Quảng Ngãi lên kế hoạch bảo tồn công viên địa chất Lý Sơn

18/08/2017 15:37

Theo dõi trên

Chiều 17/8, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tổ chức phiên họp về “Xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lý Sơn và dự án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).



Cuộc họp về bảo tồn khẩn cấp đảo Bé và công viên địa chất Lý Sơn - Ảnh: Phú Nhiêu

Từ những kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, khu vực Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận tích hợp nhiều loại hình di sản giá trị trong đó nổi bật nhất là di sản địa chất. Di sản địa chất ở đây được hình thành do hoạt động phun trào núi lửa nhiều giai đoạn kế tiếp nhau từ 9 - 10 triệu năm đến trên dưới 3000 năm cách ngày nay.

Cùng với các cụm đảo như Cồn cỏ (Quảng Trị), Phú Quý (Bình Thuận), hoạt động núi lửa Lý Sơn liên quan chặt chẽ với loạt đứt gãy tách giãn tích cực. Hoạt động đứt gãy này có tính kế thừa đứt gãy Sông Hồng, là hệ thống địa động lực hình thành tiếp sau quá trình va đẩy của tiểu lục Ấn Độ vào Âu Á cách đây 40 triệu năm, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc hình thành biển Đông hiện nay, là nguyên nhân gián tiếp làm phun trào dung nham núi lửa tại khu vực Lý Sơn - Bình Châu. Vùng núi lửa Lý Sơn - Bình Châu có tính đại diện cho hoạt đọng phun trào tuổi Neogen - Đệ tứ tại Việt Nam. 

Khu vực Lý Sơn - Bình Châu và các vùng lân cận có thể được coi là Bảo tàng thiên nhiên lớn về núi lửa biển. Dấu tích rõ nét nhất được các nhà khảo cổ học phát hiện tại 2 di chỉ Xóm Ốc (xã An Vĩnh, Lý Sơn) và Suối Chình (dưới chân núi Thới Lới - xã An Hải - Lý Sơn), di tích Bình Châu 1, Bình Châu 2. Đây là những dấu tích quan trọng, bằng chứng cho sự xuất hiện và tồn tại của cư dân Sa Huỳnh sinh tụ trong thời gian dài trong khu vực. 

Công viên địa chất Lý Sơn có giá trị về hệ sinh thái, nơi đây có trên 700 loài động thực vật, bao gồm 200 loài cá, 137 loài rong biển, 70 loài rong biển, 70 loài thân mềm, 157 loài san hô, 96 loài giáp xác,…
 


Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ (áo màu xanh) đi thăm huyện đảo Lý Sơn - Ảnh: Phú Nhiêu 

Do vậy, để bảo tồn và phát huy các giá trị của công viên địa chất Lý Sơn - Bình Châu, kiến tạo núi lửa - biển. Quảng Ngãi đang tiến hành xác lập hồ sơ, bảo tồn đảo Bé, đảo Lớn tiến tới trình UNESCO công nhận công viên địa chất Lý Sơn toàn cầu. Hồ sơ chính không quá 70 trang, kể cả bảng biểu, hình vẽ, nghiên cứu, dự kiến tổng cộng khoảng 500 trang, dịch sang tiếng Anh. 

Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ nhận định, trong thời gian qua, các sở, ngành và sự giúp đỡ các nhà khoa học, chúng ta đã có những cơ sở bước đầu rất quan trọng. Ông khẳng định giá trị di sản địa chất Công viên địa chất Lý Sơn. Trong quá trình lập đề án, cần nhấn mạnh lấy cộng đồng dân cư làm chủ thể phát triển, gắn với sự tham gia các doanh nghiệp, nhà nước. 

Ông Lê Viết Chữ yêu cầu chậm nhất là năm 2020 phải được UNESCO công nhận Công viên địa chất Lý Sơn và các đơn vị, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học phải hoàn thiện các hồ sơ, phương án thực hiện.
 
Phú Nhiêu

Bạn đang đọc bài viết "Quảng Ngãi lên kế hoạch bảo tồn công viên địa chất Lý Sơn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.