Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để thu hút đông đảo du khách thập phương về với lễ hội Đền Cuông năm 2024

06/03/2024 21:44

Theo dõi trên

Ban tổ chức lễ hội Đền Cuông (huyện Diễn Châu, Nghệ An) tổ chức họp, triển khai kế hoạch chuẩn bị lễ hội Đền Cuông năm 2024.

z5223619600228-eb2baff7cfb7698a2620d246a30e093c-1709731343.jpg
Đền Cuông (xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu

Đền Cuông, đền thờ An Dương Vương, vị vua cách nay hơn 2.250 năm về trước, đã lập lên nước Âu Lạc, dựng kinh đô Phong Khê, xây thành Cổ Loa kiên cố. Vì không tỉnh táo trước âm mưu thâm độc của bọn bành trướng phương Bắc nên An Dương Vương đã sa cơ.

Sự nghiệp của Thục Vương kéo dài 50 năm, khởi đầu từ năm 218 TCN, khi các lạc tướng suy tôn là vị lãnh tụ. Kháng chiến thắng lợi, Thục Vương nắm trọn quyền uy, dốc sức dựng cơ đồ đại nghiệp. Thế nhưng, lại kết thúc một cách bi thảm vào năm 208 TCN, tại “Bến An Dương”. “Bến An Dương”, xưa là Cửa Hiền, bị bồi lấp từ lâu, nằm ở phía Đông Nam đền thờ An Dương Vương, nay thuộc xã Nghi Yên, Nghi Lộc. Trên sườn núi cận kề QL1A là tòa miếu cổ kính nguy nga, một di tích văn hóa lịch sử lâu đời, dựng lên từ ngàn năm trước.

Lễ hội đền Cuông chính thức được tổ chức từ năm 1993, trước đó chỉ tồn tại dưới hình thức là lễ tế thần. Đến nay, lễ hội được tổ chức thường niên từ ngày 12 đến 16/2 âm lịch. Tuy mới được phục hồi từ năm 1993, nhưng hằng năm, lượng khách về tham quan chiêm bái và tham gia lễ hội đền Cuông đã tăng lên đáng kể. Nơi đây được du khách biết đến như một điểm du lịch tâm linh đầu năm, trở thành nếp sống sinh hoạt không thể thiếu của người dân xứ Nghệ. 

z5223619622436-f6f5776e3a09fa9168a61c1139ad749c1-1709731540.jpg
Lễ hội được tổ chức thường niên từ ngày 12 đến 16/2 âm lịch

Xưa kia, triều đình quy định lễ hội đền Cuông là quốc lễ, quốc tế. Trên mặt chính của lầu từ cổng tam quan đền Cuông hiện vẫn còn lưu được dòng chữ Hán đắp nổi rất lớn “Quốc tế thượng từ” (Đền nhà nước tế). Phần lễ của lễ hội đền Cuông bao gồm 5 lễ: lễ khai quang, lễ yết, lễ cáo trung thiên, lễ đại và lễ tạ. Ngoài ra, còn có thêm lễ túc trực. Khi tham gia lễ, các vị trong ban hành lễ sẽ phải mặc lễ phục theo quy định.

Bên cạnh phần lễ là phần hội cùng với các trò chơi dân gian: chọi gà, cờ thẻ, cờ người, vật, đu dây; các môn thể thao: bóng chuyền, bóng bàn, kéo co, leo núi; các hoạt động văn hoá, văn nghệ; biểu diễn nghệ thuật, hát chầu văn, thi nét đẹp đền Cuông, chiếu phim video, trưng bầy triển lãm lưu động các chuyên đề về di tích danh thắng - lễ hội của Nghệ An. Trong những năm gần đây, Ban tổ chức lễ hội còn đưa vào phần hội những hoạt động sôi nổi như hội trại thanh niên, hội thi Thanh niên thanh lịch lần thứ 3 (năm 2019) thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong vùng.

z5223619631473-eb4c171e3a53a617c6ecdde2eded7d2b-1709731604.jpg
Điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách dịp đầu xuân

Ban tổ chức lễ hội đã phân công giao nhiệm vụ cho các phòng, ban ngành và xã Diễn An. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để thu hút đông đảo du khách thập phương về với lễ hội. Đồng thời rà soát cơ sở vật chất, hệ thống nước, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy… tạo sự yên tâm cho du khách khi về tham gia lễ hội.

Lễ hội đền Cuông hiện nay đã trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người dân địa phương. Lễ hội được tổ chức hằng năm như một sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người có công với đất nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà thế hệ trẻ ngày nay cần học hỏi và phát huy.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để thu hút đông đảo du khách thập phương về với lễ hội Đền Cuông năm 2024" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.