Quảng Ngãi: Giếng Xó La và Lân Vĩnh Hòa là di tích cấp tỉnh

30/08/2017 20:37

Theo dõi trên

Chiều 30/8, tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã diễn ra Lễ công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích Giếng Xó La và Lân Vĩnh Hòa.



Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch trao bằng công nhận 2 di tích - Ảnh: P.N

Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, nói: “Di tích Giếng Xó La và Lân Vĩnh Hòa là 2 trong 16 di tích tại đảo Lý Sơn được công nhận là di tích cấp tỉnh, trong đó có 4 di tích là di tích cấp Quốc gia”.

Giếng Xó La có chiều sâu chừng 10m, thành giếng xây đá ong, cao 1,5m. Lòng giếng hình tròn, được kè bằng đá cuội, đá núi lửa, xen lẫn đá vôi. Tuy chỉ cách mé biển lúc triều lên cao nhất khoảng 5 - 7m, nhưng giếng nước luôn ngọt, thanh mát.
 


Giếng Xó La - Ảnh: P.N

Theo các nhà địa chất, trên huyện đảo chủ yếu có 2 nguồn nước ngầm, một nguồn thấm từ trong lòng đảo, một nguồn thấm từ ngoài biển vào. Về thời điểm xuất hiện của giếng Xó La, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng giếng nước này xuất hiện thời Vương quốc Chăm còn tồn tại trên vùng đất nay là huyện đảo Lý Sơn và tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, tức là khoảng thế kỷ XV về trước.

Lân Vĩnh Hòa ở thôn Đông, xã Anh Vĩnh là nơi phụng thờ thánh mẫu Thiên Y A Na; đồng thời, nơi đây cũng là nơi tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền - những người đã có công khai khẩn, biến vùng đất Cù lao Ré hoang vu thành xóm, làng đông vui, trù phú, tạo tiền đề cho sự phát triển cả về ngư nghiệp và nông nghiệp của vùng đất này.
 
Phú Nhiêu 

Bạn đang đọc bài viết "Quảng Ngãi: Giếng Xó La và Lân Vĩnh Hòa là di tích cấp tỉnh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.