Tống Huy Tông, vị vua mất nước thời Bắc Tống

08/11/2017 14:46

Theo dõi trên

Vương triều nhà Tống được hình thành từ năm 960, đến năm 1279 mới bị diệt vong, và trải qua hai thời kỳ gọi là Bắc Tống và Nam Tống. Cũng như các triều đại khác, triệu đại nhà Tống có những ông vua có thể liệt vào hàng “hôn quân bạo chúa”, những ông vua có những sở thích kỳ quái, khiến cho nước mất nhà tan, như trường hợp của vua Tống Huy Thông nhà Bắc Tống là một ví dụ.


Tống Huy Thông tên là Triệu Cát, sinh năm Nhâm Ngọ 1082 và mất năm Ất Hợi 1135. Triệu Cát là con thứ 11 của vua Tống Thần Tông (1048-1085). Triệu Cát là người có cá tính đặc biệt, cầm kỳ, thi họa, thứ gì cũng giỏi, nhưng ông lại chìm đắm trong hoan lạc, hưởng thụ chẳng còn biết trời đất là gì. Năm 1100, vua Tông Triết Tông (1077-1100) qua đời nhưng không có con trai nối dõi, và để tìm người kế vị, các quan đại thần buộc phải chọn trong đám con cháu của vua Tống Thần Tông. Lúc đó, Hoàng thái hậu đang buông rèm nhiếp chính, sẵn có lòng quý mến Triệu Cát nên một mực kiên trì chọn Triệu Cát lên nối ngôi. Vì vậy, Triệu Cát được lên làm vua, thường được gọi là Tống Huy Tông.

Trong việc trị nước, Tống Huy Tông đả kích những quần thần trung thực và dũng khí, cho thu thêm thuế gấp bội. Ông công khai tước đoạt ruộng đất của nhân dân, cho bán quan mua tước để lấy tiền. Bọn quan lại, địa chủ được Tống Huy Tông dung túng, ra sức vơ vét của dân, khiến cho nhân dân trăm họ rơi vào cảnh lầm than, kinh tế chính trị-xã hội thời Bắc Tống đã gần bên vực thẳm.

Ngay từ khi còn nhỏ, Tống Huy Tông đã ham chơi suốt ngày, đến khi lên ngôi Hoàng đế ông lại càng ham chơi hơn, và trò chơi của vị vua này cũng thật ly kỳ quái dị, gọi là “hoa thạch cương”. Tống Huy Tông cho người đi khắp nơi sưu tập nhiều thứ gọi là “kỳ hoa dị thạch”. Ngoài ra, ông còn chế tạo, sưu tầm nhiều thứ trò chơi quý hiếm cũng gây tốn kém không biết bao nhiêu nhân vật lực của nhân dân, do đó ở nhiều nơi nhân dân đã nổi dậy khởi nghĩa. Trong thời gian nghĩa quân nổi dậy, Tống Huy Tông từng hạ lệnh việc bãi bỏ việc sưu tập “hoa thạch cương” nhưng đến khi dẹp được quân khởi nghĩa thì Tống Huy Tông lại quay trở lại với ý thích quái đản của mình và ra lệnh khôi phục “hoa thạch cương”. Không chỉ ham chơi, Tống Huy Tông còn là người rất mê tín, vị Hoàng đế này cho rằng trên trời dưới đất có vô vàn thứ thần tiên quái thánh, và bản thân Tống Huy Tông rất tin thời Đạo giáo, tự phong mình là “Đạo quân Hoàng đế”. Vị Hoàng đế này rất thích được người khác suy tôn là “Đạo quân” hay “Đạo quân Hoàng đế”. Tống Huy Tông muốn mình là chủ của một nước, đồng thời muốn uy quyền phải được rải khắp gầm trời.

Vấn đề ăn mặc của Hoàng đế này cũng thật nực cười, nửa người nửa tiên, đi đâu cũng có hàng trăm người là đạo sĩ “tiền hô hậu ủng”. Vị vua này còn nói đã tận mắt nhìn thấy những lâu đài điện các ở trong mây hay có nhiều đạo lưu đồng tử nét mặt ngời ngời, tay cầm tờ xí phù hiệu thấp thoáng trong mây…

Bên cạnh việc điều hành triều chính với sự ủng hộ cho những người theo phái cải cách, vị vua này còn là một thủ lĩnh văn hóa với việc dành nhiều thời gian ca tụng nghệ thuật. Ông cũng là người sưu tầm hội họa, thư pháp và đồ cổ từ các thời đại trước đó ở Trung Quốc, cho xây dựng các bộ sưu tập lớn cho niềm đam mê của mình. Ông cũng tự sáng tác những bài thơ cho mình, được biết đến như là một họa sĩ luôn khao khát và cống hiến, ông đã tạo ra kiểu thư pháp riêng cho mình, quan tâm tới kiến trúc và thiết kế vườn, thậm chí còn viết viết chuyên luận về y học và Đạo giáo. Ông cho tập hợp một nhóm tùy tùng gồm các họa sĩ, nhà thư pháp cung đình trong hàn lâm, thư họa viện, trước đó đã được kiểm tra trong các kỳ thi để làm quan tại triều và thực hiện cải cách đối với âm nhạc cung đình. Giống như những người có học thức khác ở thời đại của ông, thì ông là nhân vật rất đa năng. Tuy nhiên, thời gian trị vì của ông lại không được lâu dài bởi các quyết định thiếu chính xác trong chính sách đối ngoại, và sự kết thúc thời kỳ trị vì của ông cũng đánh dấu một thời kỳ đầy thảm họa cho nhà Tống. Ông đã trọng dụng Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu những người có thể được coi là đã góp phần lớn làm nhà Bắc Tống sụp đổ.

Tống Huy Tông cũng là một nghệ sĩ thực thụ, Ông bỏ bê quân đội nên nhà Tống ngày càng trở nên suy yếu hơn. Khi người Nữ Chân ở Mãn Châu thành lập nhà Kim (1115-1234) và tấn công vương quốc Liêu ở phía Bắc nhà Tống vào năm 1120 thì triều đình nhà Tống đã liên minh với nhà Kim để tấn công nhà Liêu từ phía Nam. Điều này đã thành công trong việc tiêu diệt nhà Liêu, một kẻ thù lâu đời của nhà Tống. Tuy nhiên, nhà Kim lúc này đã ở sát biên giới phía Bắc nhà Tống.

Không hài lòng với sự sát nhập Vương quốc Liêu cùng việc đánh giá đúng đắn về sự suy yếu của nhà Tống nên nhà Kim nhanh chóng tuyên bố chiến tranh với cựu đồng minh, vào năm 1126, Quân đội nhà Kim đã vượt sông Hoàng Hà tiến sát với Biện Kinh (Khai Phong), Kinh đô nhà Bắc Tống. Quá hoảng sợ, Huy Tông đã thoái vị ngày 18/1/1126 để nhường ngôi cho con trai trưởng Triệu Hoàn (tức Hoàng đế Tống Khâm Tông).

Vượt qua các bức tường thành khai phong là nhiệm vụ khó khăn đối với kỵ binh nhà Kim, và điều này cùng với sự kháng cự mãnh liệt của một số tướng lĩnh, quan lại và quân đội nhà Tống, những người chưa hoàn toàn đánh mất nhuệ khí như Huy Tông, nên nhà Kim buộc phải dỡ bỏ việc bao vây thành Khai Phong và quay trở về phương Bắc. Tuy nhiên, nhà Tống buộc phải ký hòa ước nhục nhã với nhà Kim, đồng ý chi trả mọi khoản chi phí rất tốn kém và phải triều cống cho nhà Kim mỗi năm. Quân Kim ra điều kiện giảng hòa hết sức khắc nghiệt, như mỗi năm nhà Tống phải nộp cho nhà Kim 5 triệu lạng vàng, 50 triệu lạng bạc, 1 triệu tấm lụa, 1 vạn con bò, ngựa. Đồng thời nhà Tống phải cắt nhường cho nhà Kim 3 trấn ở phía Bắc Hoàng Hà, và vua Tống Huy Tống năm đó đã 44 tuổi phải gọi vua Kim Thái Tông lúc đó 51 tuổi bằng bác, sau đó quân Kim rút về Bắc.

Tháng 9/1126, quân nhà Kim tấn công Bắc Tống lần thứ hai và bắt toàn bộ triều đình Bắc Tống gồm Thái Thượng Hoàng, Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông, Hoàng Hậu, cung phi, Thái Tử, tôn thất quan lại… tất cả hơn 3000 người đem về phương Bắc. Toàn bộ lụa là, vàng bạc châu báu, sổ sách ở kinh đô bị cướp sạch. Triều đình nhà Bắc Tống đến năm 1127 đã chính thức bị diệt vong, còn về bản thân vua Tống Huy Tông sau khi bị bắt về nước Kim, bị giam lỏng ở đó gần 10 năm trời. Năm 1135 Tống Huy Tông bị bệnh mất khi 53 tuổi. Đến năm 1141, giữa nhà Nam Tống và nhà Kim ký hòa ước, nhà Kim đồng ý đưa quan tài Tống Huy Tông về Nam Tống.

Hơn 20 năm làm vua, chỉ lo ăn chơi hưởng lạc và có sở thích là sưu tập hoa thạch cương và thích được người khác suy tôn là “Đạo quân Hoàng đế”, thì cuối cùng cũng để lại vết nhơ trong lịch sử Trung Quốc.

Nguyễn Văn Vương

Bạn đang đọc bài viết "Tống Huy Tông, vị vua mất nước thời Bắc Tống" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.