Về phương Nam nghe dân ca Nam Bộ

17/11/2016 16:15

Theo dõi trên

Nói đến Nam Bộ, vùng đất màu mỡ có phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp hữu tình, có tài nguyên giàu có, trù phú. Với những lô cao su thẳng tắp hay rừng đước bạt ngàn, rậm dày như muốn vươn lên che kín cả khoảng trời mênh mông. Phải chăng phong cảnh thiên nhiên của thực tại vốn tràn đầy thơ mộng, nên càng khơi nguồn âm điệu dạt dào cho dân ca Nam Bộ giàu chất trữ tình, đậm màu thi vị...


Chúng tôi ung dung lên thuyền cùng người dân bản địa khua từng nhịp chèo nhặt khoan trên những dòng kênh lăn tăn gợn sóng, dưới những rặng dừa xanh vào một buổi chiều êm đẹp... rồi để có dịp bâng khuâng nghe những câu hò ngân vang trên dòng sông, bến nước.

Hò ơi... Tay cắt tay bao nỡ... ruột cắt ruột sao đành! Một lời thề biển cạn non xanh. Chim kêu dưới suối, vượn hú trên nhành, qua không bỏ bậu ơ ơ... mà sao bậu đành bỏ qua ơ ơ…

Dân ca Nam Bộ được gắn liền với sông nước, với khung cảnh êm ả, phẳng lặng. Với âm hưởng phóng khoáng, tự do, mang ít nhiều nhân tố "tự sự", "vịnh thán", hò thường được dùng để chê trách hay đề cao, ngợi ca một đạo lý tốt đẹp nào đấy như lòng chung thủy sắt son, niềm tin yêu chặt dạ bền lòng...
 

Có thể nói dân ca là thứ tài sản tinh thần quí giá mà dễ truyền miệng, dễ mang theo nhất của các dòng người Việt di cư vào vùng đất Nam Bộ. Những thập niên cuối thế kỷ 20, nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu dân ca Nam Bộ của các nhạc sĩ: Trần Kiết Tường, Quách Vũ, Lư Nhất Vũ… nhà thơ Lê Giang và các nhóm tác giả hội viên Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam, có nhiều công trình nghiên cứu và sáng tác dựa trên nền tảng tục ngữ, ca dao, đồng dao, hò, vè, lý, hát ru, nói thơ…tuy có nhiều dị bản khác nhau, nhưng phần lớn có nguồn gốc xuất xứ từ Bắc Bộ và Trung Bộ.

Thông thường do ý nghĩa của nội dung lời hò giữ vai trò quyết định, nên giai điệu của hò này được tiến hành theo đường nét bình ổn, "lên dần" hoặc "xuống dần", cố tránh những bước nhảy quãng đột xuất, nhằm tạo ra một phong vị êm đềm, nhẹ nhàng như kiểu "ngân nga, tự sự", nặng đi vào chiều sâu lắng hơn là ầm ĩ, huyên náo.

Với chất liệu của âm điệu không cầu kỳ, phức tạp hay vặn vẹo, đã thâm nhập một cách nhanh chóng vào trực giác một lượt với sự chuyển đưa hình tượng trong một nhịp điệu khoan thai, những lời ca mộc mạc, dễ hiểu vào nhận thức… nên ngay từ phút giây đầu nó gợi cho chúng tôi một cách sâu sắc, thâm trầm cái gì rất chân tình của đồng bào Nam Bộ, rất bao la, phóng khoáng như những cánh cò bay dịu dàng trên nền trời xanh thẳm của quê hương Nam Bộ.

Kế bên những điệu hò trữ tình, êm dịu, chúng tôi còn được nghe những điệu lý vui tươi, dí dỏm, mang tính chất lạc quan yêu đời rõ nét với các nhịp điệu phong phú và sinh động.  

Lý con ngựa... ngựa ô (2 lần) 
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen 
Búp sen lá đậm - Dây cương đầm thấm 
Cán roi anh bịt đồng thà…
Lá anh í a đưa nàng... là anh đưa nàng về dinh (2 lần)
 

Lý Nam Bộ toát ra được chất tinh khiết, chân thật, tuy mộc mạc, pha lẫn chút in âm điệu mênh mông của hò, với nhịp điệu sinh động, vui phơi phới đầy tươi mát của các điệu lý. Đặc biệt về mặt kết cấu, lý cũng có những phân biệt câu cú, khúc, đoạn rõ ràng. Sự trình bày phần âm điệu được mạch lạc, có tính nhất quán toàn bộ, và dễ phát hiện, không cầu kỳ, phức tạp, ngổn ngang.

Dân ca là một mảnh đất trù phú, một kho tàng âm điệu vô tận, nơi tập trung của tất cả những nhân tố thể hiện trực tiếp nhất, sinh động nhất tính cách dân tộc của một địa phương hay một dân tộc nào đó. Và nền âm nhạc chuyên nghiệp với tất cả những hình thức phong phú muôn màu muôn vẻ của nó cũng đều bắt nguồn từ di sản dân tộc, từ vốn cổ truyền của thế hệ trước để lại. Vì thế, tìm hiểu được kho tàng quý báu ấy đã là một chuyện không dễ, nhưng cái khó hơn hết, cái quyết định hơn hết là cần phải biết gạn đục, khơi trong, phải biết chọn lọc, lấy ra cái gì "tinh" nhất để phục vụ tốt cho cái hiện tại. Đó là vấn đề rất thiết yếu mà các nhạc sĩ nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, huấn luyện, không riêng cho một địa phương nào, đều nhận thấy trách nhiệm của mình trước nhân dân trong việc xây dựng một nền văn học nghệ thuật tiên tiến có tính chất dân tộc và tính nhân dân sâu sắc.
 
Khương Nha

Bạn đang đọc bài viết "Về phương Nam nghe dân ca Nam Bộ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.