Cách thành phố Quy Nhơn khoảng hơn bốn chục cây số, nằm bên quốc lộ 19 là đất Tây Sơn Hạ. Chính tại nơi đây, ở thôn Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định quê hương của Tam Kiệt Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đồng thời cũng là nơi khởi nguyên của phong trào Tây Sơn có một bảo tàng danh nhân đất Việt nổi tiếng và một điện thời rất linh thiêng đang lưu giữ trong mình biết bao hiện vật và những huyền thoại li kì về nhà Tây Sơn, một vương triều từng trải qua bao thăng trầm của lịch sử với sự truy diệt một cách tàn khốc, dã man của triều đình nhà Nguyễn đã và đang trở thành một điểm đến của rất nhiều người trong và ngoài nước.
Hơn hai trăm năm đã đi qua vương triều Tây Sơn vẫn sống mãi với non sông đất Việt trong sự yêu quí, trân trọng, cảm phục, ngưỡng mộ của người đời. Triều đại ấy đã để lại cho dân tộc những trang sử hào hùng, vẻ vang và cả những bi thương oai oán. Mãi đến tận bây giờ, bên cạnh những điều hiển lộ hẳn còn không ít thứ của vương triều Tây Sơn vẫn là những ẩn số chưa thể tường giải một cách rõ ràng.
Huyền thoại về vùng đất linh thiêng
Bình Định nơi “đất võ trời văn” đã từng vang bóng một thời với thành Đồ Bàn từng là kinh đô huy hoàng của vương quốc Chăm Pa, được làm cách đây trên một ngàn năm. Ngày nay dấu xưa vẫn còn đó, những tháp Chàm phủ bóng rêu phong, mặc cho “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” để lặng lẽ thi gan cùng tuế nguyệt. Đất ấy có vùng Tây Sơn được bao bọc bởi dải Hoành Sơn dài rộng, hiểm trở. Theo các nhà phong thuỷ thì Hoành Sơn là đại địa, một trong “Nhị thập bát cảnh” của đất Bình Định. Xung quanh Hoành Sơn có nhiều ngọn núi cao thấp khác nhau bao bọc bốn phía nhưng không chắn khí. Kỳ thay, nhìn những ngọn núi, trông dáng dấp, hình hài của nó mà người ta đã đặt thành các cái tên rất hay như: núi Bút (Trưng Sơn), núi Nghiên (Nghiên Sơn), núi Ấn (Ấn Sơn), núi Kiếm (Kiếm Sơn), núi Trống (Cổ Sơn), núi Chiếng (Chung Sơn)... Và phía trước mặt còn có ba dãy gò cao, đá mọc giăng kín giống như quân chầu, hổ phục. Nhìn xuống phía dưới có hai phụ lưu của sông Côn uốn lượn (con sông này phát nguyên trên dãy Trường Sơn đổ xuống biển Thị Nại) ngày đêm nước chảy hiền hòa tựa như vòng tay âu yếm của bà mẹ đang ôm choàng lấy cuộc đất Hoành Sơn để cùng với núi gò tạo thành cái thế “long bàn hổ cứ”.
Đứng từ xa ngắm thế đất Hoành Sơn ấy người ta dễ thấy cảnh vừa có núi vừa có sông, sơn thủy hữu tình, tạo vật hòa hợp. Thật đúng là kỳ vĩ, khôi hùng. Tương truyền đất ấy có long huyệt, phát mả đế vương. Theo tài liệu của hai cha con nhà thơ họ Quách (Quách Tấn, Quách Giao) có kể: một người Hoa tới nhà ông Nguyễn Nhạc ở hàng tháng, ngày ngày người này cứ đi tha thẩn khắp nơi vùng đồi núi Tây Sơn Hạ. Ông Nhạc đoán chừng người này đi tìm long huyệt bèn cho người theo dõi. Một hôm, người Hoa này lấy hai cây trúc còn nguyên cành lá đến triền Đông của núi Ngang cắm xuống phía Nam một cây và phía Bắc một cây (cách nhau vài chục thước) rồi bỏ đi. Ông Nhạc ngày đêm xem chừng thì thấy cây trúc phía Bắc rụng lá, khô héo còn cây phía Nam sống tươi tốt như thường. Biết đó là huyệt đất tốt, ông liền nhổ cây chết cắm vào chỗ cây sống và ngược lại. Sau ba tháng mười ngày, ông người Hoa trở lại nơi trồng hai cây trúc thì thấy cả hai cây đều chết và cho rằng chỗ ấy là “giả cuộc” bèn bỏ đi không trở lại nữa. Sau lần ấy ông Nhạc đã đem hài cốt của phụ thân đem chôn vào gốc trúc phía Nam. Cũng có chuyện kể rằng, ông người Hoa cắp tráp và la bàn đi tìm huyệt mả ở vùng đất Tây Sơn. Biết là trong chiếc tráp kia là hài cốt tiền nhân của người Hoa nên ông Nhạc đã tìm cách đánh tráo. Ông Nhạc đã cho làm chiếc tráp y hệt chiếc tráp của ông người Hoa và để hài cốt của phụ thân vào đó rồi chờ thời. Một hôm coi được ngày lành, ông người Hoa mang la bàn đến huyệt mả tìm được ở núi Ngang. Ông vừa đến nơi thì thấy một con cọp từ bụi rậm gầm vang, bước ra. Hoảng sợ, ông người Hoa đã bỏ cả tráp và la bàn để chạy thoát thân. Hồi lâu, không thấy cọp đuổi theo, ông người Hoa quay trở lại, thấy tráp và la bàn vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Ông ta mừng rỡ mang tráp và la bàn đến nơi huyệt mả nhanh chóng chôn cất. Chôn xong, ông người Hoa trở về nước ngay mà không hay biết chiếc tráp ấy đựng hài cốt của ông Nguyễn Phi Phúc, phụ thân của Tam Kiệt Tây Sơn và con cọp kia là con cọp giả do ông Nhạc “mượn oai hùm” đánh lừa ông địa lí người Hoa. Kể từ khi táng được phụ thân vào đúng long huyệt trên núi Ngang thì gia đình Nguyễn Nhạc đã gặp rất nhiều may mắn từ việc mua được bảo kiếm cho tới làm ăn buôn bán, thu phục nhân tài.
Được sự dạy dỗ, khuyên bảo, giúp đỡ của thầy giáo Trương Văn Hiến cùng uy tín của mình với nhân dân trong vùng, Nguyễn Nhạc đã tích lương mộ quân tập luyện đêm ngày chờ cơ nổi dậy. Do không chịu nổi ách chuyên chế của vua chúa nhà Nguyễn nên khi anh em nhà Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa nhân dân ở khắp mọi nơi đã nhất tề ủng hộ. Vùng đất Tây Sơn, đặc biệt là Tây Sơn Thượng Đạo đã trở thành chiến khu của cuộc khởi nghĩa. Từ nơi đây cuộc khởi “nông dân” đã không ngừng lớn mạnh để tỏa xuống các vùng đồng bằng và lan ra cả nước. Sau mười tám năm kể từ khi dựng cờ khởi nghĩa, phong trào Tây Sơn dưới sự chỉ huy của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã đánh đổ các tập đoàn phong kiến thối nát rồi lên ngôi hoàng đế quét sạch năm vạn quân Xiêm và hai mươi chín vạn quân Mãn Thanh về nước, thống nhất sơn hà mở ra một thời đại mới cho đất Việt. Không những thế Quang Trung Hoàng Đế còn cầu hôn công chúa con vua Càn Long và nuôi mộng lấy lại Lưỡng Quảng.
Thế rồi người ta cũng kể rằng, sau khi Mãn Thanh bại trận, ông người Hoa nhớ lại chuyện cũ, bèn trở lại Hoành Sơn tìm hiểu và biết chuyện mình bị lừa mất cuộc đất có huyệt mả đang phát mà huyệt mả đó bây giờ đang táng hài cốt của ông Nguyễn Phi Phúc thân sinh của ba vua Tây Sơn. Để trả thù Nguyễn Nhạc, ông người Hoa đã lập mưu bằng cách bảo Nguyễn Nhạc đào núi lấp mấy nhánh của Sông Côn ở phía Nam và cho đào thêm mấy nhánh ở phía Bắc để dẫn thủy nhập điền cho nhân dân cày cấy. Nguyễn Nhạc tưởng thật nghe lời. Thế rồi nhà Tây Sơn đã bại vong. Những nhánh sông vừa đào xong thì ở Phú Xuân Hoàng đế Quang Trung băng hà, ở miền Nam bị Nguyễn Ánh đánh chiếm và kéo quân ra đánh Quy Nhơn. Lúc này nội bộ nhà Tây Sơn bắt đầu lục đục. Nguyễn Nhạc chống không nổi Nguyễn Ánh đã phải cầu cứu cháu là Nguyễn Quang Toản (con Nguyễn Huệ). Quang Toản (lên ngôi khi mới mười tuổi, bị Thái sư Bùi Khắc Tuyên chuyên quyền thao túng làm bậy, chia rẽ triều thần, quan tướng giết hại lẫn nhau) nhân cơ hội đó cướp thành Quy Nhơn sát nhập vào lãnh thổ của mình. Bởi thế Nguyễn Nhạc tức giận thổ huyết chết. Nhà Tây Sơn suy dần và đến năm 1802 thì chấm dứt, giấc mộng của nhà Tây Sơn (của Nguyễn Huệ) bị dang dở trong sự tiếc nuối của người đời.
Hơn hai trăm năm đã đi qua, thực hư câu chuyện cuộc đất có long huyệt đại cát trên núi Hoành Sơn quả là khó minh giải. Đó chỉ là những truyền thuyết lưu truyền trong tâm thức của người dân Tây Sơn để lý giải về sự tồn vong của một vương triều mà họ có nhiều thiện cảm và không nguôi tiếc nuối. Âu đó cũng là số trời đã định. Với những gì Hoàng đế Quang Trung đã làm và đang chuẩn bị làm lúc sinh thời có thể có nhiều hứa hẹn lớn cho tương lai đất Việt. Nhưng tiếc thay!
Tác giả bên tượng Hoàng đế Quang Trung và thanh bảo kiếm...
... bên giếng nước cổ
Dấu xưa còn một chút này
Tháng bảy năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Phúc Ánh trở về Phú Xuân và tiến hành một cuộc báo thù vô cùng thảm khốc và hèn hạ. Tất cả các võ tướng triều Tây Sơn đều bị tử hình, có những cảnh tử hình mà cổ kim không có, điển hình việc hành hình nữ tướng Bùi Thị Xuân. Nhà Nguyễn đã cho truy sát gia tộc nhà Tây Sơn không từ một ai từ người già cho đến tận hài nhi. Chưa đủ, Nguyễn Phúc Ánh còn cho khai quật mộ vua Thái Đức, mộ vua Quang Trung, đào mồ bới mả gia tộc Tam Kiệt và những người đi theo Tây Sơn. Chính sách “dẫy cỏ thật sạch gốc” của Gia Long không những đối với người mà còn cả với vật ở khắp mọi nơi từ giấy tờ sách vở (sử sách, văn chương, gia phả …) đến cả những môn võ nghệ, trống trận, cờ xúy, đền đài miếu mạo của thời Tây Sơn đều bị phá hủy. Tất cả những tinh hoa của đất nước thời Tây Sơn đều bị nhà Nguyễn tìm đủ mọi cách để tận diệt nhằm xóa bỏ những âm hưởng hào khí một thời. Có thể nói những chính sách mà Nhà Nguyễn đã thi hành trong cuộc trả thù này là có một không trong lịch sử nước Việt.
Nhưng, vượt qua mọi suy nghĩ và hành động chủ quan của nhà Nguyễn “Lòng người Việt Nam yêu nước, nhất là người Bình Định, đâu có dễ quên nhà Tây Sơn”, đặc biệt với người anh hùng áo vải cờ đào bách chiến bách thắng Quang Trung – Nguyễn Huệ. Nghe kể, ngôi từ đường của nhà Tây Sơn ở làng Kiên Mỹ, nay chính là điện thờ và khu Bảo tàng Quang Trung, bị nhà Nguyễn phá hủy. Dân làng này đã bí mật dùng đình làng để thay thế từ đường. Người ta đã rước sắc phong thành hoàng của đình đưa về miếu Vĩnh An và dùng đình để thờ cúng ba vua Tây Sơn. Chính tại đình làng Kiên Mỹ, nhân dân đã xuân kỳ thu tế các vua Tây Sơn. Cùng đó là các ngày giỗ vua, họ phải bí mật làm lễ, chỉ khấn thầm không dám đọc văn. Việc làm này không qua mắt được chính quyền địa phương. Nhưng một mặt sợ thần linh, mặt khác ít nhiều họ cũng thấu hiểu và đồng cảm với dân làng nên đã làm ngơ. Không chỉ có dân làng Kiên Mỹ kính trọng thờ các vua Tây Sơn, mọi tầng lớp từ các sĩ phu và dân trong vùng đều có chung cảm xúc ấy. Mỗi khi qua đình tất cả mọi người đều xuống ngựa, ngả nón, mũ bái vọng vào đình. Chẳng thế ca dao vùng này có câu: “Hàng Đá cữ nước không sâu/ Hàng thuyền lai láng mặc dầu cá đua/ Có đua sông trước thì đua/ Sông sâu mắc miễu thờ vua xin đừng”.
Đặc biệt, chính tại nền ngôi nhà xưa của ông Nguyễn Phi Phúc, nhân dân Bình Định đã khôi phục lại điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt và mở rộng xây dựng bảo tàng Quang Trung trên một diện tích khoảng mười tám hetta. Điện thờ Tây Sơn kiến trúc theo chữ đinh, móng xây đá chẻ, vách xây bằng gạch, góc mái cong hình mũi thuyền, trang trí hoa văn cá hóa rồng. Trên nóc đền đắp “lưỡng long chầu nguyệt” với chân năm móng, vảy đính bằng các loại mảnh sứ và thủy tinh xanh, vàng rất uyển chuyển, sinh động. Phía trên cửa chính có ba chữ “Tây Sơn Điện”, hai bên treo đôi câu đối viết bằng chữ Hán: “Tây khê thảo thụ lưu kỳ tích/ Nam quốc sơn hà ký võ công” (Cây cỏ suối Tây còn giữ gìn chuyện lạ/ Núi sông nước Nam ghi chép chiến công). Đền gồm hai gian tiền điện và hậu điện. Tiền điện đặt án thờ công đồng và tổ tiên dòng họ nhà Tây Sơn. Hậu điện gồm ba gian nhỏ, gian chính giữa đặt án và tượng thờ 3 anh em nhà Tây Sơn: ở giữa là án thờ hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, bên phải là án thờ hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc, bên trái là án thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ; gian bên trái đặt án và tượng thờ các quan văn; gian bên phải đặt án và tượng thờ các quan võ. Phía trước tiền điện có nhà dẫn, hai bên hai hàng cột to trang trí rồng, mây. Trước nhà dẫn có tấm bia đá màu đỏ, ghi tóm tắt nội dung lịch sử đền thờ. Đáng chú ý là ngoài điện thờ, nhân dân còn giữ gìn và bảo vệ được hai di vật của gia đình Tây Sơn. Đó là cây me cổ thụ do ông Nguyễn Phi Phúc, thân phụ của ba anh em nhà Tây Sơn trồng, đến nay có tuổi khoảng 300 năm. Cây me cổ thụ ấy có gốc rất to và chu vi tán khoảng ba mươi mét, cành lá xanh tốt xum xuê, đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp bằng công nhận cây di sản năm 2011. Bên phải điện, cạnh cây me là di tích giếng nước. Giếng nước này cũng là do cụ Nguyễn Phi Phúc cho đào, đường kính giếng 0,9 mét , ghép bằng đá ong, thành cao 0,8 mét. Di tích giếng nước được xây nhà che hình lục giác để bảo vệ. Ngoài giá trị lâu năm, tạo cảnh quan, cây me, giếng nước còn gắn chặt với gia đình nhà Tây Sơn nên có ý nghĩa đặc biệt về văn hóa, lịch sử. Và người ta cũng bảo, cây me ấy tượng trưng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn. Chính tại đất này ba em Tây Sơn đã lần lượt chào đời. Tuổi thơ của ba anh em Tây Sơn gắn liền với giếng nước, gốc me trước sân nhà. Gốc me là nơi ba anh em thường xuyên tập luyện võ nghệ. Khi mệt thì lại chuyển sang ngồi quanh giếng, uống nước và trò chuyện. Sau này, khi khởi nghiệp, cũng tại cây me và giếng nước, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cũng đã tổ chức biết bao nhiêu cuộc luận bàn về chuyện quân cơ, quốc sự với văn thần võ tướng. Sau khi nhà Tây Sơn mất, vua Gia Long đã thẳng tay tận diệt tất cả những gì liên quan đến vương triều Tây Sơn. Nhà Nguyễn thực thi chính sách trả thù tàn bạo, đến cả ngôi nhà do ông Nguyễn Phi Phúc tạo dựng cũng đã bị san thành bình địa. Nhưng chẳng hiểu sao giếng nước và cây me trong vườn nhà vẫn tồn tại mãi cho đến tận ngày nay. Nghe đồn cây me và giếng nước rất linh thiêng. Ai ốm đau gì đến điện Tây Sơn cầu xin và lấy nước giếng uống, lau mặt thì sẽ khỏi bệnh. Bởi thế bây giờ đến thăm đền thờ nhà Tây Sơn mọi người đều cung kính dâng hương rồi ra giếng xin nước, rửa mặt, thậm chí còn đem về cho người thân sử dụng để cầu may.
Cùng trong khuôn viên đó bây giờ nhân dân Bình Định đã dựng lên bảo tàng Quang Trung. Bảo tàng tọa lạc trong khuôn viên rộng một ngàn bốn trăm mét vuông, gồm các hạng mục như: nhà trưng bày, nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhà rông Tây Nguyên... Có thể nói, đây là một trong những bảo tàng danh nhân lớn nhất, thu hút được nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch, học tập vào loại bậc nhất ở khu vực miền Trung. Hiện bảo tàng có trên mười một ngàn sáu trăm tư liệu, hiện vật phục chế về nhà Tây Sơn và phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, gồm cả vật thể và phi vật thể. Với số tư liệu này bảo tàng Quang Trung là nơi lưu giữ khá đầy đủ nhưng di tích hiện vật về phong trào Tây Sơn; có thể tái hiện cho người xem về một phong trào khởi nghĩa của nông dân do ba anh em nhà Tây Sơn chỉ huy với những chiến thắng lẫy lừng, vang dội. Đến bảo tàng Quang Trung, chúng ta thấy được những báu vật như chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên đã từng tham gia phong trào Tây Sơn; các ấn tín, sắc phong, gia phả của văn thần, võ tướng; ấn tín, chuông đồng, súng thần công, tiền đồng Thái Đức, tiền đồng Quang Trung, tiền đồng Cảnh Thịnh và tấm bia mộ tổ của dòng họ Tây Sơn… Những hiện vật này phần nhiều là của nhân dân Bình Định cùng nhiều địa phương khác trong cả nước đã từng cất giấu, lưu giữ và tặng lại cho bảo tàng. Cũng có một số hiện vật, bảo tàng đã được Đại sứ quán các nước trao tặng lại. Đặc biệt, đến bảo tàng Quang Trung chúng ta còn được xem hai di sản phi vật thể rất ấn tượng: Võ thuật và trống trận Quang Trung. Hai di sản này là sản phẩm chính hiệu của nhà Tây Sơn. Ba anh em Tây Sơn chính là những người sáng tạo, phát triển, hoàn thiện võ phái Bình Định, sửa đổi nâng cao các bài quyền, các bài binh khí để huấn luyện cho các tướng sĩ. Tương truyền, Nguyễn Huệ là tác giả của Yến phi quyền, Độc lư thương, Nguyễn Lữ tác giả của độc chiêu Hùng kê quyền. Không ai khác, chính Nguyễn Huệ là người đã đưa nhạc trống vào khích lệ ba quân chiến đấu (nay gọi là trống trận Quang Trung). Đến bảo tàng Quang Trung xem biểu diễn nhạc võ chúng ta sẽ thấy vô cùng thú vị trước những màn diễn nhạc, võ của các chàng trai cô gái Bình Định. Ta sẽ thấy trong nhạc nghe có võ và diễn võ cũng đầy chất nhạc. Những nghệ sĩ, võ sĩ vừa trình diễn nhạc vừa trình diễn võ khó mà phân biệt một cách phân minh đâu là nghệ sĩ đâu là võ sĩ.
Đến thăm bảo tàng Quang Trung, viếng điện Tây Sơn hẳn trong ta sẽ có những cảm xúc vô cùng xúc động. Điều đó cũng phải thôi bởi ta đâu chỉ đi xem, đi ngắm những hiện vật mà ý nghĩa hơn là ta đang đứng trên đúng mảnh đất một thời từng là nơi ở, nơi dựng nghiệp của một vương triều đầy hiển hách. Bây giờ, cũng chính tại chốn này, hàng năm, nhân dân Bình Định ghi nhớ công lao của các anh hùng Tây Sơn nên ngoài xuân thu tế lễ còn tổ chức ngày giỗ nhà Tây Sơn (hiệp kị vào ngày rằm tháng mười một), ngày chiến thắng Đống Đa lịch sử (mùng năm tháng giêng), ngày giỗ vua Quang Trung (hai mươi chín tháng bảy). Trải qua những thăng trầm của lịch sử những giá trị chân chính của phong trào Tây Sơn, của anh em nhà Tây Sơn vẫn được nhân dân ghi nhớ, tôn vinh và sống mãi trong lòng dân tộc. Và điện thờ nhà Tây Sơn này cũng đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lich sử - văn hóa Quốc gia từ năm 1979.
Triều đại Tây Sơn chỉ tồn tại vẻn vẹn ngót một tư thế kỷ (1778 - 1802) nhưng những gì triều đại này đã làm được thì nhân dân vẫn không bao giờ quên. Đã trên hai trăm năm trôi qua, vượt qua sự trả thù tàn bạo của nhà Nguyễn, vượt qua những bao cuộc dâu bể loạn li của đất nước, nhân dân khắp nơi, đặc biệt là người dân vùng Tây Sơn vẫn âm thầm giữ gìn, lưu truyền những di vật, những huyền thoại của triều đại Tây Sơn, của dòng họ Hồ (Nhà Tây Sơn nguyên gốc là họ Hồ ở huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An) với Tam Kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ), nhất là Hoàng đế Quang Trung, người anh hùng áo vải cờ đào. Chỉ thế tôi cũng đủ thấy Tây Sơn Tam Kiệt đã và đang còn sống mãi với non sông đất Việt. Những chiến công hiển hách năm xưa của phong trào Tây Sơn mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, của quê hương Bình Định.