Mảng tường có thêm “lối đi lạ” - Ảnh: Tư liệu
Mảng tường lớn cao ngang đầu người của chùa Bổ Đà bỗng dưng bị đập khuyết. Chỗ trống trên mảng tường trông giống một cổng vào. Người ta cũng gắn thêm vào đó những thanh chắn ngang bằng kim loại sáng bóng. Những thanh chắn này được chôn vào tường rồi đắp xi măng. Màu xi măng xanh xám đối chọi hoàn toàn với màu nâu của bức tường đá. Ngay ô cửa này là các túi ni lông đựng rác. Một mảnh tường tật nguyền với sự can thiệp vô lối của con người!
Ngôi chùa được nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1992 có tên đầy đủ là chùa Quán Âm núi Bổ Đà. Dân gian còn lưu truyền câu: “Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích”. Nghĩa là nếu không bái viễn Phật bà ở động Hương Tích thì có thể về Bổ Đà - một trong những trung tâm Phật giáo thuộc thiền phái Trúc Lâm. Chùa Bổ Đà chính là một trong hai trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền này.
Bản thân ngôi chùa cũng có kiến trúc rất đặc biệt. “Chùa Bổ Đà ngày xưa nằm hoang vu, nó vừa là tường vừa là thành. Cái kỹ thuật làm tường đất đặc biệt. Nhưng không chỉ có tường đất, chùa còn nhiều đoạn tường khác được làm qua nhiều đời người tu hành ở đó”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoài Mai nói. “Chùa xưa là trung tâm Phật giáo. Nhà sư ở đó vừa phải tu hành vừa phải chống giặc giã. Chùa cũng ở xa vì người tu hành ngày xưa tìm lẽ phải trong sự tĩnh tu. Ngày xưa ở đó nhà chùa rất nghèo. Thành ra, khi tu bổ chùa cũng làm theo kiểu mỗi ngày thêm một chút. Và chùa mang dấu ấn của nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều đời nhà tu hành. Nó chính là cả biên niên sử về kiến trúc. Chùa cũng chứng minh được Phật giáo đã tồn tại như thế nào. Nó cho thấy chùa hình thành thế nào, dựa vào lao động của các nhà sư ở đó ra sao”, ông Mai phân tích.
Còn theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình: “Đến chùa Bổ Đà rất nên ngắm các bức tường. Kỹ thuật phòng thủ của người xưa được lưu lại ở đó”.
Một cách phá di tích từ từ
Theo luật Di sản, mọi thay đổi về kiến trúc, cảnh quan... tại di tích cấp quốc gia như chùa Bổ Đà này đều phải có thỏa thuận với Cục Di sản. Việc bỏ tường, cắm thêm các thanh kim loại vào tường mà không được sự thỏa thuận với Cục Di sản đều là vi phạm. Bản thân Cục Di sản cũng không thể đồng ý cho việc làm này nếu không có lý do chính đáng về mặt khoa học.
“Về nguyên tắc là không được cài thêm vật liệu mới. Cho dù không phải tường đất thì nó cũng vẫn mang dấu ấn kỹ thuật qua nhiều đời. Miếng inox ở đây quá dở hơi, ẩu tả. Chắc cũng chẳng xin phép gì, tiện thì làm”, nhà nghiên cứu Bùi Hoài Mai nói.
Về “ô cửa” mới này của chùa Bổ Đà, một nhà nghiên cứu than thở: “Chùa còn giữ được nhiều nét rất cổ kính. Phong cảnh hữu tình. Rất đáng đi thăm... Vài chi tiết mới cắm vào làm mất vẻ cổ kính ấy. Lại còn khoét tường cổ để tạo lối đổ rác. Một cách phá từ từ di tích lịch sử cấp quốc gia. Quá đau xót!”.
Đúng như nhà nghiên cứu này nói, việc đục tường cắm thanh chắn kim loại có thể có công dụng nào đó. Tuy nhiên, với di tích cấp quốc gia, điều này chắc chắn không được phép. Thêm vào đó, những việc tưởng chừng rất nhỏ chỉ là bắt đầu của những sai phạm lớn hơn. Trên thực tế, không chỉ các thanh inox được đưa vào di tích, trong sân chùa đã có những cây đèn đá không phải kiểu Việt xuất hiện. Nếu không dừng lại kịp thời, chưa biết ngôi chùa này trong tương lai sẽ có thêm điều gì lạ mới.
Theo Di Sản Xanh/TNO