Trầu cau, nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam

07/10/2017 07:41

Theo dõi trên

Không biết tự bao giờ, trầu cau đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Miếng trầu chứa đựng nhiều tình cảm, nhiều ý nghĩa thiêng liêng gắn bó thân thiết trong tâm hồn của mỗi con người.


Ăn trầu là phong tục cổ truyền và phổ biến trong dân gian suốt hàng ngàn năm lịch sử. Từ xa xưa, dù giàu hay nghèo ai cũng có thể có miếng trầu thắm têm vôi nồng cùng với cau bổ sáu bổ tư quyện vào rễ vỏ chay đỏ ối luôn là sự bắt đầu, sự khơi mở tình cảm…Có thể nói miếng trầu đã đi vào bữa ăn, giấc ngủ như một lẽ tự nhiên của người Việt cổ đã từ lâu lắm rồi.  Theo chiều dài lịch sử, Trầu cau trở thành hình tượng của văn học dân gian qua “Sự tích trầu cau” - Một câu chuyện tình bi ai mà thắm đượm nghĩa tình. Sự kết hợp chặt chẽ giữa hai yếu tố hiện thực và huyễn hoặc một cách khéo léo của ông cha ta đã khiến một câu chuyện truyền khẩu thành một truyện cổ tích hấp dẫn hàm chứa nhiều ý nghĩa: Tình cảm vợ chồng, anh em keo sơn gắn bó. Đạo thầy trò cung kính, lễ nghi. Từ đó miếng trầu đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt qua những câu tục ngữ, ca dao đậm đà bản sắc dân tộc. Tục lệ ăn trầu trở thành phổ biến trên khắp các làng quê. Trầu cau dùng để tiếp khách hàng ngày như bát nước chè xanh, như điếu thuốc lào…Trầu có mặt trong mỗi cuộc vui buồn, trên cánh đồng bãi thân quen, bên câu chuyện của tình làng nghĩa xóm. Và bởi vì “Miếng trầu là đầu câu chuyện” nên nhà ai cũng có một khay trầu têm sẵn, để mời nhau thay cho lời chào hỏi và thể hiện lòng mến khách, nề nếp gia phong. Trên khắp xứ sở làng quê, thoảng đâu đó nơi thôn dã bóng hàng cau phía trước nhà bên bể nước mưa và giàn trầu xanh mướt luôn là hình ảnh tươi đẹp, thanh bình. Miếng trầu vừa dân dã, đơn sơ nhưng cũng rất thiêng liêng trong các buổi lễ tế thần, lễ tế gia tiên. Trên bàn thờ nhà ai cũng có khay trầu, chai rượu thể hiện tấm lòng thành kính. Trầu cau hiện hữu trong mọi lúc mọi nơi của đời sống hàng ngày nên cũng là sản vật để kính dâng tiên tổ. Đó là truyền thống, là đạo lý ngàn đời của dân tộc.

Nét tài hoa của người Việt còn thể hiện trong việc têm miếng trầu. Người xưa mời nhau, nhìn miếng trầu được têm là hiểu rõ tình cảm của người mời trầu và đánh giá được sự khéo tay, nết na thùy mị hay không. Chẳng thế mà nhà ai có con gái đến tuổi kén chồng, cha mẹ thường răn dạy rất chỉn chu từ lời ăn tiếng nói cho đến phép tắc gia phong trong đó có cả cách têm một miếng trầu. Têm trầu là cả một nghệ thuật, nhất là trong lễ cưới hỏi, hội làng…Nam thanh nữ tú ngày xưa đều biết têm trầu và coi đó là một công việc tối thiểu như nấu cơm hay cấy lúa. Miếng trầu không chỉ gói gọn trong đó tình cảm nồng thắm mà còn thể hiện nết khéo tay hay mắt của người têm. Chỉ là một miếng trầu thôi, nhưng trong dân gian đã tinh tế sáng tạo ra nhiều kiểu dáng như trầu cánh phượng, trầu cánh quế…Tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà miếng trầu được têm theo những cách khác nhau và ý nghĩa tượng trưng cũng thật rõ ràng.  Trầu cau vừa thiêng liêng nhưng cũng vừa gần gũi. Người xưa đã mời nhau miếng trầu là thể hiện tình cảm chân thành. Với người lạ, miếng trầu là để làm quen. Với người cũ, là để tri âm tri kỷ.  Gặp nhau ăn một miếng trầu để rồi say trầu và cả say tình, say nghĩa. Hai họ đã nhận trầu của nhau, tuy chưa thành hôn lễ nhưng có giá trị như một lời nguyện ước sắt son mà không bao giờ thay đổi. Đối với các nam thanh nữ tú thì miếng trầu là nguyên cớ để bắt đầu một tình yêu. Miếng trầu luôn có ở trong tay nải của các chàng trai, hay trong dải yếm đào của các cô thôn nữ. Miếng trầu làm ấm lòng trong những ngày đông giá lạnh. Miếng trầu làm hồng đôi má vì nỗi niềm e thẹn trong câu hát trao duyên. Đẹp biết bao hình ảnh của cáo  chàng trai áo chùng khăn đống, của các cô nàng khăn nhung mỏ quạ, áo tứ thân mớ bảy mớ ba với khay trầu loan, trầu phượng. Tình yêu đôi lứa của người xưa tuy mộc mạc nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Nào những trầu dải yếm dải khăn đến trầu loan trầu phượng, trầu tôi trầu mình là những trầu tính trầu tình, trầu nhân trầu ngãi…để rồi thành trầu mình trầu ta, trầu nên vợ nên chồng. Miếng trầu nồng thắm luôn có mặt trong hôn lễ là sự khơi gợi, nhắc nhở mọi người hướng về một tình yêu sắt son, chung thủy. Một cuộc sống vợ chồng gắn bó yêu thương và luôn lấy nghĩa tình làm trọng.
 
Trầu cau đã đi vào tiềm thức hàng ngàn đời của dân tộc Việt nam. Trầu cau có mặt ở khắp mọi nơi và chứa đựng biết bao cảm xúc. Trong kho tàng ca dao tục ngữ của ông cha ta, hình ảnh trầu cau luôn gắn với tình yêu đôi lứa, với lễ tơ hồng. Trầu cau đã đi vào giấc ngủ tuổi thơ với lời ru của bà, của mẹ. Trầu cau là cảm hứng sáng tác của biết bao người nghệ sỹ với những tác phẩm thấm đẫm hồn cốt dân tộc.

Ngày nay tuy miếng trầu quả cau vẫn là một phong tục đẹp trong lễ vật cầu hôn, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống nhưng không còn mấy ai ăn trầu nữa. Hàng cau, vườn trầu xanh mát đã dần vắng bóng trong mỗi làng quê. Tục mời trầu cũng trở lên xa lạ. Phảng phất quanh đâu đó chỉ còn những lời ru man mác thưở nào.
 
Phạm Văn Đảng

Bạn đang đọc bài viết "Trầu cau, nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.