Đàng Trong từ Phú Yên về Kim Long (Huế) năm Bính Tý 1736, khi đó Nguyễn Phúc Tần mới được 17 tuổi, đã được chúa Nguyễn Phúc Lan giao cho việc bố phòng, luyện tập quân sỹ, sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.
 
Năm Giáp Thân 1644, tàu chiến của Hà Lan vào cướp ở cửa Eo, Yên Môn (ngày nay là cửa biển Thuận An, cách trung tâm thành phố Huế 15km về hướng đông nam). Nguyễn Phúc Tần có công lớn trong việc đánh thắng tàu chiến của Hà Lan. Sau đó Nguyễn Phúc Tần được phong làm Thế tử.
 
Năm Mậu Tý 1648, Nguyễn Phúc Tần được phong làm Tiết chế chủ quân, lại thay thế chúa Nguyễn Phúc Lan đại phá quân của chúa Trịnh Tráng (? – 1657) ở sông Gianh. Trong đêm tối, Nguyễn Phúc Tần bất ngờ cho voi chiến xông vào doanh trại của quân Trịnh, còn bộ binh tiếp sau đó tiến vào đánh phá, bị tập kích bất ngờ, quân của chúa Trịnh Tráng thua to chạy như ong vỡ tổ, rút hết về Đàng Ngoài.
 
Sau thắng lợi đó, chúa Nguyễn Phúc Lan mất, Nguyễn Phúc Tần đang làm Thế tử, được lập lên nối ngôi chúa, thường được gọi là chúa Hiền hay Hiền Vương. Chúa Hiền là người am hiểu binh pháp, chính trị, có ý mở mang bờ cõi, biết chăm lo đến chính sự, không chuộng yến tiệc vui chơi, lại là người quyết đoán cứng rắn, nhưng đôi khi cũng tàn nhẫn.
 
Đó là sự kiện xảy ra vào năm Nhâm Thìn 1652, khi đó chúa Hiền ở ngôi chúa đã được 4 năm. Trong phủ chúa bổng xuất hiện một “đào kiểm” thanh quý lộng lẫy, mười phân vẹn mười, quê ở Nghệ An. Nàng vừa có nhan sắc, vừa nết na đúng mực trâm anh, cành vàng lá ngọc, nàng đã chinh phục được trái tim của chúa Hiền. Từ khi có được người đẹp, chúa Hiền bắt đầu chìm đắm trong tửu sắc, suốt ngày vui chơi cùng với người đẹp, không đoái hoài gì đến việc chính sự nữa.
 
Lúc bấy giờ chồng bà Ngọc Đỉnh (bà Ngọc Đỉnh là con gái trưởng của chúa Nguyễn Phúc Nguyên) là Chưởng Dinh Nguyễn Cửu Kiều đã mạnh dạn vào phủ chúa, khuyên chúa Hiền tỉnh ngộ, và sau đó  có để lại một quyển sách kể về chuyện xưa của Trung Quốc thời Xuân Thu, Việt Vương Câu Tiễn dùng nàng Tây Thi có sắc đẹp mê hoặc vua nước Ngô là Phù Sai. Sau đó Câu Tiễn của nước Việt, đã đánh bại nước Ngô của Phù Sai. Câu chuyện trên từ thời xa xưa của Trung Quốc, nhưng chúa Hiền sau khi đọc xong đã hiểu ra, không chìm đắm trong sắc dục nữa, và chúa Hiền đã đem người đẹp đến cho Nguyễn Cửu Kiều giết chết.
 
Năm Ất Mùi 1655, chúa Hiền sai Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến đem quân ra bắc đánh họ Trịnh. Trong bảy lần chiến tranh Trịnh – Nguyễn phân tranh tính từ năm 1627 đến năm 1672, thì đây chính là lần duy nhất chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã chủ động đem quân tiến đánh ra Đàng Ngoài.
 
Quân của chúa Nguyễn đã đánh ra Bắc, chiếm được Nghệ An, và vùng phía nam của tỉnh Thanh Hóa, quân của chúa Trịnh phải khó khăn lắm mới giữ được từ sông Mã trở ra. Nhưng hai năm sau, quân của chúa Trịnh phản công mạnh mẽ, vì vậy quân của chúa Nguyễn phải rút lui vào Đàng Trong. Trong lần rút lui này, quân của chúa Nguyễn bắt đem theo một số tù binh, và dân thường ở Nghệ An đưa vào Đàng Trong, trong số đó có cụ tổ của vương triều nhà Tây Sơn sau này.
 
Chúa Trịnh lúc bấy giờ là Trịnh Tạc (? – 1682), thấy thắng được quân của chúa Nguyễn, nhân cơ hội đó, vào năm Tân Sửu 1661, chúa Trịnh lại đem quân vào Đàng Trong đánh chúa Nguyễn, nhưng lại bị thất bại, phải rút quân về Bắc. Từ đó hai bên phải lấy sông Gianh làm giới tuyến, từ sông Gianh trở ra Bắc gọi là Đàng Ngoài, và từ sông Gianh trở vào Nam gọi là Đàng Trong.
 
Trong thời gian chúa Hiền cai quản vùng đất ở Đàng Trong, thì ở Trung Quốc, vào năm Giáp Thân 1644, nhà Minh đã bị nhà Thanh lật đổ. Các thế lực chống đối nhà Thanh đã bỏ Trung Quốc xuôi thuyền đến xứ Thuận - Quảng, và họ đã được chúa Hiền cho đất ở, làm ăn buôn bán. Chúa Hiền còn cho họ khai phá mở mang vùng đất Biên Hòa (ngày nay thuộc tỉnh Đồng Nai), và Mỹ Tho (ngày nay thuộc tỉnh Tiền Giang), và các vùng đất kế cận. Từ đó, đất đai của chúa Nguyễn ngày càng được mở rộng vào phía Nam, đó là vào năm Kỷ Mùi 1679, lúc bấy giờ chúa Hiền cũng đã được 60 tuổi.
 
Đến năm Đinh mão 1687, chúa Hiền không được khỏe, liền sai triệu người con thứ là Hoằng Ân vào dặn dò rồi mất, hưởng thọ 68 tuổi. Tổng cộng chúa Hiền ở ngôi chúa được 39 năm. Sau khi mất, chúa Hiền được truy tặng là Hiếu Tông, Hiếu Triết Hoàng đế.
 
Vương Quốc Hoa

Bạn đang đọc bài viết "Vị chúa tài giỏi trong các đời chúa Nguyễn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.