T.T.Huế: Văn Miếu, Võ Miếu bị lãng quên

21/10/2014 11:39

Theo dõi trên

Được xây dựng dưới thời Vua Gia Long, nhưng hiện nay đã xuống cấp trầm trọng và không còn ai nhớ tới.

Văn Miếu thành sân đá banh!

Ngược dòng Sông Hương lên phía thượng nguồn, cách chùa Thiên Mụ khoảng 1km là đến di tích Văn Miếu và Võ Miếu thường gọi là Văn Thánh - Võ Thánh, thuộc xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Văn Miếu là một biểu tượng độc đáo của nền giáo dục Việt Nam trong giai đoạn vương quyền phong kiến thống trị. Việc lập Văn Miếu và dựng bia tiến sĩ nhằm nhắc lại cụ thể sự tôn trọng việc học, đề cao nhân tài của đất nước và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trong thời kỳ các chúa Nguyễn mở mang khai phá phương Nam, Văn Miếu cũng được thiết lập ở Phú Xuân và được xem như Văn Miếu riêng của Đàng Trong, nhưng không rõ thời điểm xây dựng, chỉ biết địa điểm tại làng Triều Sơn. Đến năm Canh Dần (1770), dưới triều của Định Vương Nguyễn Phúc Khoát, Văn Miếu được dời đến xã Long Hồ. Đến khi nhà Nguyễn gây dựng cơ đồ, Văn Miếu chính thức mới được xây dựng vào năm 1808 dưới triều vua Gia Long, ở địa điểm hiện nay.

Bước chân qua cổng tam quan là thấy được sự xuống cấp trầm trọng, cỏ mọc um tùm, phía bên trái của cánh cổng là sân bóng của các em nhỏ chăn trâu, chăn bò ở đó tạo ra. Khi phóng viên hỏi thì một em nhỏ hồn nhiên trả lời: “Cái này em thấy lâu rồi, không có ai bảo vệ hết cả, nên bọn em làm sân đá banh chơi thôi ”. 

Khi còn nguyên vẹn, nơi đây có gần 20 công trình lớn như: Văn Miếu (điện thờ), Đông vu, Tây vu, Thần trù, Thần khố, Hữu Văn đường, Duỵ Lễ đường, nhà Thổ Công, Đại Thành môn, Văn Miếu môn, Quan Đức môn, Linh Tinh môn, La thành, bến vua ngự...

Tại Văn Miếu, hiện có 2 nhà bia, bia bên phải khắc văn bia của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng) dụ về việc Thái giám không được liệt vào hạng quan lại. Tấm bia bên trái khắc bài văn bia của Hiến Tổ Chương Hoàng đế (vua Thiệu Trị) dụ về việc bà con bên ngoại của Vua không được tham gia chính quyền.

Có hai dãy nhà gồm 32 tấm bia, khắc tên 293 vị tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919). Hiện nay được kèo chống để tránh sụp đổ của công trình tồn tại lâu năm, các tấm bia trên lưng rùa cũng đã phai nhạt chữ, chưa kể đến sự thiếu ý thức của con người, viết, vẽ bậy lên các tấm bia. 

Trong khuôn viên của di tích, hiện nhiều công trình đã bị xóa sổ, trong đó có điện chính là Đại Thành điện, nơi thờ Khổng Tử đã đổ nát hoàn toàn chỉ còn lại nền móng. Hệ thống các cổng chính như Văn Miếu môn, Quan Đức môn và Đại Thành môn cũng đều hư hỏng…

Võ Miếu hoang phế

Ngay sát bên Văn Miếu là Võ Miếu cũng đang trong tình trạng hoang phế, nhiều công trình đã bị xóa sổ hoàn toàn. Vào năm 1835 dưới thời Minh Mạng, theo kiến nghị của Bộ Lễ, triều đình chuẩn y cho xây dựng Võ Miếu nhằm thể hiện sự chú trọng đến giáo dục quân sự và đề cao nghiệp võ.

Võ Miếu được khởi công xây dựng từ tháng 9 năm Ất Mùi (1835) phía bên trái Văn Miếu, trước mặt là sông Hương. Với chu vi khoảng 400m, cấu trúc Võ Miếu cũng không cầu kỳ, gồm một miếu chính theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, phía trước có xây 2 nhà phụ gọi là Tả vu và Hữu vu đối diện nhau. Chung quanh có xây thành bao bọc, phía ngoài thành có nhà Tể sinh - là nơi giết súc vật khi tổ chức cúng tế. 

Năm 1839 (Minh Mạng thứ 20), triều đình cho dựng ba tấm bia Võ Công ở trước sân Võ Miếu. Những tấm bia này ghi tên những danh tướng đã đóng góp nhiều chiến công trong hai triều vua Gia Long và Minh Mạng như: Trương Minh Giảng, Phạm Hữu Tâm, Tạ Quang Cự, Nguyễn Xuân, Phạm Văn Điển... Về sau, còn có hai tấm bia ghi tên những tiến sĩ đỗ trong 3 khoa thi võ dưới thời Tự Đức: 1. khoa Ất Sửu (1865), 2. khoa Mậu Thìn (1868), 3. khoa Kỷ Tỵ (1869). Võ Miếu là nơi thờ các danh tướng Việt Nam như: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Tôn Thất Hội... 

Về hình thức, việc lập Võ Miếu nhằm tạo ra một sự đăng đối so với Văn Miếu. Võ Miếu được triều Nguyễn lập ra cũng để tôn vinh những công thần đã đóng góp nhiều công lao cho triều đại, mục đích động viên những người theo đòi võ nghiệp mong lập được chiến tích để lưu danh muôn thuở.

Hiện trạng của di tích Võ Miếu chỉ còn lại miếu chính là ngôi nhà rường mục nát, có 5 án thờ bên trong, một ngôi nhà khác kế bên hoang phế. Vị trí đặt 5 tấm bia hiện đã không còn nhà bia chỉ trơ lại 5 tấm bia đá phơi nắng mưa.

Ban quản lý di tích Cố Đô Huế cần có biện pháp để khắc phục hai di tích trên. Văn Miếu, Võ Miếu Huế là một di tích lịch sử vô cùng quý giá, đánh dấu thời kỳ hưng thịnh của Nho giáo - thời kỳ vương triều Nguyễn dùng Nho học làm phương tiện trợ giúp đắc lực để thiết lập quyền thống trị trên toàn đất nước. Góp phần đưa 2 di tích đó trở thành điểm tham hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước mỗi lần tới Huế, kết hợp với du lịch tâm linh Chùa Thiên Mụ.

Ngô Sinh
Bạn đang đọc bài viết "T.T.Huế: Văn Miếu, Võ Miếu bị lãng quên" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.