Văn Miếu - Quốc Tử Giám với truyền thống giáo dục, đào tạo nhân tài vùng Tiên Điền, Lai Thạch, Hà Tĩnh

02/11/2024 10:20

Theo dõi trên

Sáng 1/11/2024, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Chi hội văn nghệ dân gian tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học: "Văn miếu - Quốc Tử Giám với giáo dục đào tạo nhân tài vùng Tiên Điền - Lai Thạch (Hà Tĩnh).

a13643646-1730517416.jpg
TS Nguyễn Văn Tú đọc đề dẫn hội thảo

Gần 50 đại biểu là các nhà khoa học, đại biểu các ban ngành Trung ương và địa phương; đại diện các dòng họ vùng Tiên Điền, Lai Thạch của tỉnh Hà Tĩnh đã đến dự Hội thảo. PGS-TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học; TS. Nguyễn Văn Tú Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nhà nghiên cứu văn hóa Phan Thư Hiền, Phó Giám đốc Chi hội văn nghệ dân gian tỉnh Hà Tĩnh đã chủ trì hội thảo. 25 bản tham luận đã được gửi đến hội thảo đều khẳng định những giá trị và sự ảnh hưởng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến với sự giáo dục đào tạo của cả nước nói chung và vùng Tiên Điền, Lai Thạch của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Tú khẳng định: "Trong thời gian gần đây, mặc dù nền giáo dục nước nhà đã thay đổi song vai trò và giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn được đề cao tôn vinh. Nhiều công trình nghiên cứu, tìm hiểu làm rõ vị trí, vai trò Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được triển khai, thực hiện và ngày càng khẳng định rõ tầm quan trọng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong lịch sử đối với nền giáo dục, khoa cử với thành quả đào tạo nhân tài cho đất nước". TS Tú cũng khẳng định: "Tiên Điền - Lai Thạch (Hà Tĩnh) là vùng quê ở xa trung tâm chính trị, văn hóa cách xa kinh đô, nhưng nổi lên là vùng quê hiếu học, khoa bảng đóng góp xuất sắc cho truyền thống giáo dục của Việt Nam cũng như công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước dưới thời quân chủ. Nhiều khảo cứu điền dã, nghiên cứu đã được thực hiện, khẳng định đây là vùng quê văn hiến nhiều nhân tài, vùng đất địa linh nhân kiệt. Các nhà nghiên cứu đã xác định rõ được yếu tố khách quan, chủ quan tạo nên truyền thống đó."

PGS,TS Nguyễn Đức Nhuệ khẳng định: "Sự ra đời và phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng với sự đóng góp của đội ngũ giáo chức - những bậc phu tử "uyên thâm, quảng bác - đạo cao đức trọng" đã giúp cho đội ngũ Nho sĩ mở mang tri thức và rèn đúc nhân cách, trở thành những vị quan "liêm, binh, công, cán" có những cống hiến xuất sắc trong tiến trình lịch sử dân tộc".

TS Nguyễn Thị Hà với tham luận: "Chế độ vai trò của học quan Quốc Tử Giám đối với nền giáo dục khoa cử Nho học qua tìm hiểu về học quan Nguyễn Huy Oánh" đã nêu lên những ảnh hưởng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến với học quan Nguyễn Huy Oánh: "Dù ở cương vị nào, là học quan trường Quốc Tử Giám là người đã xây dựng ngôi trường làng Trường Lưu học hiệu (còn gọi là Phúc Giang thư viện) để tạo điều kiện cho con em trong làng được đi học đều toát lên ở thầy giáo Nguyễn Huy Oánh một nhà nho liêm cần, đầy tâm huyết với nền giáo dục Nho học của vương triều mà ông tôn phò cũng như sự nghiệp giáo dục của quốc gia Đại Việt. Đóng góp quan trọng nhất của Nguyễn Huy Oánh trong sự nghiệp giáo dục chính là đã đóng góp đào tạo được đông đảo đội ngũ trí thức Nho học có trình độ được nhà nước trọng dụng; đồng thời những hoạt động giáo dục của ông trong ngôi trường Phúc Giang thư viện đã góp phần hình thành nên mô hình giáo dục mới, mang tính nhân văn, góp phần thúc đẩy giáo dục Nho học nơi làng xã phát triển mạnh mẽ".

a36547457-1730517477.jpg
GS-VS Nguyễn Huy Mỹ phát biểu tại hội thảo

Trong bài tham luận của GS-VS Nguyễn Huy Mỹ với nhan đề Nguyễn Oánh và dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu với quốc Tử Giám cũng nêu rõ: "Họ Nguyễn Trương Lưu đã tiếp thu văn hóa từ Quốc Tử Giám ở nhiều phương diện, dạy học, tổ chức, giao lưu… xây dựng quê hương thành trung tâm văn hóa lớn ở Việt Nam thời bấy giờ… Quốc Tử Giám, Trường Lưu thực sự là một điểm văn hóa với nhiều đặc biệt nhất của truyền thống hiếu học, trọng văn chương trên mảnh đất này là sự xuất hiện của cơ sở giáo dục dòng họ/cộng đồng khá sớm. Đó là dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX với những Phúc Giang thư viện, Trường Lưu học hiệu…quy mô gần ngang Quốc Tử Giám, có 3 vạn bản sách, học trò gần 30 người đậu tiến sĩ…"

Nhà nghiên cứu Văn hóa Phan Thư Hiền trong tham luận" Bút cầm chi, sĩ Thiên lộc và truyền thống giáo dục, khoa bảng ở Thiên Lộc - Can Lộc xưa và nay" cho rằng: "Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian và lịch sử, kể cả lúc chiến tranh tao loạn, đau thương và đói khổ, các làng khoa bảng và gia đình, dòng họ cũng như bản thân con em Hà Tĩnh chưa bao giờ lãng quên sự học. Với hàng ngàn năm lịch sử với sự sin cơ, lập nghiệp nhiều thế hệ người con Can Lộc đã bồi đắp cho vùng đất này những giá trị văn hóa phong phú và mang những nét đặc sắc độc đáo. Ngọn lửa của tinh thần hiếu học được thắp sáng từ ngàn xưa và giữ gìn cho đến ngày nay. Truyền thống khoa bảng của cha ông đã chảy vào huyết quản của các thế hệ hôm nay, tạo nên những gương mặt mới của giáo dục tỉnh nhà và truyền thống hiếu học ở Hà Tĩnh.

v65474577-1730517534.jpg
Tiết mục văn nghệ của CLB Ví Giặm Hà Tĩnh chào mừng hội thảo

Bàn về các giải pháp để  tiếp tục phát huy việc giáo dục đào tạo cho các thế hệ hôm nay cử nhân Nguyễn Huy Viện nêu một số kiến nghị: "Cần quan tâm khơi dậy niềm tự hào cho con cháu và truyền thống hiếu học, khoa bảng của gia đình, gia tộc, dòng họ. Mỗi bậc làm bố làm mẹ cần khơi dậy tinh thần hiếu học, ý thức tự giác học tập của con cháu và giáo dục cho con cháu nhận thức được rằng học hành là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với vận mệnh con người. Nhà nước cần có chiến lược phát triển giáo dục đào tạo cơ bản, phù hợp với nhu cầu xã hội và xu thế thời đại. Không để nhân lực đã qua đào tạo bị bỏ phí, nhân tài bị bỏ rơi… Không chính trị hóa trong sử dụng những người có trình độ học vấn, nhất là những người có tài".

Trần Anh Tuấn
Bạn đang đọc bài viết "Văn Miếu - Quốc Tử Giám với truyền thống giáo dục, đào tạo nhân tài vùng Tiên Điền, Lai Thạch, Hà Tĩnh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.