Đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh)
Sự tham gia của phụ nữ vào công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của phụ nữ Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú, tùy hoàn cảnh và điều kiện, mỗi người đều mang hết khả năng của mình để cống hiến cho đất nước.
Có một nàng quí phi thân phận cao quí đã thể hiện tình yêu nước theo một cách đặc biệt là tự nguyện làm vợ quỷ thần để cứu vua và hàng ngàn binh lính trên đoàn thuyền đang có nguy cơ bị sóng biển chôn vùi khi đang trên đường hành quân.
Người phụ nữ đó là nàng Nguyễn Thị Bích Châu, quý phi của vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377).
Nguyễn Thị Bích Châu là con gái quan đại thần nhất mực thanh liêm Nguyễn Tướng công và bà Phạm phu nhân, quê ở xã Bảo Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Vì hiếm muộn, 40 tuổi mới sinh được con gái, nên ông bà rất đỗi vui mừng coi con quí như châu ngọc, ngày đêm nâng niu, đặt tên là Bích Châu. Bích Châu tính cách đoan trang, tư dung tươi đẹp, thông hiểu âm luật, theo đòi văn chương thơ phú. Đến tuổi, Bích Châu được vua Trần Duệ Tông kén vào làm phi.
Trần Duệ Tông lên ngôi giữa lúc tình hình nội trị, ngoại giao của đất nước vô cùng rối ren, phức tạp. Chính sự suy đồi, trong hoàng tộc tranh quyền, đoạt chức, quan lại tham nhũng, ăn chơi xa đọa, dân chúng cơ cực. Ngoài nước, giặc Chiêm Thành ở phía Nam nhăm nhe nhòm ngó xâm chiếm. Năm Bính Thìn (1376, khi Duệ Tông mới lên ngôi hơn 3 năm), Chiêm Thành đã cho quân đánh vào Hóa Châu (Nghệ An), giết hại dân lành, cướp phá tài sản. Trong lúc nhà vua cùng quần thần đang đau đầu tìm kế sách để cai trị và chấn hưng đất nước và đối phó với giặc giã bên ngoài, Bích Châu đã dâng vua 10 điều răn, cũng là những kế sách củng cố đất nước, lãnh đạo quốc gia bền vững (gọi là Kê minh thập sách), tỏ rõ là một nữ tử thông tuệ. Như đi trong hầm tối gặp được ánh sáng, Trần Duệ Tông vô cùng mừng rỡ. Song, nhà vua vẫn không đem thi hành.
Không nản lòng, Bích Châu vẫn ngày đêm suy nghĩ đến việc nước, đem kiến thức, sự hiểu biết về thời vận để lựa lời tâu trình lời hay, lẽ phải với nhà vua, những mong vua sáng suốt trong việc trị nước, đặc biệt là ứng xử với các lân bang.
Việc nổi cộm nhất dưới thời Trần Duệ Tông là chiến tranh với Chiêm Thành. Năm Bính Thìn (1376), 3 năm sau khi Duệ Tông lên ngôi, Chiêm Thành cho quân sang đánh Hóa Châu (Nghệ An), giết hại dân lành và cướp phá tài sản. Thấy Chiêm Thành luôn xâm phạm bờ cõi Đại Việt, Duệ Tông có ý thân chinh đem quân đi trừng phạt. Quan Ngự sử trung tán Lê Tích đã can "Vua không nên lấy giận riêng mà khởi binh, kẻ địch kia chỉ là một hạng giặc nhỏ, cần gì mệt nhọc nhà vua phải thân chinh". Trần Duệ Tông vẫn không nghe, sai quân dân Thanh - Nghệ vận tải 5 vạn thạch lương vào Hóa Châu rồi rước Thượng hoàng dự lễ duyệt binh. Nghe tin, Chế Bồng Nga đã sai người sang cống 15 mâm vàng, cầu mong Đại Việt bãi binh. Nhưng quan trấn thủ Hóa Châu là Đỗ Tử Bình đã ỉm đi, rồi dâng sớ nói dối rằng: Chế Bồng Nga ngạo mạn, vô lễ, xin vua cử binh đi đánh. Sẵn nung nấu ý định cất quân chinh phạt Chiêm bang, nay được tin ấy, vua Duệ Tông vô cùng căm tức, sai Hồ Quý Ly đốc vận lương thực đến cửa biển Di Luân (Quảng Bình) rồi tự dừng quân một tháng để luyện tập sĩ tốt.
Nhận thấy việc nhà vua thân chinh đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành lợi ít, hại nhiều, Quí phi Bích Châu đã dâng biểu can ngăn vua. Sau khi phân tích "Cướp bóc là cái thói thường của Man di, dùng binh không phải là bản tâm của vương giả", Quí phi khuyên vua " rộng lượng bao hàm, không thèm cùng với chó dê so sánh, xin nghỉ binh cho dân chúng yên hàn". Song, Trần Duệ Tông kiên quyết không nghe, vẫn quyết định thân chinh cất quân đi đánh Chiêm Thành. Thấy lời can không được nghe theo, so sức mình, lường sức giặc, tấm lòng lo nước, nhớ vua thể hiện ra sắc mặt, bà than rằng: "Nghĩa là vua tôi, ơn là vợ chồng, đã không can nổi để giữ nền bình trị, lại không khéo lời để ngăn lòng hiếu chiến, thật sống thừa trong cõi đất trời vậy", biết là lành ít dữ nhiều, nên nàng quyết xin đi hộ giá, để cùng chia sẻ với đức vua những gian khổ, hiểm nguy nơi sa trường. Vua chuẩn y lời tâu ấy. Khi đoàn chiến thuyền của Trần Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành đi đến vùng cửa biển Kỳ Hoa, thì biển nổi cơn giông tố, gió to, sóng lớn, quân thủy gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Vua hạ lệnh bỏ neo. Đêm ấy, nhà vua nằm mộng thấy một người nanh to râu xồm, diện mạo hung tợn, đầu đội mũ lưu linh, mình mặc áo gấm vẩy, bước rộng, cúi đầu, nghiêng mình, lắc lư, đi thẳng đến trước mặt vua thi lễ, rồi thưa: "Tôi là Đô đốc vùng Nam Hải (Nam Minh đô đốc) đi làm quan ở nơi giang hồ, hiện còn thiếu người nội trợ, nghe nói bệ hạ cung tần rất nhiều, nay ngẫu nhiên gặp nhau cho nên nổi cơn sóng mạnh để thay câu thơ Hoa Đường. Vậy xin ban cho nàng Tử Vân, tôi sẽ kết cỏ ngậm vành để báo đáp. Nếu bệ hạ chỉ để làm riêng thì tôi không thể nào bỏ qua được". Vua gật đầu. Lúc tỉnh dậy, vua liền cho vời phi tần, kể lại việc trong mộng. Các cung phi tái mặt, nhìn nhau im lặng, không ai nói gì cả. Trong lúc đó, nàng Bích Châu chứa chan nước mắt, nghẹn ngào nói không ra lời, quì trước mặt vua, tâu rằng: "Thiếp đây không dám tham luyến phồn hoa, tiếc thân bồ liễu, xin được trả cho xong cái nợ trước mắt kia". Nhà vua kiên quyết không nghe. Nàng khẩn khoản: "Thiếp tuy là phận gái và cũng theo đòi nghiên bút, có mê tín những việc ma quỉ đâu. Nhưng khốn việc đã đến nơi, thế không đừng được. Ví bằng nấn ná, e lại xảy ra tai biến to, có khi hải thuyền bị tan vỡ hết. Vả lại khi hành quân, tướng sĩ là trọng, ân ái là nhẹ. Đời xưa đã có người giết vợ, vứt con, cũng là do sự vạn bất đắc dĩ". Vua nghe lời nàng nói, lòng thêm buồn bã, không nỡ rời bỏ nàng. Chính lúc ấy, gió gào cuộn đất, sóng vỗ ngút trời, đã mấy phen tưởng thuyền rồng chực lật úp. Nàng khóc mà tâu rằng: "Có duyên may được hầu chăn gối, dám tiếc chết để nghĩa phũ phàng. Chỉ hận để anh hùng nước mắt tuôn". Trước khi vĩnh biệt, nàng nói: "Sau khi thiếp chết rồi, xin bệ hạ sửa văn, nghỉ võ, kén dùng người hiền, làm điều nhân nghĩa, dựng mưu chước lâu dài cho nhà nước. Được như thế thì u hồn thiếp có thể ngậm cười nơi chín suối". Nói xong, nàng nhảy xuống biển trong gió gào sóng cuộn, còn nghe văng vẳng tiếng nói: " Kính tạ quân vương, từ nay vĩnh biệt, không thể hầu bên tả hữu nữa". (Chuyện này, sách Lịch triều hiến chương loại chí, ghi: "Vua Trần phải theo ý Nguyễn Thị Bích Châu, tổ chức hiến tế một cách long trọng, cho Bích Châu ngồi trên mâm vàng đưa ra biển, gieo xuống nơi sóng gió. Lúc đó biển mới lặng, sóng mới yên, thuyền mới đi được". Sách Almanach VN viết: "Bích Châu đã tự nguyện hy sinh, xin nhảy xuống biển làm vật hiến tế thủy thần (theo phong tục tín ngưỡng cũ của địa phương vùng này để cầu sự an toàn cho quân sĩ"). Vua và các phi tần kinh hoàng luống cuống, ai cũng thương khóc. Bỗng chốc gió tan, mưa tạnh, biển cũng lập tức lặng sóng cồn. Vua sai thủy quân mò tìm, không thấy tung tích nàng Bích Châu đâu, liền làm lễ tế, đọc văn chiêu hồn… Tế xong, văn võ bá quan đều khóc sướt mướt.
Đến tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1377), quân Đại Việt tiến quân vào cửa biển Thị Nại (Qui Nhơn) đánh lấy đồn Thạch Kiều và động Kỳ Mang rồi tiến vào thành Đồ Bàn, kinh đô vua Chiêm. Chế Bồng Nga lập đồn giữ ở ngoài thành, cho người trá hàng nói Chế Bồng Nga đã bỏ thành chạy trốn, xin tiến binh ngay. Duệ Tông tưởng thật, truyền lệnh tiến binh vào thành. Sợ trúng kế giặc, Đại tướng Đại Việt là Đỗ Lễ can mãi vua vẫn không nghe, vẫn đốc thúc quân lính tiến vào. Khi quân Việt đến chân thành Đồ Bàn, quân Chiêm từ 4 phía đổ ra đánh. Bị đánh bốn mặt, quan quân Đại Việt rối loạn, thua to. Bọn Đỗ Tử Bình lĩnh hậu quân, hèn nhát không đem quân ứng cứu. Hồ Quý Ly cũng bỏ chạy. Vua Duệ Tông chết trong đám loạn quân.
Sau khi Quí Phi qua đời, nhân dân vùng cửa biển Kỳ Hòa đã lập đền thờ Bích Châu ở cửa biển Kỳ Hoa (nay là huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Năm 1477, vua Lê Thánh Tông trực tiếp chỉ huy đại quân đi chinh phạt quân Chiêm Thành. Khi đoàn chiến thuyền của vua Lê Thánh Tông qua cửa biển Kỳ Hoa, nơi Bích Châu quyên sinh 140 năm trước, trong mơ màng, vua thấy một người con gái nhan sắc rất đẹp, từ dưới nước hiện lên, dâng ngọc minh châu, lạy khóc, xin nhà vua ra tay tế độ, vớt kẻ trầm luân. Vua bèn sai viết hịch thả xuống nước cho Quảng Lợi vương là vị thống trị của tên dâm thần Hải khẩu Giao đô đốc (Thuồng luồng) đã hiếp oan cung nữ vua Trần. Được chốc lát thì thấy thi thể Bích Châu nổi lên mặt nước, nhan sắc vẫn như lúc còn sống. Nhà vua cho mai táng, làm văn tế, dâng tiến lễ điện theo nghi lễ Hoàng hậu đương triều. Lê Thánh Tông đã cảm khái làm đề bài thơ trên vách đền ca tụng bà:
Một vị hiền phi cửa điện thần
Hy sinh vì nước quản chi thân
Đào hoa chìm nổi cơn giông tố,
Đỗ Nhược mơ màng giấc mộng xuân.
Dòng nước vô tình chôn Sở phụ
Hương hồn nào chỗ viếng Tương quân
Than ôi, trăm vạn quân hùng mạnh,
Lại kém thư sinh một hịch văn.
Đề thơ xong, vua chỉnh đốn quân ngũ tiếp tục lên đường. Trận ấy, quân Đại Việt thắng to, ca khúc khải hoàn. Khi về, đến cửa biển Kỳ Hòa, Lê Thánh Tông cho thuyền dừng lại. Đêm ấy, nữ thần hiện lên vái chào nhà vua mà rằng: "Nhờ ơn Thánh Hoàng tế độ u hồn, nay thiếp đã lên tiên, tiêu diêu ở mây trắng. Thượng đế thương lòng trung thành của thiếp sai giáng linh xuống trần hoàn, được trông coi họa phúc một phương. Duy có một điều thắc mắc về câu kết của bài thơ ngự đề vàng ngọc ở trên tường, làm cho thiếp không được yên lòng về chỗ vua tôi chồng vợ". Vua gật đầu nói: "Phu nhân lúc nào trong lòng cũng nhớ đến vua, thực là một người anh kiệt trong đám nữ lưu. Trẫm sẽ vì phu nhân mà đổi lại câu ấy". Hôm sau, vua cho bôi vôi câu cũ mà viết lại rằng: "Muôn thuở cương thường không hổ thẹn". Đồng thời nhà vua sắc phong Bích Châu là Chế Thắng phu nhân, sai chặt gỗ, đẽo đá xây dựng ba tòa điện thờ rất nguy nga. Đến đời Minh Mệnh, bản triều gia phong cho bà Bích Châu là Phương danh liệt tiết Trung đẳng thần. Từ đó đến nay, ngôi đền thờ bà khói hương vẫn nghi nghút, rất linh ứng.
Tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh hiện nay có hai xã thờ Quí phi Bích Châu. Xã Kỳ Ninh có ngôi đền Bích Châu / Hải Khẩu Linh từ ở thôn Hải Khẩu, là nơi thờ chính Quí phi Bích Châu. Xã Kỳ Lợi có đền Eo Bạch là nơi thờ vọng Quí phi Bích Châu. Cả hai ngôi đền đều là danh thắng của đất Hà Tĩnh.
Đền Bích Châu / Hải Khẩu Linh từ còn có các tên gọi khác: Đền Bà Hải (trong tâm thức người dân địa phương tôn vinh Bà là vị thần biển cả - Bà Hải), đền Chế Thắng phu nhân. Tại đây bà được gọi là Thánh Mẫu Kỳ Anh. Đền nằm bên cửa biển thuộc thôn Hải Khẩu, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh. Đền Bích Châu được xây dựng trên bãi đất pha cát biển rộng khoảng 4.500 m2, quay về hướng Đông Nam. Phía trước đền từ trái sang phải là núi Ô Tôn (có đền Eo Bạch được xây dựng cuối đời Trần), Vũng Áng còn gọi là "Cửa Cá" nổi tiếng với nhiều hải sản quý như tôm hùm, mực, yến sào,.. Núi Cao Vọng có hang nhỏ, tương truyền là nơi ẩn náu của Hồ Hán Thương vào năm 1407. Sau lưng đền, xa xa là núi Bàn Độ có đầm Tiên Nữ, có bàn cờ tiên, xưa là nơi có rất nhiều hươu sao. Đỉnh núi khá bằng phẳng giống như cái mâm vàng đặt qua biển (Kim bàn đồ hải) nên có tên là núi Bàn Độ. Đền Bích Châu được xây dựng từ đời Trần (cùng thời điểm với đền Eo Bạch cũng thờ Bích Châu), có 3 tòa Hạ, Trung và Thượng điện. Giữa Trung điện và Thượng điện có nhà dâng hương, ba điện nối liền nhau theo kiểu chữ Công (chữ Hán). Hạ điện khá rộng, có trang trí cônhg phu ở mặt iền với đề tài tứ linh, bát bảo, trên là hình lưỡng long chầu nguyệt. Bên trong có bức hoành phi đề 4 chữ Thánh đức lưu phương. Tượng Quí phi Bích Châu / Chế Thắng phu nhân đặt ở Thượng điện được tạo hình bình dị, khuôn mặt toát lên vẻ đẹp dịu dàng, nhân hậu. Hai bên tả, hữu có tượng võ tướng và tượng khâm sai. Phía sau tượng Quí phi Bích Châu là phần mộ của bà, được an táng từ thế kỷ XV. Trải qua nhiều thế kỷ, đền được tu sửa nhiều lần. Trên đường vào đền có nhiều cây cao bóng cả, hai cột nanh cao 3m, mặt trước có khắc câu đối:
Ức niên thực lập cương thường trạng
Vạn cổ trường lưu tiết nghĩa phương
(Nghĩa là: Muôn năm coi trọng cương thường đã dựng
Vạn đời còn lưu truyền tiết nghĩa thơm).
Hai bên bàn thờ thượng điện, có đôi câu đối bằng chữ Hán khắc trên ván gỗ, niên hiệu Tân Mão đời Hồng Đức (1471):
Thân thượng cương thường thiên hạ thánh
Danh lưu kim cổ nữ trung tiên
(Nghĩa là: Thánh giữa nhân gian thân nghĩa liệt
Tiên trong nữ giới tiếng xưa nay).
(Dịch nghĩa: Tấm thân nêu cao cương thường (là bậc) Thánh trong thiên hạ. Tên tuổi lưu lại xưa nay (là) người hiền trong nữ giới).
Trong đền còn treo tấm Bảng Vàng ghi 10 kế sách dựng nước của bà.
Lễ hội đền Bà Hải diễn ra hàng năm vào ngày 11 tháng 2 âm lịch, được tổ chức ngay trên bờ biển Kỳ Anh, thu hút dân làng và khách thập phương rất đông. Lễ hội có các lễ tiết theo trình tự: lễ chúc, lễ tế bò sống, lễ dâng bánh chưng. Phần hội sôi nổi nhất là đua thuyền.
Bà Bích Châu đã trở thành vị nữ thần cai quản một trong những cửa biển quan trọng của vùng đất Hà Tĩnh và miền Trung Bộ nước ta. Đền Bích Châu với nguồn gốc, cảnh quan, có giá trị về nhiều mặt là một di tích lịch sử, lại nằm trong vịnh Vũng Áng – nơi có độ sâu lý tưởng, hiện có một cảng nước sâu phục vụ giao lưu hàng hải quốc tế, chắc chắn sẽ trở thành một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn của Hà Tĩnh.