Tiếng thở than từ một di tích (Kỳ II)

01/04/2022 15:19

Theo dõi trên

Trong một vài trang giấy, khó có thể khắc họa hết công lao, cuộc đời, sự nghiệp của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn. Mộ và đền thờ của Ngài tại xã Diễn Vạn có chăng đã bị hậu thế “lãng quên”? Rồi một mai, khi thời thế xoay vần, liệu rằng mộ và đền thờ Ngài đã xứng với danh xưng Sát Hải Đại Vương – một mãnh lang hổ tướng đã từng khiến quân Nguyên – Mông khiếp đảm?

Mộ và đền thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn được xây dựng từ thời Trần, kiến trúc theo kiểu “thượng miếu hạ mộ”. Trải qua các triều đại phong kiến đền được trùng tu sửa chữa và nâng cấp khang trang. Nhưng do điều kiện chiến tranh, đền bị hư hỏng hoàn toàn, trong những năm gần đây, con cháu cùng với chính quyền và nhân dân đã khôi phục lại trở thành một ngôi đền uy nghi, bề thế. 

20220324-220950-1648747970.jpg
Mộ và đền Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn tại xóm Xuân Bắc (xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu). Ảnh: Nguyễn Diệu

Đây không chỉ là một công trình văn hóa tâm linh lâu đời tiêu biểu của xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An), mà còn là nơi ghi dấu và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử cũng như sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương trong nhiều thế kỷ. Qua đó, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời cầu xin thần linh phù hộ cho trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy thuyền, nhân khang vật thịnh.  

20220401-001246-1648748160.jpg
Được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 07/11/2017. Ảnh: Nguyễn Diệu

Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ, Mộ và đền thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 5388/QĐ/UBND ngày 07/11/2017.

Điêu tàn?

Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII khai mạc sáng 24/11/2021 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan điểm rằng: “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Vì thể, "chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy" và "nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông".

20220401-004207-1648748617.jpg
Đường vào di tích nhỏ hẹp, mưa thì sình lầy, nắng thì bụi bặm. Thậm chí không hề có hệ thống tường bao, mà chỉ được dựng tạm bằng những cây thép gai. Ảnh: Nguyễn Diệu

Những ai đã từng viếng thăm mộ và đền thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn tại xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu) ắt hẳn sẽ rất chạnh lòng. 

Chạnh lòng bởi lẽ, trong khi đền thờ Ngài ở khắp nơi trên cả nước đều uy nghi, tráng lệ… nhưng mộ và đền thờ chính của Ngài tại xóm Xuân Bắc lại chưa xứng tầm?

Mặc dù là di tích cấp tỉnh, nhưng mộ và đền thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn đã và đang dần bị lãng quên? Theo thời gian, nơi đây không được bảo vệ, trùng tu và giữ gìn nên hiện trạng di tích, cũng như giá trị văn hóa đang dần bị mai một?

20220324-221041-1648748786.jpg
Những nén hương bị "mục úa". Ảnh: Nguyễn Diệu

Đường vào mộ và đền thờ Ngài nhỏ hẹp, sình lầy khi mưa xuống, bụi bặm khi nắng lên. Xung quanh không có tường rào để che chắn, bảo vệ. Lặng lẽ bên bờ sông Vách Bắc, đền quạnh hiu đến nao lòng. Cảnh “điêu tàn” tỏ dần sau lớp di tích tưởng chừng là hoài niệm. Mộ và đền Ngài lạc lõng, bơ vơ, những nén hương mục úa cùng thời gian. Người dân quanh vùng tiếc nuối, trước thường có người hay lui tới, thắp hương, tham quan, ngắm cảnh. Nhưng bây giờ…!

20220324-221032-1648748912.jpg
Từng cánh cửa bằng gỗ của đền “bạc phếch”. Ảnh: Nguyễn Diệu

Chậm rãi trên lớp cỏ xanh mướt, um tùm sau đền, từng chiếc bao bóng (rác thải) nằm rải rác. Những phiến đá ngang, dọc hay những con ngựa đá, voi đá chầu trước đền đều “sạm” màu trước thời gian. Lại gần, từng cánh cửa bằng gỗ của đền “bạc phếch”, từng mảng tường bong tróc.

Trước “nguy cơ” mộ và đền thờ Ngài bị “quên lãng”, người dân cùng chính quyền địa phương nhiều lần tìm cách “cứu vãn”, nhưng một phần vì kinh phí hạn hẹp nên không thể khắc phục được tình trạng xuống cấp, hư hỏng của di tích?

20220401-005027-1648749083.jpg
Những phiến đá "ngổn ngang" cùng rác thải trên lớp cỏ um tùm. Ảnh: Nguyễn Diệu

Mộ và đền thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn là di sản văn hóa, là thước đo quan trọng về sự giàu có, bản sắc văn hóa của miền sông nước Diễn Châu. Đây cũng là nguồn tài nguyên, là sản nghiệp văn hóa quan trọng làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển. Tuy vậy, việc trung tu, bảo vệ, phát huy những giá trị của di tích vẫn chưa được quan tâm đúng mực?

20220401-005350-1648749296.jpg
Tường và mộ tại Di tích bị bong tróc, đen nhẻm và xuống cấp. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nếu “tài nguyên”, “sản nghiệp” ấy bị “lãng quên”, xuống cấp, hậu thế chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông. 

“Ta cứ đi tìm những cái hay, cái lạ ở quê người, điều đó không có gì đáng trách, nhưng ta vô tình hay hữu ý bỏ quên cái hay, cái đẹp của quê hương, dù ta có viện ra nhiều lý do nào đó để bảo vệ cho sự thờ ơ của mình, cũng là có lỗi với người xưa”.

UBND tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện Diễn Châu cần kịp thời có kế hoạch trùng tu, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử mộ và đền thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn tại xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn. Để những giá trị xưa cũ không bị bào mòn theo thời gian, để đền thờ Ngài là điểm đến, sợi chỉ đỏ xuyên xuốt, nối dài quá khứ với hiện tại. Hơn cả, để không còn nghe tiếng thở than vọng từ dòng Vách Bắc!

Còn tiếp...

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Tiếng thở than từ một di tích (Kỳ II)" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.