Đây là một trong những hoạt động, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Văn hóa (28/8/1945-28/8/2015).
Tham dự làm việc cùng với đoàn công tác có Phó Giám đốc Sở VHTTDL Tuyên Quang Nguyễn Vũ Phan, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Lịch sử Văn hóa và Sinh thái Tân Trào Hoàng Như Loan, lãnh đạo xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.
Di tích Nha Thông tin nằm trên địa phận thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Tại đây, từ giữa năm 1951 đến đầu năm 1952, Nha Thông tin có khoảng 40 người do đồng chí Trần Văn Giàu làm Tổng Giám đốc. Nha Thông tin gồm có các bộ phận: Văn phòng ; Ban Nghiên cứu tài liệu, đề xuất ý kiến về tổ chức hệ thống Thông tin từ Trung ương đến khu, tỉnh, huyện, xã ..; Ban Sưu tầm tư liệu, tài liệu của Trung ương Đảng, Chính phủ; Ban Biên tập triển khai biên tập tin tức trong nước, tin nước ngoài từ các phóng viên đưa về; Ban Điện vụ: nhận tin đầy đủ từ các đài lưu động, từ chiến trường để cung cấp kịp thời, chính xác tới Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ.
Sau Chiến dịch Biên giới 1950, Nha Thông tin đã chú trọng các kinh nghiệm nghiệp vụ và xây dựng tổ chức thông tấn, có tin đối ngoại, tin thế giới, tin phổ biến, tin Tham khảo, tin trong nước…Trong thời gian ở và làm việc tại thôn Mới, xã Minh Thanh nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung, Nha Thông tin đã sử dụng những bản tin, bài báo, những áng văn chương, những bài thơ, những bài hát cách mạng, thông tin trên Đài phát thanh để phản ánh đời sống và tình hình chiến sự của đất nước trong giai đoạn này. Những thông tin này đã tuyên truyền, khích lệ các tầng lớp nhân dân thực hiện những nhiệm vụ khẩn cấp như diệt giặc đói, giặc dốt, vạch rõ âm mưu của địch, nâng cao ý chí, niềm tin cách mạng, đồng sức, đồng lòng tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực thực dân Pháp xâm lược.
Theo Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Lịch sử Văn hóa và Sinh thái Tân Trào Hoàng Như Loan: Trải qua thời gian, di tích lịch sử Nha Thông tin bị xuống cấp. Từ năm 2005, được sự quan tâm của Bộ Văn hóa- Thông tin, (nay là Bộ VHTTDL) đã đầu tư , xây dựng Nhà Bia, xây dựng, tôn tạo khuôn viên khu vực nhà Bia rộng khoảng 1ha, Nhà Văn hóa thôn Mới. Từ năm 2006, chính thức bắt đầu đi vào khai thác, sử dụng. Nơi đây là điểm điểm về nguồn của các thế hệ làm công Văn hóa, Thông tin, Báo chí, các đoàn viên thanh niên của cả nước cũng như của Tuyên Quang.
Đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế khu vực dựng Bia lưu niệm di tích lịch sử Cách mạng Nha Thông tin tại xã Minh Thanh. Từ bãi đỗ xe, qua các bậc lên xuống được lát gạch sạch sẽ, hai bên và trong khuôn viên khu vực Bia Lưu niệm có trồng các loại cây xanh: Đại, Si, đa, cau cảnh.. Chính giữa là tấm bia ghi đầy đủ nội dung về lịch sử Nha Thông tin, lời kêu gọi các thế hệ cán bộ làm công tác Văn hóa- Thông tin phát huy truyền thống trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bia được khởi công ngày 8/5/2005, hoàn thành ngày 28/8/2005. Ngay phía dưới khu vực Bia Lưu niệm, có Nhà Văn hóa thôn Mới, được xây dựng khang trang, có tủ sách, bàn ghế để bà con cũng như các cháu thiếu nhi đến vui chơi, sinh hoạt, đọc sách tìm hiểu về cách làm ăn, phát triển mô hình kinh tế vào cuối tuần.
Qua khảo sát, các thành viên trong đoàn công tác nhận thấy: Khu vực Bia Lưu niệm đã được Bộ VHTTDL quan tâm đầu tư, rất cần sự phối hợp của địa phương trong việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, quan tâm cả cây xanh phía bên ngoài di tích, thu dọn các loại lá cây, hiện tại có một số cây cau đã chết cần có phương án trồng cây mới, đường đi dẫn vào khu vực nhà Bia có một số đoạn bị lún, cần lưu ý về vấn đề nhà vệ sinh dành cho khách, lưu ý về công tác phòng chống cháy nổ, bãi đỗ xe đón khách. Nên mở cửa Nhà Văn hóa thường xuyên, Tủ sách Nhà Văn hóa nên bổ sung sách, ấn phẩm của Tuyên Quang nói chung và Sơn Dương nói riêng nhằm phục vụ, cung cấp thông tin cho khách đến tham quan…
Trao đổi cùng đoàn công tác tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở VHTTDL Tuyên Quang, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Du lịch Lịch sử Văn hóa và Sinh thái Tân Trào, lãnh đạo xã Minh Thanh đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư của Bộ VHTTDL đối với các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói chung và ở huyện Sơn Dương nói riêng. Phó Giám đốc Sở VHTTDL Tuyên Quang Nguyễn Vũ Phan nhấn mạnh: “ Các di tích lịch sử này, trong thời gian qua đã phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống, là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa khi về thăm Thủ đô kháng chiến”.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Thanh Nguyễn Ngọc Sản đề xuất: “ Rất mong lãnh đạo Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL Tuyên Quang quan tâm, hỗ trợ trong việc chống xuống cấp Đình Thanh La nơi ghi đậm nhiều dấu về Cách mạng tháng Tám năm 1945, đây là nơi phất cờ, giành chính quyền đầu tiên trong cả nước. Khu vực nhà bia, qua thời gian có một số hạng mục đã xuống cấp cần được đầu tư, hỗ trợ xây dựng nhà bảo vệ khu lưu niệm đồng thời cũng là nơi đón khách khi đến tham quan”. Phó Trưởng thôn Mới xã Minh Thanh- Nguyễn Đức Kiểu kiến nghị: “ Khu vực Nhà Văn hóa cần được đầu tư về hệ thống quạt, đèn chiếu sáng, bổ sung thêm các loại sách, xin được đầu tư máy vi tính giúp bà con cập nhật, trao đổi thông tin, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân…”.
Thay mặt đoàn công tác, Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ VHTTDL Nguyễn Hữu Giới cho biết: Nội dung của chuyến khảo sát cùng những ý kiến đề xuất, kiến nghị sẽ được đoàn công tác báo cáo với lãnh đạo Bộ VHTTDL, để có kế hoạch cụ thể đối với từng đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL cũng như có chương trình, nội dung phối hợp với Sở VHTTDL Tuyên Quang Đoàn Thanh niên xã Thanh Minh như trồng cây xanh, tặng tặng sách, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp sức để khu di tích lịch sử Cách mạng Nha Thông tin ngày càng được khang trang, sạch đẹp, là điểm về nguồn đầy ý nghĩa của những người làm công tác Văn hóa, góp phần cùng Bộ VHTTDL tổ chức thành công lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Văn hóa 28/8/2015.
Trong thời gian làm việc tại Tuyên Quang, đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã đến tham quan, dâng hương tại một số di tích tại huyện Sơn Dương; lán Nà Nưa, đình Hồng Thái, đình Tân Trào, thăm cây đa Tân Trào.