Văn Miếu Mao Điền – nơi tôn vinh truyền thống hiếu học

12/10/2017 14:23

Theo dõi trên

Văn miếu Mao Điền (xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), một trong số ít văn miếu còn tồn tại ở Việt Nam là di tích với nét kiến trúc cổ kính, thanh tịnh; là trường thi nổi tiếng trấn Hải Dương xưa đồng thời là biểu tượng, niềm tự hào về tinh thần hiếu học của người xứ Đông.

 
Văn Miếu Mao Điền - Ảnh: internet

Văn Miếu được khởi xây từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Đồng thời với Văn Miếu còn có trường thi của trấn Hải Dương, được xây dựng tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng. Đến thời kỳ Tây Sơn (1788 - 1802) để thuận tiện cho việc quản lý của bản trấn, Văn Miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, về xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, hợp nhất với trường thi hương tại đây và được đặt tên Văn Miếu Mao Điền, với chiết tự Mao Điền theo tiếng Hán lần lượt là “cỏ lau” và “ruộng cấy” do từ xa xưa, Mao Điền, theo văn bia ghi lại là một vùng đất bằng phẳng, có nhiều cỏ lau.

Ngay từ khi mới xây dựng, Văn Miếu đã là một công trình kiến trúc văn hóa bề thế, uy nghi. Phần chính gồm hai toà nhà lớn 7 gian, xây theo kiểu chữ nhị, mái cong vút, chạm trổ hình rồng, phượng, áp sát vào nhau là Bái đường và Hậu cung. Nhà trong thờ Khổng Tử và Mạnh Tử. Nhà ngoài là nơi tụ hội bái lễ của các bậc quan trường học giả. Hai bên là hai dãy nhà giải vũ 5 gian đối diện nhau, do nằm ở hai hướng Đông và Tây nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là nhà Đông vu, Tây vu. Tiếp đến là hai gác chuông xây cất rất hoành tráng. Phía trước là hai hồ nước trong xanh in bóng cây gạo già hàng trăm năm tuổi. Xung quanh là các loại cây cảnh, cây ăn quả.

Xưa kia Hải Dương nằm ở phía Đông kinh thành Thăng Long nên gọi là xứ Đông. Đây là vùng "đất học" vì thế triều Lê đã coi đây là một trong những trung tâm văn hoá giáo dục của cả nước, tiến hành tổ chức nhiều kỳ thi Hội. Hàng năm đến kỳ thi, sĩ tử ở khắp nơi tề tựu về đây dựng lều chõng kín khắp cả khu cánh đồng Tràn phía trước. Trong số các sĩ tử đó có nhiều người Hải Dương đã tham dự và hiển đạt, như danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trong quá trình tồn tại, Văn Miếu Mao Điền từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và cho đất nước.

Tháng 2 âm lịch hàng năm, tỉnh Hải Dương lại mở hội Văn Miếu. Người Hải Dương ở khắp nơi lại tề tựu về dự lễ hội, báo công, dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước.

Để đẩy mạnh “khuyến học, khuyến tài”, UBND tỉnh Hải Dương đã giao cho Sở Giáo dục - Đào tạo kết hợp với Bảo tàng Hải Dương xây dựng nhà truyền thống tại di tích nhằm tôn vinh sự nghiệp Giáo dục & Đào tạo trong thời kỳ đổi mới.

Văn miếu Mao Điền chắc chắn sẽ là địa chỉ du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước về thăm tỉnh Hải Dương.


Minh Trang (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Văn Miếu Mao Điền – nơi tôn vinh truyền thống hiếu học " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.