Thiền sư được ca ngợi là Thánh tổ của đạo phù thủy nước Đại VIệt, tên Dương Không Lộ (1016 - 1094), húy Dương Minh Nghiêm, hiệu Khổng Lồ đọc tránh Không Lộ pháp hiệu là Thông Huyền chân nhân, quê gốc làng Giao Thuỷ (sau đổi là làng Hộ Xá), phủ Hải Thanh (đời Trần đổi là Thiên Thanh, sau lại đổi là Thiên Trường) tỉnh Nam Định, quê mẹ có một nguồn nói ở mạn Duyên Hà (Thái Bình), lại có nguồn khác nói ở quê mẹ là làng Hán Lý, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Không Lộ sinh ngày 13 tháng 9 năm Bính Thìn niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) đời Lý Thái Tổ, tại doi đất sau này được gọi là làng Lại Trì, phủ Kiến Xương (Thái Bình).
Ông xuất thân làm nghề chài lưới, nhưng giỏi văn chương và mộ đạo Phật. Không Lộ là một Thiền sư triều nhà Lý được phong làm Quốc sư, đã từng tu ở các chùa: Hà Trạch, Diên Phúc (sau đổi Viên Quang), Nghiêm Quang (sau đổi Thần Quang - chùa Keo), Chúc Thánh. Không Lộ vừa được coi là thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông vừa được cho là thuộc thiền phái Thảo Đường.
Bách khoa toàn thư wikipedia chép: Gia đình Dương Không Lộ sống ở làng Lại Trì, chuyên nghề chài lưới ven sông. Khi lớn lên, ông lấy việc câu cá, quăng chài làm vui và thường du ngoạn nhiều nơi danh lam thắng cảnh, tuỳ hứng ngâm vịnh và sáng tác thơ ca. Năm Giáp Thân (1044) triều Lý Thái Tông, ông 29 tuổi, bỏ nghề đánh cá để theo học đạo thiền. Ban đầu ông theo học Noãn cư sĩ làng Bảo Tài (chưa rõ nay ở đâu). Sau ông đắc đạo, trở thành Tổ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông, một thiền phái được thành lập ở nước ta vào đầu thế kỷ thứ IX. Năm Đinh Dậu (1057) ông chuyển sang theo học thiền phái Thảo Đường. Thảo Đường thiền sư từng nhận xét về học trò Không Lộ của mình: “Chú này cốt cách phi phàm, sau này tất làm pháp tự”.
Quả nhiên về sau, Không Lộ trở thành Tổ đời thứ 3 của thiền phái Thảo Đường. Năm Kỷ Hợi (1059), Không Lộ tu tại chùa Hà Trạch, rồi chuyển về tu ở chùa Duyên Phúc (tức chùa làng Hộ Xá) sau đổi là chùa Viên Quang (Xuân Ninh - Nam Định). Năm Nhâm Dần (1062) Không Lộ cùng Giác Hải và Đạo Hạnh đi Tây Trúc cầu kiến Phật Tổ, được Phật Tổ giác ngộ và truyền cho phép lạ. Năm Quý Mão (1063) Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang (sau đổi là Thần Quang - chùa Keo) tại làng Dũng Nhuệ. Sau do đất lở xuống sông Hồng, chùa được chuyển sang làng Dũng Nghĩa (Vũ Thư, Thái Bình). Năm Nhâm Tý (1072), Không Lộ cùng Giác Hải chữa khỏi bệnh sợ tắc kè kêu cho vua Lý Nhân Tông. Ông được phong làm Quốc sư.
Ngày 3 tháng 6 năm Giáp Tuất (1094), Không Lộ thiền sư viên tịch, thọ 79 tuổi. Ngày 10 tháng 8 năm Ất Hợi (1095) thiền sư Giác Hải thu thập xá lợi của Không Lộ, xây tháp để chôn cất, tạc tượng để thờ tại chùa Nghiêm Quang. Vua Lý Nhân Tông xuống chiếu tu sửa chùa, cắt 3.000 hộ (có tài liệu 20 hộ) hương khói phụng thờ ông.
Sách Thiền uyển tập anh chép: Thời vua Lý Nhân Tông, thiền sư Giác Hải thường cùng Thông Huyền chân nhân, bị triệu vào nhà hóng mát hầu hạ, bỗng có tiếng cắc kè kêu nhau chối tai, đáng ghét. Vua khiến Huyền làm cho nó đừng kêu. Huyền bèn lâm râm niệm chú, làm rơi trước một con. Huyền cười Sư, Sư bảo "Ðang còn một con, để đó cho Sa môn". Sư chú mục nhìn, trong giây lát, nó cũng rơi theo. Vua lấy làm lạ, làm một bài thơ khen:
Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo hựu huyền
Thần thông kiêm biến hóa
Nhất Phật, nhất Thần tiên.
Dịch:
Giác Hải lòng như biển
Thông Huyền đạo rất huyền
Thần thông kiêm biến hóa
Một Phật, một Thần tiên.
Từ đó, tiếng tăm Sư vang khắp thiên hạ, tăng tục ngưỡng chuộng. Vua thường đối đãi Sư như bậc thầy. Mỗi lần ra chơi hành cung Hải Thanh, vua tất đến chùa Sư trước. Câu đối ở chùa Keo Hành Thiện (Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) nơi thờ Không Lộ thiền sư:
Pháp thị thiên tiên tâm thị phật
Hương vi thánh tổ quốc vi sư.
Dịch:
Phép là tiên trời, tâm là phật
Quê tôn thánh tổ, nước tôn thầy.
Phép là tiên trời, tức là phép của đạo sĩ. Tâm mới từ bi như phật. Đây cũng chính là giáo lý của phái Không Lộ: tu tiên và lấy đức theo phật, chứ không phải tu phật. Không Lộ thiền sư là vị thánh tổ của đạo phù thủy nước Đại VIệt.
Không những giai thoại về vị thiền sư làm ta khó lý giải, mà đến nay việc Sự tích của Dương Không Lộ thường bị lẫn lộn với thiền sư Nguyễn Minh Không, vì cùng là thiền sư giỏi chữa bệnh và đều được phong Lý Quốc Sư.
Có tài liệu chép: Theo khảo cứu của Nguyễn Lang thì tác giả Thiền uyển tập anh khởi thảo bởi thiền sư Thông Biện (?—1134) chuyển tiếp qua các thiền sư Biện Tài, Thường Chiếu, Thần Nghi đến Ẩn Không (tức Na Ngạn đại sư) là người cuối cùng hoàn thành việc biên soạn vào khoảng cuối thời Lý. Nếu vậy, chuyện về thiền sư Không Lộ cũng đã qua đi trên đưới 10 năm. Có thể nói, Không Lộ thiền sư đã trở thành nhân vật anh hùng văn hoá Đại Việt thời Lý. Khi nhập thế, Không Lộ là người khổng lồ, khi thiền định, tu tập ông là người đắc đạo. Mặt khác, đương thời đạo Phật đã trụ vững trên đất Đại Việt, nhưng tín ngưỡng bản địa vẫn tiềm ẩn sức mạnh, nên hình ảnh của thiền sư Không Lộ càng được phác hoạ nhiều vẻ.
Sách An Nam chí lược của Lê Tắc viết vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV có đoạn Không Lộ và Giác Hải kể rằng: “Hai nhà sư thường vào Trung Quốc xin đồng để đúc chuông, lúc về có thần nhân ủng hộ, thuyền đi một buổi chiều về đến quê hương, đúc hai cái chuông, một cái lớn, một cái nhỏ treo ở chùa trên núi Phả Lại, mỗi khi đánh tiếng vọng rất xa, tiêng đồn đến Trung Quốc. Chẳng bao lâu, mưa lớn, nước ngập, chuông bị rơi xuống khe Bãi Nan, trôi mất. Nhà sư sợ mất nốt chuông nhỏ, bèn lấy sắt đóng lại, nay vẫn còn. Tương truyền Không Lộ có tài bay lên không trung, Giác Hải có tài lặn xuống nước".
Lê Tắc đã căn cứ vào Thiền uyển tập anh và tư liệu truyền thuyết dân gian, để viết về "hai nhà sư" mà danh tích rất chung chung. Đại Việt sử ký thời Lê chỉ chép sự kiện: Tháng 3 năm Bính Thìn (1136) "Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha phu dịch cho vài trăm hộ. Tục truyền rằng, khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc và thần chú giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không và dặn rằng 20 năm sau, nếu thấy quốc vương bị bệnh nặng thì chữa ngay.
Hồ Nguyên Trừng trong Nam ông mộng lục, ở truyện Sự thần dị của Minh Không có đoạn: "Hương Giao Thủy có chùa Không Lộ. Trước đấy có nhà sư họ Nguyễn, tên là Minh Không đến dựng nghiệp ở Khai Bình, rồi xuất gia, ngụ tại chùa này. Nhà sư là người đức hạnh rất nổi tiếng". Trích lục điểm những thông tin từ Thiền uyển tập anh đến Nam ông mộng lục thì ta thấy tiểu sử của Không Lộ và Minh Không thật mờ nhạt; còn hoàn cảnh xuất thân và công tích khi đã thành đạt lại tương đối giống nhau. Nếu đi sâu tìm hiểu những truyền thuyết dân gian về hai ông ở Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, câu chuyện sẽ đặt ra nhiều nhiều lần rằng, trong các tình tiết và mối liên hệ, vậy đây là hai hay một nhà sư.
Sách Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ XV) có riêng hai chuyện: 1. Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không. Truyện Dwong Không Lộ và Nguyễn Giác Hải nói rõ Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ là hai người, với hai mối quan hệ khác biệt. Cụ thể là "Xưa ở làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng, đất Trường Yên, có người tên là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Thanh, hiệu là Minh Không quốc sư, lúc ít tuổi đi du học, gặp Đạo Hạnh, được truyền đạo hơn mười năm. Còn "Thiền sư Không Lộ ở chùa Nghiêm Quang, huyện Hải Thanh là người họ Dương ở đây… thường cùng Giác Hải là đạo hữu". Nguyễn Minh Không chữa bệnh cuồng loạn cho Lý Thần Tông, được phong quốc sư. "Năm Tân Sửu, niên hiệu Thái bình thứ 22, Minh Không tạ thế, thọ 72 tuổi". Dương Không Lộ "có thể bay lên không, đi trên băng giá, bắt được hổ phải phục, rồng phải giáng". Ngày 3 tháng 6 năm Kỷ Hợi niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 10 thì chết". Đáng chú ý là lúc sinh thời Dương Không Lộ "trong các năm Chương Thánh Gia Khánh, đời Lý Thần Tông thường cùng Giác Hải … ".
Còn có nhiều tài liệu khác viết về Minh Không và Không Lộ, mỗi người nói một kiểu. Tuy nhiên, chắc chắn có một Thiền sư tài ba, đắc đạo đã ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc Việt Nam./.