Khám phá tục thờ “Thần Cẩu” của người dân xứ Huế

07/01/2020 15:58

Theo dõi trên

Khác với những vùng quê thờ cúng hòn đá, gốc cây… hai làng Phổ Trung, Phổ Đông, (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), có tục thờ "thần cẩu" ngay đầu cổng làng hàng trăm năm nay.



Bức tượng “thần cẩu” được người dân lập nên, đặt ngay trước hai cổng làng Phổ Trung, Phổ Đông.

Tìm về xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, TT Huế hỏi về tục thờ thiên cẩu không ai không biết đến đây là phong tục độc đáo của người dân hai làng Phổ Trung và Phổ Đông.

Khi hỏi về lý do dân làng thờ cúng bức tượng chó đá và gọi đây là ngài “thần cẩu” các cụ cao niên ở đây cho biết: Dân làng cũng không biết chính xác lúc nào, và ai đã khởi xướng việc lập miếu thờ này. Tuy nhiên, theo cụ Võ Quang Huề, 90 tuổi, người làng Phổ Trung kể lại sự tích đầy tính li kì, huyền bí.

Chuyện rằng, xưa kia ở phía bên kia con hói nhỏ, nằm đối diện 2 làng Phổ Đông và Phổ Trung có nhiều đình làng, từ đường họ tộc, thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế nổi tiếng linh thiêng.


Những đình này chiếu sang đã át hết sự thịnh vượng, tài lộc của hai làng Phổ Trung, Phổ Đông, người dân làm ăn khó khăn, thế hệ trẻ học hành không có ai thành đạt…
 

Để trấn giữ cho thôn, làng cũng như đem lại sự bình an, thịnh vượng trong việc làm, học hành, thi cử, nên dân làng đã lập hai miếu thờ “thần cẩu” ngay trước cổng làng. Bởi, loài chó có chức năng canh giữ nhà cửa, sủa to báo động cho chủ nhà biết khi có người lạ xâm nhập, có sự cố bất thường xảy ra, trấn áp được thế lực xấu.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, tượng “thần cẩu” ở đây cũng được nhiều lần thay hình, đổi dạng. Xưa kia, người ta lấy một tảng đá đẻo, gọt thành hình con chó, chỉ tượng trưng hình dạng, chứ chưa thể hiện rõ nét từng chi tiết, bộ phận thân hình con chó.  

Ngày nay khi con cháu đỗ đạt thành tài, trở về quê hương tôn trọng ngài thiên cẩu, nên đã bỏ tiền đúc tượng bằng men sứ, có mái che trên am thờ. Miếu thờ thần luôn được dân làng quét dọn sạch sẽ. Hàng tháng người làng thắp hương đều đặn vào những ngày mười bốn, ngày rằm, ngày 30 và mồng 1 (Âm lịch) để thần không quở trách và bảo vệ, mang lại sự bình an cho dân làng. Khi trong làng có lễ lạt gì, họ đều đem mâm lễ đến miếu “thần cẩu”, mâm lễ có gì thì cúng nấy như con gà, xôi, cau trầu, rượu,… Những năm làng tổ chức lễ lớn, mổ heo bao giờ dân làng cũng dâng lên thần chiếc thủ heo.
 


Dân làng thay phiên nhau quét dọn sạch sẽ ngôi miếu, hương khói đều đặn… Người dân làng Phổ Trung, Phổ Đông tin vào sự linh thiêng của “thần cẩu” và tin rằng ngài sẽ luôn bảo vệ làng…

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, trong quan niệm của người Việt xưa, chó là con vật gần gũi, trung thành và mang lại nhiều may mắn. Nghe tiếng sủa của chó thì ma quỷ không dám đến gần nhà, vậy nên nhiều địa phương có tục thờ “thần cẩu” hoặc đặt tượng chó đá trước cổng như một linh vật cầu phúc, trừ tà.

Dân gian xưa cũng quan niệm, chó nhổm dậy mừng rỡ mỗi khi có người học trò đi qua là điềm báo cho người đó biết rằng kỳ thì sắp tới sẽ đỗ đạt cao. Vì vậy nhiều người cũng tin rằng việc thờ “thần cẩu” cũng là cầu may mắn trong khoa danh, thi cử.

Dù không có sách sử nào ghi lại cụ thể việc thờ “thần cẩu” chưa có bằng chứng xác đáng hiệu quả tâm linh, nhưng đây là nét văn hóa tâm linh độc đáo của hai làng Phổ Trung, Phổ Đông đã gìn giữ qua thăng trầm thời gian đến nay.
 
Xuân Trường - Bảo Trung

Bạn đang đọc bài viết "Khám phá tục thờ “Thần Cẩu” của người dân xứ Huế" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.