Trần Nhật Duật (1255-1330). Ảnh: baotanglichsu.vn
Trần Nhật Duật sinh năm Ất Mão (1255), ông là con trai thứ 6 của vua Trần Thái Tông (1218 – 1277), tước Chiêu Văn Vương. Sử cũ chép rằng khi Trần Nhật Duật được sinh ra trên tay đã có mấy chữ: “Chiêu Văn Đồng Tử”, nên đến năm ông 13 tuổi, ông được phong là Chiêu Văn Vương.
Năm 20 tuổi, Chiêu Văn Vương được phụ hoàng Trần Thái Tông cử lên giữ đạo Đà Giang, ông sống ở đó và rất am hiểu các phong tục của người dân bản xứ. Năm Canh Thìn 1280, ở đạo Đà Giang có một tù trưởng tên là Trịnh Giác Mật thấy Chiêu Văn Vương còn quá trẻ nên không phục, liền liên kết với các tù trưởng khác dấy binh chống đối, cuộc nổi loạn lan ra rất nhanh khắp cả vùng Đà Giang.
Chiêu Văn Vương trực tiếp đem quân đi đánh dẹp cuộc nổi loạn của Trịnh Giác Mật, qua vài lần giáp chiến, Trịnh Giác Mật biết gặp phải một tướng tài không thể thắng được, mà còn có nguy cơ bị đánh bại. Nhưng trong lòng Trịnh Giác Mật vẫn chưa phục, nên y đã cử người tâm phúc đến nói với Chiêu Văn Vương rằng: Mật không dám trái mệnh triều đình, nếu ân chúa đi ngựa một mình đến doanh trại thì Mật sẽ hàng, còn nếu đem binh mã đến thì Mật chỉ còn một con đường chết mà thôi”.
Chiêu Văn Vương đồng ý, và chỉ đem theo 6 tiểu đồng cùng đến doanh trại của Trịnh Giác Mật. Sau khi tiếp xúc với Chiêu Văn Vương, Trịnh Giác Mật thấy Chiêu Văn Vương dũng cảm lại thông thạo ngôn ngữ các sắc tộc ít người, đem lòng cảm phục, chịu quy hàng triều đình. Cuộc dẹp loạn của Chiêu Văn Vương đã không gây tổn thất về người và của cho hai bên, mà còn giữ yên được lòng người trong cõi.
Năm Ất Dậu 1285, quân nhà Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai, Chiêu Văn Vương đã chỉ huy rất nhiều trận đánh lớn và thu được nhiều thắng lợi, đặc biệt là trong trận thắng lớn ở Hàm Tử (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ngày nay) danh tiếng của ông càng lẫy lừng.
Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thắng lợi, Chiêu Văn Vương đã được giữ nhiều chức vụ quan trong trong triều đình nhà Trần, tính ra ông đã làm quan to trải qua 4 đời vua nhà Trần là Trần Thánh Tông (1240 – 1290), Trần Nhân Tông (1258 – 1308), Trần Anh Tông (1276 – 1320), và Trần Minh Tông (1300 -1357).
Cuộc đời của Chiêu Văn Vương, lúc chinh chiến cũng như khi thanh bình bao giờ cũng khoan thai, đỉnh đạc, hào hoa phong nhã. Vào triều ông là Tể tướng, về thái ấp ông là bậc nghiêm cẩn mà nhân từ, phong lưu mà vẫn liêm khiết, phong tục và giáo hóa của một vùng nhờ có ông mà thêm phần tốt đẹp.
Chiêu Văn Vương còn thường xuyên giao du với người nước ngoài, thời bấy giờ kinh thành có một làng gọi là làng Ba Già, dân cư làng này toàn là người Chiêm Thành, những lúc rãnh rỗi, ông thường cưỡi voi đến đây chơi với các già làng, có khi tới vài ngày mới về. Cũng có khi ông đến chùa Tường Phù, để trò chuyện với các nhà sư.
Năm Nhâm Dần 1302, Chiêu Văn Vương được phong làm Thái úy Quốc công, rồi phong làm Tả thánh Thái sư. Đến năm Kỷ Tỵ 1329, ông lại được phong làm Đại Vương. Vào năm Tân Mùi 1331, Chiêu Văn Vương mất, hưởng thọ 76 tuổi.
Nhìn chung, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật giỏi về chính trị, quân sự, lại thông thạo các ngôn ngữ của các dân tộc ít người, và ông còn là nhà sáng tác âm nhạc nổi tiếng cung đình và là một văn sỹ có tiếng thời nhà Trần.
Vương Quốc Hoa