Trăn trở duy trì phát huy trò rối nước làng Đào Thuc ở Đông Anh (Hà Nội)

26/08/2017 14:52

Theo dõi trên

Sáng Thu Đinh Dậu, trời lất phất mưa do ảnh hưởng của con bão số 6, chúng tôi ghé thăm làng múa rối Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Đào Thục cách trung tâm Hà Nội hơn 20 Km về phía Bắc, chúng tôi đi ô tô chỉ 30 phút là đến nhà thủy đình biểu diễn trò rối nước của làng này.

 
Thủy đình múa rối nước làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, Huyện Đông Anh, Hà Nội.

Rối nước Đào Thục đã có gần 300 năm nay

Trưởng phường rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị đon đả giới thiệu: Đào Thục  được biết đến là một làng quê Việt yên ả, giàu truyền thống văn hóa vùng Bắc Bộ. Từ lâu, nơi đây có trò rối nước nổi tiếng vang xa cả nước. Phường múa rối nước làng Đào Thục được biết đến là nơi gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền, môn nghệ thuật dân gian rối nước, đã có gần 300 năm nay.   
 
Theo văn bia ghi tiểu sử về ông tổ truyền nghề múa rối nước cho làng Đào Thục là ông Đào Đăng Khiêm, làm quan tam phẩm thời Vua Lê Hy Tông, quê ở Đào Xá, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, nay là Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông mất năm Nhâm Tý (1732). Khi làm quan "nội giám" trong triều, ông đã tiếp thu được nghệ thuật rối nước của các phường rối biểu diễn phục vụ triều đình. Thời Vua Lê Ý Tông (1735 - 1740), dân làng Đào Thục khắc bia đá ghi nhớ công lao ông tổ nghề rối nước Đào Đăng Khiêm và được triều đình chấp thuận là Hầu thần.  
 
Trở về làng, ông thành lập một phường (là nơi tập hợp những người cùng nghề thành phường, đoàn, hội) và trực tiếp dạy cho những người trong làng nghệ thuật biểu diễn múa rối nước. Hàng năm, vào ngày 24-2 âm lịch (ngày mất của ông), dân làng làm lễ dâng hương tưởng nhớ công đức của ông tổ nghề. 
 
 
Biểu diễn rối nước trước thủy đình làng Đào Thục.
 
Hiện nay, phường rối nước Đào Thục có 54 nghệ nhân. Họ là diễn viên điều khiển con rối, nhạc công chơi đàn, sáo, nhị, trống, thanh la, tù và... cùng các ca sĩ. Các ca sĩ hát được các làn điệu Chèo, Tuồng, dân ca, hát văn, hát xẩm... đều là người làng Đào Thục, trong đó có sự tham gia của 10 nghệ nhân cao tuổi.
 
Phường múa rối nước làng Đào Thục khi diễn có thủy đình-nhờ nước để con rối hoạt động, nhờ nước giấu đi bộ máy và cách điều khiển, đây là sáng tạo tuyệt vời của nghệ sĩ dân gian. Nước làm cho con rối sinh động, làm cho chúng tươi tắn. 
 
Khác với múa rối nước ở những nơi khác, rối nước Đào Thục có những đặc trưng riêng. Đầu tiên là các nhân vật rối. Chú Tễu - linh hồn trong các tiết mục rối nước được người dân Đào Thục gọi là “Ba Khí giáo trò”. Ba Khí tức là không khí của ba miền - nó  phản ánh nét văn hóa đặc sắc của 3 miền chứ không chỉ riêng miền Bắc. Nếu như chú Tễu thường xuất hiện đầu tiên trong các vở rối ở Trung ương hay Thăng Long, thì ở Đào Thục không có màn chào hỏi trên mà khai màn bằng tiết mục “đốt pháo bật cờ”. Một điểm khác nữa là rối nước Đào Thục đi theo các trò, tích trò thay vì dàn dựng thành các vở rối. Mỗi trò kéo dài khoảng 5-10 phút, trò này gối lên trò kia, không có giới thiệu xen nhau. Bản sắc dân gian thể hiện rõ nhất ở đây,  đến tận bây giờ, phường múa rối nước Đào Thục vẫn còn giữ gìn những tiết mục từ xa xưa truyền lại. 
 
 
PV Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam (bên trái) cùng Trưởng phường rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị chụp ảnh kỷ niệm trước thủy đình làng Đào Thục. Ảnh: Tiến Dũng
 
Với hơn 20 tích trò nổi tiếng, là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá..., các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa..., hay là diễn lại những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc như Thạch Sanh đánh Trăn Tinh... "Bá khí giáo trò", “Lên võng xuống nước", "Trâu chui ống", "Phùng Hưng đánh hổ", "Dệt cửi"... Trong đó, các tích "Lên võng xuống ngựa", "Phùng Hưng đánh hổ" mỗi tuần có 2 đến 3 show diễn phục vụ khách du lịch. Từ con rối vô tri vô giác; bằng tài năng và nhiệt huyết, các nghệ nhân phường rối Đào Thục thổi vào đó thành những nhân vật sinh động có hồn, rất đáng yêu...
 
Các nghệ nhân Đào Thục hôm nay đã sáng tác thêm các tiết mục mới ca ngợi quê hương, đất nước như: "Tặng hoa ngày hội", "Rước ảnh Bác Hồ", "Hà Nội 12 ngày đêm"... Vào Ngày hội các văn hóa dân tộc năm 1989, phườngrối nước Đào Thục đã đoạt huy chương vàng toàn đoàn. Tháng 8-1994 - tham gia liên hoan múa rối nước toàn quốc lần thứ nhất - phường rối nước Đào Thục lại giành huy chương bạc và giải thưởng cho những tích trò đặc sắc.
 
Những năm gần đây, phường rối nước mang tên chính thức là Đoàn múa rối nước Đào Thục Hà Nội, đã đi biểu diễn tại các nước: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và hiện trở thành một sản phẩm du lịch mới lạ dành cho du khách nước ngoài trong tour khám phá văn hóa vùng Đồng bằng Bắc bộ.
 
Mỗi tháng, các công ty du lịch Hà Nội lại mang tới cho Đoàn múa rối nước Đào Thục hai đợt khách-khán giả. Mỗi đợt khách chừng trên dưới 40 khán giả thuộc các nước : Italy, Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nhật Bản.
 
Nỗi lo duy trì rối nước – nét văn hóa truyền thống
 
Tuy nhiên, cùng với sự hội nhập và phát triển, làng nghề rối nước Đào Thục cũng dần mai một.
 
Theo Trưởng phường rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị: Các nghệ nhân phường rối xưa kia có một nguyên tắc bất di bất dịch là phải giữ bí quyết nghề, bởi thế, không được truyền cho ai, chỉ những con trai hoặc con dâu mới được học nghề. Đến nay, mọi việc đã đổi khác. Những nghệ nhân lớn tuổi đã chú tâm đào tạo lớp trẻ kế nghiệp. Tuy nhiên, rối nước không đủ để nuôi sống các gia đình. Không biểu diễn bán vé thường xuyên, không lấy lợi nhuận làm mục đích, nên nhiều người chỉ coi rối là nghề tay trái, còn lại đa phần người dân Đào Thục chuyển sang làm mộc, hay duy trì nghề nông, đi kiếm việc làm ở các khu công nghiệp.
 
Hơn thế, rối nước Đào Thục là loại hình múa rối dân gian, chỉ biểu diễn trong các ngày hội, hay một số dịp đặc biệt phục vụ khách du lịch chứ không thường xuyên, liên tục nên chẳng ai mặn mà với rối. 
 
Cũng theo ông Nguyễn Thế Nghị: Diễn viên những hôm biểu diễn phục vụ khách du lịch thì có thu phí, được bồi dưỡng 70.000đ, còn biểu diễn phục vụ dân làng những ngày lễ, tết không thu phí nên không có bồi dưỡng. Rối nước là nghề vất vả, biểu diễn nhiều giờ dưới nước mà không có thù lao bồi dưỡng. Nếu diễn viên không yêu nghề thì rất dễ chán nản, bỏ nghề.
 
Phường rối nước Đào Thục hiện đã có tiểu thủy đình di động đường kính 8 m, chứa 20 m3 nước, nhận biểu diễn lưu động trong phạm vi 30 Km với giá 7 triệu đồng một show diễn. Nếu biểu diễn nơi xa hơn thì đơn vị thuê diễn lo vận chuyển đạo cụ, hậu cần cho các diễn viên. Việc đi biểu diễn thu phí cũng chưa được thường xuyên. Kinh phí từ biểu diễn phục vụ khách nước ngoài, từ những lần đi lưu diễn… chưa bù đắp được kinh phí xây dựng vở rối, sửa chữa những con rối khi hỏng hóc…
 

Cựu chiến binh, Đại tá  Anh hùng quân đội Đinh Thế Văn (đứng giữa tại tư gia) năm nay 80 tuổi, hiện là một trong những nghệ nhân lớn tuổi của làng Đào Thuc còn duy trì nghề rối. Còn lớp trẻ, những người kiên trì theo đuổi nghề thì rất ít. Đây thực sự là thách thức đặt ra với người muốn phục hưng nghề rối nước. Ông Đinh Thế Văn bày tỏ: Với Đào Thục, nghề múa rối nước thực ra như một  “thú chơi tài tử”, là món ăn tinh thần trong lúc nông nhàn, chứ không thể trông chờ “ăn nên làm ra” từ nó. Bởi vậy, để rối nước sống được thì phải “lấy nó nuôi nó” vì nếu mất nghề rối nước, thì coi như mất bản sắc văn hóa Đào Thục. Những người còn tâm huyết với rối nước, còn yêu nghề truyền thống thì hãy nghĩ đến quê hương, bản quán mà góp công sức để duy trì, làm cho nghề rối nước phát triển.
 
Thiết nghĩ cấp có thẩm quyền ở Đông Anh và TP Hà Nội cần có chính sách để bảo tồn, phát huy trò múa rối nước làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, góp phần gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền, môn nghệ thuật dân gian độc đáo mang đậm tâm hồn Việt, đã có gần 300 năm nay, để trở thành điểm thu hút khách du lịch.
 
Xuân Bân - Tiến Dũng

Bạn đang đọc bài viết "Trăn trở duy trì phát huy trò rối nước làng Đào Thuc ở Đông Anh (Hà Nội)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.