Hàng ngày, đoàn người "lăng ba vi bộ" nhắm hướng đỉnh núi Bà Đen đi nhưng chỉ đến chân núi thì "Tiên Vương" bắt chui vào hốc cây, hang đá ngồi tọa thiền tiếp.
KẾ HOẠCH BAY VỀ TRỜI
Một ngày đầu năm 1935, "Tiên Vương" tuyên bố là các học trò đã luyện xong phần "thoát tục", cơ bản đã thành "tiên".
Một đêm, "Tiên Vương" kêu cha của cụ bà G vào dặn dò một số điều cơ mật. Sáng hôm sau, ông triệu tập các đệ tử đã thành "tiên" cùng những đệ tử đã bị "rớt đường tu" vào Sân Đình làm lễ "khai môn". Trong buổi lễ này, sau khi cử hành 1 số nghi thức, "Tiên Vương" ngồi xếp chân, miệng niệm chú rồi cầm xâu chuỗi hướng về bộ ván gỗ nằm ở sát vách nhà hô lớn: "Bay!". Trước ánh mắt kinh hãi của các đệ tử, bộ ván rục rịch chuyển động rồi nhỏng một đầu lên hơn 1 gang tay. "Tiên Vương" thu hồi ấn quyết rồi phán: "Các đệ tử đã tin vào quyền năng của ta chưa? Từ nay, ai chống lệnh, ta chỉ cần ném xâu chuỗi này vào người thì thân thể biến thành tro bụi, vong hồn bị giam cầm dưới địa ngục đời đời kiếp kiếp.
Mọi người xúm nhau tung hô “Tiên Vương vạn tuế” mà không hay biết rằng có một người đệ tử thân tín nhất của "Tiên Vương" đã âm thầm rời bỏ đạo trong tâm trạng thất vọng ê chề. Người này trở nên trầm cảm, mất niềm tin vào con người, trở về nhà, đóng cửa tuyệt giao. Đó chính là cha của cụ G. Ông bỏ cái đạo "trời ơi" ấy vì… chính ông là người đứng đàng sau bức vách è cổ nâng bộ ván lên để "Tiên Vương" thể hiện phép thuật.
Cuối năm 1936, "Tiên Vương" kéo hết các học trò về núi Cấm (An Giang). Tại đây, "Tiên Vương" sai đệ tử dùng gỗ căm xe đóng 1 con ngựa sơn màu đen (giống loại ngựa bập bênh của trẻ con) rồi làm lễ "xuất tiên". Ông mặc bộ cà sa màu đen ngồi trên con ngựa gỗ ấy, một tay cầm hàng chục chuỗi hạt, một tay cầm một lá cờ màu đen rồi bắt đầu bập bênh. Sau mỗi nhịp bập bênh, con ngựa gỗ nhích được vài cm. Cứ thế, ông cưỡi ngựa gỗ suốt 6 tháng ròng từ núi Cấm về chân núi Bà Đen (Tây Ninh). Hơn 40 đệ tử cũng mặc cà sa đen, đầu cạo trọc, tay lần tràng hạt, miệng đọc kinh Cao Đài, đi thành 2 hàng 2 bên bảo vệ. Khi cưỡi đến chỗ đất mấp mô hoặc lên đò vượt sông thì các đệ tử xúm nhau khiêng ngựa lẫn người qua. Mệt thì thầy trò lăn ra vệ đường ngủ. Đói thì thầy trò bứt rau, cỏ dọc đường bó lại nướng trên lửa rồi ăn.
Cùng thời điểm đó, một nhóm đệ tử còn lại ở Tây Ninh chọn Sân Cu xây cất một đài bay. Đài bay được cất bằng gỗ, cao khoảng 20 mét (có người cho là 40 mét). Dưới chân đài bay, họ lót sẵn một lớp rơm dày khoảng 1 mét.
Hai bên đài bay, họ cất 2 dãy nhà tranh, vách bằng phên tre.
Khi bập bênh ngựa gỗ về đến chân núi Bà Đen, "Tiên Vương" Chín Ruộng được các đệ tử thay nhau cõng từ chân núi về đài bay ở Sân Cu. Từ đó, cứ mỗi chiều, người dân quanh khu vực Sân Cu có dịp xúm đen xúm đỏ để xem thầy trò "Tiên Vương" Chín Ruộng tập luyện bay về trời.
Ban ngày những “tiên ông, tiên bà” đóng cửa ẩn trong 2 dãy nhà để luyện phép. Khi mặt trời sắp khuất, họ kéo nhau lên lên đài bay. Cứ mỗi lần chuẩn bị cho đệ tử bay, "Tiên Vương" Chín Ruộng dặn dò: "Nếu bay được thì bay luôn về trời chớ đừng trở lại trần thế nghen. Khi về tới trời, nhớ tâu với Ngọc Hoàng là ta còn lo việc trọng đại cho toàn thể nhân loại dưới trần gian, từ từ ta sẽ về sau".
Mỗi người được cột 2 ống tre dọc thân người. Hai cánh tay đeo 2 cái cánh có gọng bằng tre, dán giấy trắng, vẽ hình lông chim bên ngoài. "Tiên Vương" Chín Ruông đứng cạnh mép đỉnh đài bay, liên tục đọc thần chú và bắt ấn. Vừa kết thúc 1 câu thần chú dài, "Tiên Vương" hét: "Bay cao lên!". Cùng lúc đó, "Tiên Vương" dùng chân đạp mạnh vào mông người đệ tử đang chuẩn bị "bay".
Bị đạp văng ra khỏi đỉnh đài bay, người đệ tử ra sức vung tay quạt cánh. Dù vậy, vẫn rơi tòm xuống mặt đất. Cứ mỗi đệ tử rơi xuống, "Tiên Vương" lại lẩm bẩm: "Chưa thành chánh quả!".
Ông Tám Bọt kể: "Tôi có thấy ai bay về trời được đâu. Rơi bịch bịch xuống đống rơm. Có người gãy tay, có người gãy chân, may là chưa có ai gãy cổ chết. Cứ mỗi ngày bay là có ít nhất 2 người bị nạn. Bị nạn thì người dân đưa đi nhà thương (bệnh viện) bó bột. Vậy mà khi lành lặn, cũng mò đến gặp Chín Ruộng tập bay tiếp. Họ tập bay suốt nửa năm trời vẫn chưa tìm được chánh quả".
SOÁN CHÁNH ĐIỆN CAO ĐÀI
Bất ngờ, lúc o giờ đêm 14-01- Mậu Dần (âm lịch), tức năm 1938, các tín đồ Cao Đài Tây Ninh phát hoảng khi "Tiên Vương" cùng các đệ tử xuất hiện xông vào chánh điện chiếm các bàn thờ (gồm 7 cái ngai Giáo Tông, Chưởng Pháp và ngai Đầu Sư) rồi leo lên ngồi. Có người chậm chân không chiếm được bàn thờ, chạy ra sân Đại Đồng Xã leo lên tượng đức Phật Thích Ca cưỡi ngựa Càn Trắc ngồi. 2 nữ "tiên cô" tìm tượng Phật Quán Âm xô ngã rồi giành nhau đứng trên đài sen.
Một số khác không chiếm được vị trí nào thì quì phủ phục lạy những người chiếm được bàn thờ tung hô vạn tuế như thời phong kiến.
Tờ mờ sáng, ông Phủ Sữu - Chủ quận Châu Thành nghe tin đã lệnh cho ông Đội Tâm - Chánh đội Cò (chỉ huy cảnh sát) tỉnh Tây Ninh kéo quân đến bao vây hốt gọn về sở Cẩm (mật thám) giam giữ. Pháp cho lính đốt hết đài bay lẫn rơm cháy 3 ngày mới ngớt khói.
Sau đó, không ai còn trông thấy ông "Tiên Vương" nữa. Có lời đồn, Pháp đem ông ra sông dìm nước cho chết rồi thả trôi. Đám đệ tử của ông tự giải tán. Một số cải đạo qui y Cao Đài Chiếu Minh. Một số theo đạo Cao Đài Tây Ninh.
Ông Tám Bọt nhận xét: "Đó là kết quả của những kẻ kinh dị làm tà đạo. Nếu tu hành thuần khiết thì cứ đến Tòa thánh thành tâm cúng bái. Hà cớ chi tranh giành Tòa thánh để tự bêu tiếng xấu trăm năm?"./.