Nội dung hoạt động tập huấn tập trung vào các phương pháp, kỹ thuật bảo quản các tài liệu Hán - Nôm, tài liệu quý đang lưu trữ tại các dòng họ, tư gia và hướng dẫn các phương pháp kỹ thuật phục chế, bảo các tài liệu Hán - Nôm bị hư hỏng nặng.
Kết thúc khóa tập huấn, các cá nhân là đại diện chủ sở các tài liệu Hán - Nôm đã được trau dồi kỹ năng về bảo quản, phục chế các tài liệu quý hiếm nhằm góp phần gìn giữ các di sản văn hóa của Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung; đồng thời, khóa tập huấn cũng thể hiện công tác tuyên truyền của chính quyền các cấp đến với các địa phương và các cá nhân tham gia tập huấn, giúp họ thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng trong công cuộc bảo quản và phát huy giá trị của các di sản quý đang lưu giữ tại các dòng họ, tư gia trên địa bàn.
“Tài liệu Hán - Nôm là một trong những di sản quý của nền văn hóa Việt Nam. Bộ sưu tập Hán - Nôm ở Việt Nam (theo số liệu của Thư viện quốc gia) hiện đang lưu giữ từ những năm 60 của thế kỷ trước, đến nay đã có hơn 4.000 bản với các chủng loại khác nhau và có giá trị cao. Các tài liệu này phản ánh xác thực các mặt trong đời sống xã hội, lịch sử, giáo dục, khoa học địa lý của Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử. Do thời gian, khí hậu, sự hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo quản nên nguồn tại liệu quý này đang dần bị xuống cấp và hư hỏng nặng”.
Xác định tầm quan trọng, ý nghĩa của việc sưu tầm, số hóa, bảo quản các tài liệu quý này, trong những năm qua, được sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã chủ động triển khai sưu tầm và số hóa nhiều tài liệu Hán - Nôm và các tài liệu quý khác trên địa bàn tỉnh, trong đó đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan trực tiếp cùng với chính quyền các thôn phục chế và số hóa nhiều tài liệu quý (từ lưu giữ tại các hòm tài liệu sang lưu giữ dưới dạng các thư mục, tập tin điện tử). Số tài liệu được số hóa theo thống kê đến nay là hơn 330.000 trang tài liệu Hán - Nôm và các văn bản khác có giá trị, ý nghĩa lịch sử lưu giữ tại 14 phủ đệ, 164 làng, đền thờ, nhà vườn, hơn 610 họ tộc trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 150 thôn chưa triển khai khảo sát, sưu tầm, số hóa. Trong thời gian tới, Thư viện Tổng hợp tỉnh sẽ tiến hành số hóa, đồng thời tổ chức tập huấn cho các địa phương còn lại trên địa bàn; đồng thời tiến hành công tác phục dựng, lưu trữ, nghiên cứu các phương pháp khai thác, sử dụng, nghiên cứu… theo quy định.
Đây cũng là một trong nhiệm vụ quan trọng trong chương trình “Chuyển đổi số” mà ngành Sở Văn hóa và Thể thao ưu tiên tập trung triển khai trong giai đoạn tới, để qua đó góp phần cùng với Tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến 2045 và Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030./.