Thắng cảnh đặc biệt bên trong Đại nội Huế

15/01/2018 13:44

Theo dõi trên

Là một trong những chuỗi công trình khánh thành nhằm mục đích chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lầu Tứ Phương vô sự hiện nay trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng đối với những du khách muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của kiến trúc Cố đô đầu thế kỷ XX.


Được xây dựng vào năm 1923 dưới triều vua Khải Định, đây là nơi nghỉ ngơi, học tập của hoàng tử, công chúa trong hoàng gia. Bên cạnh đó lầu mang cái tên "Tứ phương vô sự" gắn với niềm mong muốn tứ phương an bình, khát khao muốn hòa bình của vua Khải Định.

Lầu Tứ Phương Vô Sự được xây theo phong cách kiến trúc thuộc địa, giao thoa kiến trúc Á - Âu, gồm hai tầng với diện tích lên đến gần 200m2. Lầu nằm trên nền đài Bắc Khuyết của Hoàng thành Huế, gần với cửa Hòa Bình - cửa Bắc Hoàng thành. Tòa lầu cũng nằm trên trục "thần đạo" Tây Bắc - Đông Nam của Hoàng thành, nối thông các công trình quan trọng nhất Đại Nội.


Đây được đánh giá là công trình kiến trúc có giá trị cao về lịch sử và văn hóa nghệ thuật của đất Cố đô. Cùng với Lăng Khải Định, Lầu Tứ Phương Vô Sự là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, đánh dấu một giai đoạn giao thoa trong kiến trúc cổ điển phương Đông và kiến trúc đương đại phương Tây thế kỷ XX.  

Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm Mậu thân 1968, Lầu Tứ PHương Vô Sự bị hư hại nặng nề và trở thành phế tích trong hơn 30 năm. Đến giai đoạn năm 2008, Trung Tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quyết định mở dự án trùng tu, phục dựng nguyên dạng Lầu Tứ Phương và đến năm 2010 thì hoàn thành cùng lúc kịp thời gian đón chào đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ngày nay, lầu Tứ Phương Vô Sự đã được sử dụng làm nơi bán Cà phê kết hợp với nền tảng du lịch văn hóa truyền thống của xứ Huế. Du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan lầu có thể trải nghiệm phong cảnh nên thơ, trữ tình của Tử Cấm Thành khi ở trên tầng Lầu. Bên cạnh đó, mỗi thứ 7 hằng tuần, BQL lầu đều tổ chức đêm áo dài cùng những bản nhã nhạc cung đình. Tất cả hứa hẹn đem lại cho du khách những trải nghiệm khó quên khi đắm mình trong nền văn hóa cung đình xưa. 
 
Bảo Trung - Xuân Trường

Bạn đang đọc bài viết "Thắng cảnh đặc biệt bên trong Đại nội Huế" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.