Truy tìm gốc tích chuyện ông Đạo cưỡi ngựa gỗ và những người luyện phép bay về trời (Kỳ I)

08/12/2021 21:23

Theo dõi trên

Chuyện đã xảy ra gần trọn 1 thế kỷ nhưng những bậc cao niên sinh sống ở Tây Ninh vẫn truyền kể cho con cháu nghe về một biến cố có thật xảy ra trong những ngày đạo Cai Đài vừa khai mở.

Khi ấy, có một người tự xưng là "vua tiên" dung nạp đệ tử truyền bí pháp bay về trời. Sau 1 thời gian tu luyện, họ xây tháp rồi tổ chức bay tập thể lên thiên đình sinh sống.

Hiện ở xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu vẫn còn di tích.

01-1638969778.JPG
Một nhân chứng kể về dị giáo "Tiên Thiên Tuyệt Cốc"

SỰ TÍCH SÂN CU

Cách Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh khoảng 2 km về hướng Đông Đông Nam có một địa danh được gọi là Sân Cu. Đó là một gò đất khoảng 5 ha, mọc trồi lên  giữa một vùng đất trũng rộng lớn. Những bô lão địa phương cho biết, ngày xưa vùng bưng (vùng đất trũng) bao quanh Sân Cu ngập ngước quanh năm, chỉ có cỏ năng, cỏ lác mọc hoang vu chứ không đông đúc nhà cửa như bây giờ.

Trước năm 1930, bỗng dưng có một đàn chim cu đất hàng chục ngàn con từ đâu bay về chiếm gò đất cao giữa bưng làm nơi trú ngụ. Ban ngày, chúng tỏa đi các hướng tìm thức ăn, ban đêm về gò đất trú ngụ. Chỉ sau một thời gian ngắn, cây cỏ trên gò đất bị đàn chim cu dẫm chết nát. Đất trơ thành một nền cứng, láng. Do đó, người dân gọi vùng gò đó là Sân Cu.

Đặc biệt trong đàn có một cặp chim cu chúa có lông màu trắng nỗi bật giữa đàn màu xám tro. Những đêm trăng thanh, người ta thấy cặp chim cu chúa đứng giữa xòe cánh như khiêu vũ cho hàng chục ngàn con cu khác làm theo. Khi cặp chim cu chúa xòe cánh bay vòng theo hướng nào thì hàng ngàn con khác cũng bay theo hướng đó. Cả đàn cùng đồng điệu nhịp nhàng khiến cả vùng đất rộng như chuyển mình dậy sóng.

Ông Đỗ Văn Bọt, thường được gọi là Tám Bọt, sinh năm 1932, cư ngụ tại Sân Cu kể: "Hồi 4 -5 tuổi, tôi có theo cha đi xem cu múa vào những đêm trăng. Lúc đàn chim cu mới đến, vài người bắt làm thịt. Sau đó thấy đàn chim ngày càng đông, lại thấy cặp chim cu chúa, người ta cho là có đấng bề trên điều khiển nên sợ, không dám bắt chim cu nữa. Đàn chim trú ngụ ở đó hàng chục năm. Tới năm 1940, đàn chim cu thưa dần rồi mất tích hẳn. Một số người đồn đoán là cặp cu trắng chết nên đàn chim cu bỏ đi".

Một số bậc cao niên khác thì cho rằng, thời điểm đó, chiến tranh Nhật - Pháp đã lan đến Tây Ninh khiến đàn cu hoảng sợ tiếng bom đạn nên rời đi. Những người có niềm tin vào đấng thiêng liêng huyền bí thì cho rằng, đàn chim cu là tín hiệu báo trước một tôn giáo sắp được khai mở tại đây. Khi Tòa thánh Tây Ninh được xây cất, đàn chim cu hoàn thành nhiệm vụ báo tin nên … giải tán. Từ đó xuất hiện một nhóm người tự xưng là giáo phái Tiên Thiên Tuyệt Cốc, cũng có người gọi là Tiên Thiên Tịch Cốc. Giáo phái này không liên quan đến đạo Cao Đài Tiên Thiên bây giờ.

Ông Tám Bọt và một số bậc cao niên cư ngụ tại Sân Cu kể rằng, thuở nhỏ họ có tận mắt chứng kiến một nhóm vài chục người Tiên Thiên Tuyệt Cốc tụ tập họp lại học phép để thành tiên tại trần thế. Đứng đầu là một người tên Nguyễn Ngọc Điền, thường được gọi là ông Chín Điền hoặc Chín Ruộng.

02-1638969867.JPG
Một di tích đàn cúng của "Tiên Thiên Tuyệt Cốc"

GIAI THOẠI VỀ ÔNG TIÊN CHÍN  ĐIỀN

Không ai biết quê quán thật của ông Chín Ruộng ở đâu. Nhiều người kể rằng, vào ngày khai đạo Cao Đài tại chùa Gò Kén (chùa Từ Lâm ở xã Hiệp Thạnh, Hòa Thành, Tây Ninh) vào ngày 19-11-1926, ông Chín Ruộng có tham gia với tư cách là tín đồ Cao Đài.

Đến tháng 10-1931, khi khởi công xây cất Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, ông Chín Ruộng có tham gia trong đội ngũ nhân công hiến dâng công sức (tín đồ Cao Đài Tây Ninh gọi là làm "công quả"). Bỗng dưng, năm 1933, ông Chín Ruộng lôi kéo 1 số nhân công làm "công quả" bỏ việc kéo nhau về một địa điểm dưới chân núi Bà Đen, gọi là Sân Đình (thuộc huyện Dương Minh Châu) lập một tôn giáo mới.

Ông Chín Ruộng tự xưng là "Tiên Vương", tức là vua của các tiên trên trời. Ông đặt tên tôn giáo mới của mình là Tiên Thiên Tuyệt Cốc (Tiên trên trời, không ăn các loại ngũ cốc). Ông cạo đầu, luôn mặc áo cà sa màu đen, một tay cầm xâu chuỗi nặng hơn 1 kg, một tay liên tục xoa bóp không khí (ông cho rằng đó là động tác bắt ấn ban phép lạ). Ông kêu gọi, ai muốn thành tiên tại trần thế đi theo ông làm đệ tử vì ông biết bí pháp để con người tu luyện. Ông thường đem chuyện Thần Khuyển (chó thần) của nhân vật Nhị Lang Thần Dương Tiễn trong truyện tàu ra kể rồi kết luận với các đệ tử: "Con chó còn tu luyện thành tiên được, huống hồ con người".

03-1638969968.JPG
Di tích một số lăng mộ của những người từng theo "Tiên Thiên Tuyệt Cốc"

Một cụ bà 91 tuổi, cư ngụ Ninh Điền, Hòa Thành, Tây Ninh cho biết, cha của cụ là đệ tử thế hệ đầu tiên của ông Chín Ruộng. Lúc đó, ông Chín Ruộng bắt các học trò "tuyệt cốc" (không ăn các loại ngũ cốc). Ông Chín Ruộng giải thích, ăn ngũ cốc khiến cơ thể con người nặng nề không bay lên trời làm tiên được. Khi đói, ông và các học trò chỉ ăn rau luộc, cỏ luộc với muối. Cứ mỗi 5 giờ chiều, ông bắt học trò ngồi thiền suốt đến 5 giờ sáng để hấp thu linh khí từ sương trời. Đến 5 giờ sáng, ông bắt các đệ tử luyện phép "lăng ba vi bộ" (đi trên ngọn cỏ). Các đệ tử đứng xếp thành 1 hàng, mỗi người cách nhau 10 mét, mắt hướng về đỉnh núi Bà Đen. Theo hiệu lệnh của ông, mọi người đồng loạt sải chân đi thật nhanh.

Cụ bà kể tiếp: “Do chỉ ăn rau, cỏ nên ai cũng ốm teo như cây sậy khô. Khi họ đi nhanh, trông như bay trên ngọn cỏ nhưng thật sự là chân họ chạm đất. Thế mà cha tôi và mấy người đó cứ khoe với nhau là họ bay là là trên ngọn cỏ. Lúc ấy, tôi còn nhỏ xíu chưa biết lẽ đời nên thốt: Con thấy chân ai cũng chạm đất mà. Thế là cha tôi phạt tôi quỳ gối vì… ma quỷ nhập nên nói bậy. Khi đi lăng ba vi bộ, người nào tạo ra tiếng chân cũng bị phạt. Vì ăn uống kham khổ, một số người yếu sức, đi được vài cây số đã ngã lăn bất tỉnh. Thế là bị đuổi khỏi đạo. Ông Chín Ruộng giải thích, những người đó nặng nợ thế gian, không có phúc thành tiên. Lúc đầu hàng trăm người theo Tiên Vương sau vài tháng tu luyện chỉ còn vài chục người”.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Truy tìm gốc tích chuyện ông Đạo cưỡi ngựa gỗ và những người luyện phép bay về trời (Kỳ I)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.