Đền Cuông được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây cũng là nơi nói về truyền thuyết Thần Thục An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa và mối tình đầy bi thương của công chúa Mỵ Châu - Trọng Thủy.
Câu chuyện tình yêu - Lời thề hóa đá!
Nhắc đến Đền Cuông Nghệ An chắc hẳn ai cũng biết đến truyền thuyết Thần Thục An Dương Vương, Thành Cổ Loa và câu chuyện tình yêu đầy bi thương của Công Chúa Mỹ Châu Trọng Thủy.
Truyền thuyết kể rằng: Thục phán An Dương Vương nổi tiếng với tài binh lược và đặc biệt gắn liền với ông là ngôi thành Cổ Loa huyền thoại. Không chỉ vậy, ngôi thành này còn gắn liền với vị thần Kim Quy và cái nỏ thần. Bắt đầu từ đó, đất nước Âu Lạc thời bước vào thời kỳ hưng thịnh và không lo nạn giặc ngoại xâm. Vào cuối đời Tần, Triệu Đà gốc Hán chiếm cứ Uất Lâm (Quý Huyện - Quảng Tây), Nam Hải (Quảng Châu - Quảng Tây), lập nước Nam Việt, xưng vương đóng đô ở Phiên Ngung. Triệu Đà mang mộng xâm lấn mở mang bờ cõi nên y nhiều lần đem quân nhằm thôn tính nước Âu Lạc, thế nhưng mấy lần đem quân sang đều bị thất bại bèn lập kế cầu hòa.
Thục An Dương Vương không những chấp nhận mà còn gả con gái yêu là Mỵ Châu cho Trọng Thủy, con trai vua Triệu Đà. Sau khi được “nhạc phụ” tin tưởng, Trọng Thủy bắt đầu ý đồ ăn cắp lẫy nỏ thần và báo về cho vua cha. Có lẫy nỏ thần trong tay, chắc thắng sẽ đánh bại Âu Lạc, Triệu Đà hí hửng cất quân đánh. Do chủ quan có nỏ thần hộ mệnh, giặc đến sát chân thành mà quân Thục vẫn đủng đỉnh không thèm nghênh chiến, nên thua to. Mất thành, An Dương Vương cùng con gái chạy vào Nghệ An lánh nạn.
Sau khi cùng Mỵ Châu lên ngựa phóng về phương Nam, tới nơi bờ biển chắn ngang, đường bị cắt đứt, đò giang không thấy bóng người, An Dương Vương kêu lên rằng: “Trời đã bỏ ta, hỡi sứ giả đại giang mà ta đã gặp, hãy cứu ta!”. Từ mặt nước, thần Kim Quy nhô lên và nói: “Bệ hạ đang mang theo kẻ thù trên lưng ngựa. Cớ sao còn để làm gì?”. Thục An Dương Vương rút kiếm định chém đầu Mỵ Châu, thì nàng khẩn khoản lạy thưa: “Nếu vì lòng phản bội mà hại phụ vương thì sau khi chết con sẽ trở thành cát bụi. Nhưng nếu vì mù quáng, cả tin mà dẫn đến cảnh ngộ này thì sau khi con chết con sẽ hóa thành đá…” Vừa dứt lời, An Dương Vương chém Mỵ Châu. Nàng nằm sóng soài trên cát trắng, máu nàng chảy xuống biển, những con trai hớp được đã biến thành ngọc quý ở trong lòng trai. Thi thể của nàng chìm xuống đáy sâu của biển và cũng biến thành một tảng đá.
Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng đuổi tới nơi thì Mỵ Châu đã chết, Trọng Thủy thương đau khôn dứt tìm đến nơi Mỵ Châu tắm gieo mình xuống giếng quyên sinh. về sau mò được ngọc trai ở biển Đông đem đến rửa ở giếngnày đều thấy ngọc ánh hào quang kỳ lạ. Giếng này sau này người ta gọi đó là giếng Ngọc, giếng nước luôn luôn trong xanh. Về sau các vua Tàu bắt vua nước ta mỗi lần sứ giả sang cống phải mang thêm chum nước Giếng Ngọc. Ngày nay Giếng ngọc được đặt trong trung điện đền Cuông.
Cách một cái sân nhỏ là đền thượng ba gian. Gian giữa bàn thờ công chúa, có mũ cườm và giày hai bên thờ mười hai nàng hầu. Người đến lễ không bao giờ ngớt. Phần lớn là những trai gái đến tuổi yêu đương và những cặp vợ chồng mới cưới.
Sự linh thiêng của lễ hội Đền Cuông
Đền Cuông - một ngôi đền nguy nga ở lưng chưng núi Mộ Dạ, kề đường thiên lý, nay là đường quốc lộ. Đền Cuông cũng là danh thắng mà bất cứ ai đã đến sẽ khó quên bởi sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên như thể đã có một sự thoả thuận từ ngàn đời trước giữa tạo hoá và bàn tay con người.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, việc tế lễ hàng năm ở đền Cuông một thời gian dài sau đó không thực hiện được. Mãi đến năm 1993, lễ hội đền Cuông được phục hồi. Sau khi đền Cuông được tôn tạo và lễ hội hoạt động trở lại, người dân đã chứng kiến những sự việc có mức độ trùng lặp đến lạ kỳ. Đó là chim hạc bay về đền đúng ngày khai mạc Lễ hội đền Cuông năm 1995, rồi cá voi chết dạt vào bờ biển cửa Hiền dịp lễ hội đền Cuông năm 1996. Mọi người đinh ninh rằng, hạc về là hiện thân cho Mỵ Châu và cá voi chết dạt vào bờ biển là minh chứng cho cái chết đầy bi thảm của An Dương Vương. Những sự kiện ấy càng làm cho lễ hội đền Cuông thêm linh thiêng hơn.
Ngoài ra trong những ngày lễ hội người dân ở đây còn tổ chức các trò chơi truyền thống như: Thi đấu thể thao như đánh đu, chọi gà, kéo co, cờ người, biểu diễn võ cổ truyền, thi đấu bóng chuyền, hội trại... ban đêm có hát ca trù, tuồng, chèo, đốt lửa trại… không khí lễ hội thật là hấp dẫn, tưng bừng, náo nhiệt.
Như vậy, có thể thấy dòng truyền thuyết về An Dương Vương trên mảnh đất Nghệ An đã thu hút không chỉ về những nhân vật chính trong truyền thuyết mà còn về truyền thống gìn giữ văn hóa dân tộc ta.