Đền Cuông cổ kính và linh thiêng
Trong “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ (1768 – 1839), một danh sĩ thời Lê viết: “Nhân việc nhà tôi đi qua đền Cuông, đứng trên đầu hạc nhìn xuống, đền thờ Thục An Dương Vương nằm trên sườn núi, nhìn thấy cổ hạc xanh rì, đàn công múa rất đẹp, qua trung điện xuống hạ điện, mái lợp tranh qua ba cấp là xuống núi”.
Năm 1802, Gia Long lên ngôi cho trùng tu lại đền. Đến năm Giáp Tý (1864) vua Tự Đức lại cho tu sửa và nâng cấp. Khi làm lễ khánh thành, nhà vua tặng một đồng tiền vàng để làm lưu niệm. Năm Thành Thái thứ 10 (1897) thượng điện được nâng cấp cho phù hợp với nơi thờ vị vua chủ. Năm Khải Định (1916) phần ngoại thất được tu sửa, để lại diện mạo ngôi đền đến ngày nay.
Con hạc, biểu tương linh thiêng của đền Cuông
Chiếc chuông cổ, di vật quý của đền
Được kiến trúc theo kiểu chữ “tam”, đền Cuông có tam quan đồ sộ, rêu phong cổ kính. Cổng giữa có ba lầu với chằng chịt rễ cây đeo bám khiến cảnh trí càng thêm u tịch. Tòa trung điện xây theo kiểu chồng diêm 8 mái, các tòa khác đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Mọi công trình của đền đều đồ sộ, cột to, tường dày vững chãi nhưng không thô vì các chi tiết, hoa văn được chạm khắc tinh tế, tạo nên vẻ đẹp thanh thoát. Thượng điện đặt bàn thờ Thục An Dương Vương. Qua khoảng sân hẹp sang điện đặt bàn thờ Cao Lỗ - vị tướng giúp vua chế tác nỏ thần. Đền có nhiều di vật quý như tượng thờ, đồ tế khí, trống chiêng… Nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng Hán tự trên các bức hoành phi, cột, trụ biểu như nhắc nhở con cháu, muôn dân luôn nhớ ân đức vua Thục.
Đền Cuông nhìn từ núi Mộ Dạ
Ngôi đền vừa cổ kính, vừa linh thiêng nên không chỉ người dân trong vùng, trong tỉnh biết đến mà tiếng lành còn vang khắp cả nước, đến cả du khách nước ngoài cũng tìm về.