Thượng Tướng quân, Quận công Nguyễn Công Hằng
16/10/2017 14:56
Dân làng nói về cụ: Tính cụ ôn hòa, khoan hậu, luôn chăm lo cho dân cho làng, không tiếc của cải, ơn đức với dân làng như núi cao. Dân làng tôn kính cụ, từ chân ý, lập làm hậu thần.
Đình làng thôn Thượng Xá, xã Thượng Quận, huyện Kinh Môn, Hải Dương
Văn bia Phụng tự hậu thần bi ký (奉祀 後神碑記 ) khắc in năm 1716, chép: Cụ Nguyễn Công Hằng là người công đức ruộng, tiền, gỗ tứ thiết xây chùa cho làng Thượng Xá, xây đình cho làng Cổ Liễn, làng Vũ Xá xã Thượng Quận huyện Kinh Môn cách nay 301 năm.
Chuyện về cụ Hằng xây đình, làm chùa cho dân làng 3 thôn, quy định nghi thức thờ cúng cụ Hằng cùng bố mẹ, ông bà là hậu thần có từ 301 năm trước.
Chúng tôi về thôn Thượng Xá, xã Thượng Quận, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, tìm đến dòng họ Nguyễn thờ cúng cụ Hằng. Hỏi về cụ Hằng, người trong họ tộc, dân làng chỉ biết còn ngôi mộ có tấm chiếu đá lớn, bàn hương án làm bằng đá, có từ năm nào không rõ, hiện ở khu nghĩa trang của làng. Chỉ nhớ mang máng là cụ có công đức cho làng ngôi đình, cửa võng ở gian tiền bái, công đức ruộng, tiền cho 3 thôn của xã Thượng Quận, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Văn bia ghi về cụ Hằng hiện đặt ở sân đình làng, ở gia đình trưởng tộc nhưng không đọc được do viết bằng cổ tự.
Lược sử tư liệu về Thượng tướng quân, Bản Quận công
Nguồn tư liệu về cụ Hằng ghi ở 02 văn bia dòng họ Nguyễn Hữu, văn bia Phụng tự hậu thần bi ký, ghi trong hồ sơ khai quật mộ Bản Quận công của Bảo tàng tỉnh ngày 17/1/1987 và trong truyền ngôn ở địa phương. Tìm hiểu thông tin từ các nguồn trên, chúng tôi thấy hồ sơ khai quật mộ Bản Quận công của Bảo tàng tỉnh có 2 thông tin trích dẫn từ văn bia Phụng tự hậu thần bi ký chưa chính xác. 1- Văn bia ghi là: Nguyễn lệnh công, huý Công Hằng 阮令公諱公恒 (chữ ở cuối dòng 3, đầu dòng 4 trong văn bia), hồ sơ khai quật ghi: Nguyễn Linh công huý Hằng và viết gọn lại: Nguyễn Linh. Chưa chính xác bởi, chữ lệnh 令 có 2 âm đọc: lệnh, linh. Đọc là lệnh trong trường hợp này mới phù hợp với thông tin của người xưa ghi trong văn bia. Chữ lệnh công (令公) là từ tôn xưng người đàn ông có danh vọng, cũng như chữ lệnh tộc (cùng ghi ở dòng 4) là từ tôn xưng dòng họ có danh vọng chứ không phải tên người. Đọc âm linh thì nghĩa lại là sai khiến, như: Linh nhân khởi kính: Khiến người nẩy lòng kính (Thiều Chửu- Hán Việt tự điển). Văn bia ghi: Nguyễn lệnh công, huý Công Hằng, chuyển theo cách gọi họ và tên hiện đại là: Nguyễn Công Hằng. Tên cụ Nguyễn Công Hằng còn ghi ở 02 văn bia tại tư gia trưởng tộc Nguyễn Hữu, ông Nguyễn Hữu Phái ở thôn Thượng Xá. Đây là văn bia gia phả, ghi về ông bà, bố mẹ và cụ Hằng. Khi được hỏi tên cụ Nguyễn Linh, ông Phái trả lời ngay: Dòng họ chúng tôi vẫn gọi là cụ Hằng. Chi tiết chưa đúng thứ 2 là đổi năm ghi niên hiệu triều vua sang năm ghi theo số La Mã. Hồ sơ khai quật ghi: Năm Vĩnh Thịnh 12 (1616). Văn bia ghi: Hoàng triều Vĩnh Thịnh vạn vạn niên chi thập nhất tuế tại Bính Thân mạnh Thu cốc nhật (皇朝永盛萬萬年之拾一歲在丙申孟秋穀日) . Dịch nghĩa: Ngày tốt tháng đầu mùa Thu năm Bính Thân, niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1716). Hồ sơ ghi niên đại sai số so với hiện vật gốc (văn bia), đúng 100 năm.
Bia ghi về cụ Nguyễn Công Hằng
Giải mã văn bia Phụng tự hậu thần bi ký
Văn bia Phụng tự hậu thần bi ký (奉祀 後神碑記 - Bia ghi việc phụng thờ hậu thần), viết về cụ Nguyễn Công Hằng cùng bố mẹ, ông bà được 3 làng: Cổ Liễn, Thượng Xá, Vũ Xá thờ làm hậu thần. Đây là nguồn tư liệu về cụ Hằng sớm nhất, lại được khắc in vào bia đá bằng công nghệ thủ công độc bản nên yếu tố gốc của văn bản được đảm bảo, không thể tùy tiện "cắt, dán", sửa chữa nội dung dù chỉ 1 chữ.
Văn bia là một khối đá hộp vuông, gồm các phần, đế bia, thân bia, chóp và trán bia. Chóp bia tạo hình chiếc lọng có núm hình ngọn lửa, hoa văn trên chóp bia chạm hình mây. Trán bia khắc dòng chữ Hán Nôm: Phụng tự hậu thần bi ký (奉祀 後神碑記 ) ở 1 mặt, 3 mặt còn lại không có chữ. Kích cỡ văn bia 52 X 152cm, kích cỡ lòng bia: 37 X 74cm. Rèm bia để trơn. Chữ thảo chân phương khắc trên 4 mặt bia, nét sâu, mang phong cách chữ viết đời Lê Trung Hưng. Một số chữ, nhất là mặt 3, một phần mặt 4 bị mất hẳn hoặc mất nét do va đập dạng búa đinh, bi đá tác động. Số dòng chữ trên các mặt bia được thể hiện; mặt 1 có 17 dòng, mặt 2 có 24 dòng, mặt 3 có 23 dòng, mặt 4 có 19 dòng. Mặt 4 ghi niên đại văn bia và học vị, chức vụ quê quán người soạn văn bia.
Thông tin trong mặt 1 cho ta biết về con người và chức tước cụ Nguyễn Công Hằng. Tính cụ ôn hòa, khoan hậu, luôn chăm lo cho dân cho làng, không tiếc của cải, ơn đức với dân làng như núi cao. Dân làng tôn kính cụ, từ chân ý, lập làm hậu thần. Cụ Hằng công đức một ngôi chùa cho thôn Thượng Xá, 1 ngôi đình cho 2 thôn: Cổ Liễn, Vũ Xá và cúng ruộng huệ điền, tiền, ngói lợp mái, gỗ tứ thiết cho 3 thôn Thượng Xá, Cổ Liễn, Vũ Xá. Các thôn lập khoán ước thờ cúng cụ Hằng và hiển khảo, tổ khảo (ông bà nội, bố mẹ thân sinh). Những thông tin này được ghi trong các dòng chữ của mặt 1 văn bia. Dòng 1 ghi về lý do người mà dân làng tôn thờ, trích dịch: Người ta thường nói, người có công lao đức độ với dân ắt được dân nhớ ơn, thờ cúng, đó là lý trời và lòng người. Dòng 2 đến đầu dòng 4 ghi tính danh, chức tước, quê quán cụ Nguyễn Công Hằng: Chức tước khi nghỉ hưu (chí sỹ): Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Vương phủ Thị nội giám ti Lễ giám Tổng Thái giám Đô đốc phủ Đô đốc thiêm sự, Bản Quận công. Tính danh: Nguyễn lệnh công húy Công Hằng (Nguyễn Công Hằng). Quê quán: thôn (xã) La Xá, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn. Từ giữa dòng 4 đến giữa dòng 8 ghi về lý do dân làng trong 3 thôn tôn thờ cụ Hằng và bố mẹ, ông bà làm hậu thần. Từ giữa dòng 8 đến dòng 17 ghi về cụ Hằng công đức ngôi chùa cho thôn Thượng Xá và ruộng huệ điền, công đức ngôi đình cho 2 thôn Cổ Liễn, Vũ Xá, công đức ngói lợp mái, gỗ tứ thiết làm nhà, ruộng, tiền cho 3 thôn (Thượng Xá, Cổ Liễn, Vũ Xá). Quy định thôn Thượng Xá phụng sự bố mẹ và cụ Hằng, thôn Cổ Liễn, Vũ Xá phụng sự ông bà nội và cụ Hằng bằng việc hàng năm tổ chức lễ Kỳ phúc. Lễ này quy định nghi thức dâng lễ vật, đọc văn tế, hát ca. Dân làng khảng định việc thờ phụng là muôn đời vì cụ Hằng có ý tìm sự yên vui ở dân và dân cũng yêu mến cụ Hằng.
Thông tin từ dòng 1 đến dòng 3 ở mặt 2 cho ta biết lý do lập Trưng văn khắc vào bia đá. Từ dòng 5 đến dòng 9 ghi chép về số ruộng: 2 mẫu 4 sào và 100 quan tiền giao cho thôn Khuê Trần cầy cấy. Thôn Khuê Trần lo sắm lễ vật, cùng thôn Thượng Xá, thôn Cổ Liễn, thôn Vũ Xá cúng tổ tỷ, tổ khảo ngày 3 tháng 3. Thôn Thượng Xá cúng cụ Hằng theo lệ. Từ dòng 10 đến dòng 12 ghi số ruộng ở các xứ đồng, người quản lý số tiền 100 quan lo lễ hương ẩm. Từ dòng 13 đến dòng 17 ghi việc cúng giỗ người thân sinh cụ Hằng do xã La Xá lo. Dòng 17 ghi niên đại văn bia.
Dòng 18 (dòng cuối) ghi người soạn văn bia: Tứ Ất Sửu khoa Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ tam danh Hiển cung đại phu Quốc tử giám giám ti nghiệp Hải Thượng Đường Đan, Phụng Thiên Thọ Báo Vũ Phác Phủ soạn. Dịch nghĩa: Tiến sỹ cập đệ Đệ tam danh khoa Ất Sửu, chức Hiển cung đại phu, Quốc tử giám Giám ti nghiệp (trấn phủ) Hải Thượng, (huyện) Đường An, xã Đan Loan (ở) Phụng Thiên Thọ Báo là Vũ Phác Phủ soạn.
Thông tin ở dòng 1 mặt 3 cho ta biết quy định cấy ruộng tế điền, ruộng huệ điền, việc mua gỗ lim, gỗ vàng tâm làm đình, làm chùa. Từ dòng 9 đến dòng16 ghi về lễ vật và ghi thức cho cúng tế. Từ dòng 18 đến dòng cuối ghi tính danh những người lập khoán văn.
Thông tin ở dòng 1 mặt 4 cho ta biết 12 người đại diện dân làng nhận công đức của cụ Hằng. Từ dòng 2 đến dòng 5 ghi về sử dụng 2 mẫu 9 sào ruộng huệ điền cho thôn Vũ Xá, thôn Cổ Liễn để sắm lễ vật, thực hiện cúng tế và tu sửa ngôi chùa 3 gian (bằng) gỗ lim (thiết lâm), lợp ngói tốt; 1 ngôi đình 3 gian (bằng), gỗ thiết lâm 5 cây, gỗ thiết liễn 13 cây và lợp ngói tốt. Từ dòng 6 đến dòng 15 ghi về số mâm cỗ, mâm xôi, trầu rượu, thỏi vàng mã cúng tế vào các ngày: 10 tháng 3, ngày 23 tháng Giêng, ngày 3 thámg 3, ngày 3 tháng Giêng tại đình, do 2 làng Vũ Xá, Cổ Liễn đảm nhiệm. Từ dòng 16 đến dòng 24 ghi tính danh các vị quan viên thôn Vũ Xá, thôn Cổ Liễn, xã La Xá, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn lập khoán văn.
Giá trị của di sản và kiến nghị
Công lao, đức độ của Thượng tướng quân, Quận công Nguyễn Công Hằng được ghi trong văn bia, được lưu trong trí nhớ của người dân không chỉ ở thế kỉ thứ XVIII, mà đến thế kỉ XX, còn được đặt tên cho bản xã, nơi cụ sinh thành và an giấc ngàn thu. Ông Nguyễn Hữu Phái kể: Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước phát động, nơi nào có anh hùng, danh nhân được đặt, đổi tên đơn vị hành chính xã mình theo tên anh hùng danh nhân. Địa phương tổ chức hội nghị quân dân chính để đặt tên xã thay cho tên tổng, cán bộ huyện Kinh Môn về dự và quán triệt. Các cụ có uy tín trong tổng như: Cụ Đắc (ở La Xá), ông Thưởng (thôn Mụa), ông Thành (sau làm Chủ tịch lâm thời xã), đề nghị tổng nhà có cụ Hằng làm tới chức Thượng tướng quân, tước Quận công, dân làng vẫn gọi là cụ Thượng Quận nên lấy tên xã là xã Thượng Quận.
Văn bia và chiếu đá, hương án đá, ngôi mộ cụ Nguyễn Công Hằng, đến năm 2017 có 301 năm tuổi, hiện ở thôn Thượng Xá xã Thượng Quận huyện Kinh Môn. Theo Luật Di sản văn hóa đó là cổ vật được pháp luật bảo vệ. Phụng tự hậu thần bi ký, phản ánh về văn hóa ứng xử giữa người có thiện tâm với dân làng và tri ân của dân làng. Ngày nay nó trở thành phong tục tập quán, có tác dụng động viên tinh thần đóng góp tiền của để xây dựng đời sống văn hóa cho cộng đồng làng xã.
Nhiều năm qua, cán bộ, nhân dân và dòng họ Nguyễn thôn Thượng Xá đã gìn giữ, phát huy giá trị của di sản về cụ Nguyễn Công Hằng. Tuy vậy vẫn cần khai thác những thông tin trong 3 văn bia ghi chép về cụ Hằng (Văn bia: Phụng tự hậu thần bi ký, Nguyễn thị tiên tổ húy kỵ, Nguyễn tộc gia phả bi ký), khai thác những chuyện truyền ngôn về cụ và có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trên phương tiện thông tin đại chúng, trong ngày lễ trọng của các làng thờ cúng cụ là hậu thần. Tổ chức cho học sinh các trường trong xã Thượng Quận tìm hiểu giá trị về con người và cổ vật, về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể liên quan đến cụ Hằng. Bảo vệ văn bia bằng lợp mái che. Phục dựng nghi thức thờ cúng người có công với dân làng như đã từng ghi chép, trình diễn, tạo nên điểm du lịch lễ hội, khám phá lịch sử địa phương.
Đặng Văn Lộc
Bạn đang đọc bài viết "Thượng Tướng quân, Quận công Nguyễn Công Hằng" tại chuyên mục Di sản.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.