Quản lý di sản bằng gì?

04/06/2015 16:45

Theo dõi trên

Tới đây, Việt Nam sẽ có Nghị định quản lý, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Điều này sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, danh thắng. Nhưng như thế đã là đủ?

Việt Nam hiện đang sở hữu 17 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Bao gồm di sản thiên nhiên, di sản vật thể, phi vật thể và di sản hỗn hợp. Trong số này, quần thể di tích cố đô Huế, được công nhận là di sản văn hóa thế giới sớm nhất - từ năm 1993. Tiếp đến Vịnh Hạ Long được công di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên vào năm 1994, lần thứ hai là di sản địa chất thế giới năm 2000. Phố cổ Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999… Mới đây nhất, cuối năm 2014, UNESCO chính thức vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

22  năm qua, việc bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam được thực hiện chủ yếu dựa trên tinh thần Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới; Luật Di sản Văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa  năm 2009. Riêng với những di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, việc quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn được thực hiện theo Luật Bảo vệ Môi trường và những Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành liên quan.

Mới đây, Bộ VHTT&DL đã ban hành Quyết định số 1620/QĐ-BVHTTDL thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập Nghị định quản lý, bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Theo đó, ban soạn thảo và tổ biên tập có nhiệm vụ: Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, soạn thảo và hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định quản lý, bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam trình Bộ trưởng Bộ VHTT&DL để Bộ trưởng trình Chính phủ.

Như vậy, trong thời gian tới chúng ta sẽ có thêm Nghị định về quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam. Được biết trước đó, cuối năm 2014, Bộ VHTT&DL đã từng có văn bản số 3345/BVHTTDL-DSVH ngày 25-9 đề nghị Bộ Tư pháp cho chủ trương về việc Xây dựng "Qui chế về việc quản lý, bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam”, với mong muốn sẽ có những nội dung phân công cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

Vậy trên thực tế, lâu nay việc quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được thực hiện ra sao? Xin đơn cử di sản Vịnh Hạ Long. Ngoài những căn cứ về luật pháp vừa được nêu ở trên, nhiều năm qua, Quảng Ninh đã  chủ động ban hành những quy định quản lý Di sản Vịnh Hạ Long. Để thực hiện những cam kết với UNESCO, Quảng Ninh đã có những nỗ lực đáng kể để bảo vệ "báu vật” mà mình đang sở hữu. Dẫu vậy, những tác động xâm hại đến môi trường của di sản này vẫn đáng lưu tâm, vì lẽ đó mà cho đến thời điểm hiện tại, Vịnh Hạ Long vẫn đang nỗ lực để ra khỏi diện khuyến nghị bảo tồn của  UNESCO. Và di sản này vẫn phải chờ những quyết định tại  cuộc họp Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 39 tổ chức vào tháng 6 này tại TP. Bonn - Đức.

Điều gì đang khiến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam còn hạn chế? Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTT&DL cho rằng: Cần thống nhất và phân cấp quản lý di sản rõ ràng bởi bộ máy quản lý các Di sản thế giới ở Việt Nam hiện nay thiếu đồng bộ. Việc phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị quản lý ở địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tầm vóc quản lý di sản thế giới. Đơn cử như Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế là đơn vị cấp Sở, trực thuộc sự quản lý của UBND tỉnh. Trong khi đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ lại là đơn vị trực thuộc Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa; Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An và Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn là các cơ quan chức năng trực thuộc huyện/thành phố của tỉnh…

Vì lẽ đó mà Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL đã nhiều lần đề xuất việc xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp giữa các Ban Trung tâm quản lý Di sản Thế giới với các cơ quan, ban, ngành, cộng đồng ở địa phương và các Bộ, ngành ở Trung ương trong việc đồng quản lý các Di sản Thế giới.

Nhìn rõ vấn đề này, bà Katherine Muller, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: Mặc dù các khu di sản đều có ban quản lý riêng nhưng hoạt động của đơn vị này đang phải chịu ảnh hưởng, thậm chí đôi khi còn xung đột với rất nhiều cơ quan, ban ngành ở các cấp độ khác nhau. Đơn cử như UNESCO đã từng đề xuất rằng, BQL Vịnh Hạ Long nên có thẩm quyền và tự chủ cao hơn nữa so với hiện nay.

Bảo tồn di sản dựa trên văn bản pháp luật, dựa vào bộ máy ban quản lý danh thắng được lập ra- điều đó không phải bàn cãi nữa. Nhưng sẽ là chưa đủ nếu quản lý di sản chưa dựa vào cộng đồng, vì lợi ích cộng đồng. Điều này thoạt nghe thì dễ, nhưng chắc thực hiện sẽ không hề đơn giản.

Theo Đại Đoàn Kết
Bạn đang đọc bài viết "Quản lý di sản bằng gì?" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.