Khoảng 20 năm trở về trước, khi sân khấu hải ngoại bước vào thời kỳ huy hoàng nhất, có một nghệ nhân luôn xuất hiện với tà áo dài truyền thống, mái tóc dài được búi gọn ra sau, trên tay là chiếc đàn bầu, Phạm Đức Thành thăng hoa trên chính sân khấu với niềm tự hào trong tim khi được chơi món nhạc cụ điển hình của dân tộc.
Thấm nhuần âm nhạc dân tộc khi chỉ là một phôi thai
Nghệ sĩ Phạm Đức Thành sinh năm 1956 tại thôn Đoan Bình, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Vùng đất nghèo khó với nhiều lo toan vất vả, nhưng người dân ở đây vẫn đam mê âm nhạc như món ăn tinh thần không thể thiếu. Họ thích chèo cổ, chầu văn và lên đồng.
Ngay từ khi con trong bụng mẹ, nam nghệ sĩ đã được nghe những làn điệu dân ca Bắc Bộ thông qua những đĩa nhạc đá cô xưa. Cậu bé lớn lên với âm hưởng dân tộc và hình thành niềm đam mê từ lúc nào không hay.
Bậc thầy nghệ sĩ Phạm Đức Thành từng chia sẻ: “Tôi sinh ra ở một vùng quê, ở miền Bắc Việt nam nên xung quanh là những cánh đồng lúa và những cái điệu hát chèo cổ. Chính những cái yếu tố đó đã làm cho tôi giống như mình sống trong một cái dòng nước về dân tộc. Vì vậy khi mà trưởng thành thì tôi thấy là nhạc dân tộc rất là gần gũi, không thể thiếu được với người dân quê ở Việt Nam. Thế là tôi đã theo nhạc dân tộc ngay từ lúc nhỏ”.
Phạm Đức Thành có hơn 60 năm gắn bó với cây đàn dân tộc, chính ông và người ‘cộng sự’ của mình đã có nhiều thành tựu vang danh cả trong lẫn ngoài nước.
Năm 1974 đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của nghệ sĩ Ninh Bình khi ông được mời làm việc tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Tại cái nôi của nền âm nhạc cổ điển nước nhà, Phạm Đức Thành có nhiều cơ hội phát triển tài năng.
Chỉ mất 4 năm hoạt động, ông đã vươn lên trở thành một tên tuổi lớn với vinh dự là người duy nhất được mời tham dự Nhạc hội đàn bầu toàn quốc. Không ngừng học hỏi nhiều nền văn hóa và tiếp thu tinh hoa âm nhạc khác nhau, năm 1983, ông tốt nghiệp thủ khoa đại học ngành Nghiên cứu Âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Đối với nghệ sĩ Phạm Đức Thành, không một thứ nhạc cụ nào có thể truyền tải cảm xúc một cách trọn vẹn như chiếc đàn một dây này. Để diễn tả tâm trạng buồn sầu, ai oán, có lẽ là không một nhạc cụ cổ truyền nào có khả năng diễn tả hoàn hảo như cây đàn bầu.
Năm 1990, Phạm Đức Thành mang theo hành trang là câu đàn bầu dân tộc lên đường sang Đức. Ông biểu diễn, mang âm hưởng dân ca truyền bá rộng rãi khắp thế giới.
Buổi diễn mang tên Riders In The Sky thành công vang dội làm chấn động làng nhạc thời điểm đó. Tiếng đàn bầu của Phạm Đức Thành rất khác biệt, vừa nghệ thuật lại vừa mang tính giải trí, kết hợp nhạc cụ dân tộc với dàn nhạc âm nhạc hiện đại, làm cho khán giả như đắm chìm trong những âm thanh mộc mạc, da diết. ‘Tiếng lòng của dân tộc’ vang lên đẹp như một khúc hát ru người mẹ.
Những người con xa xứ sau khi nghe tiếng nhạc đàn bầu của Phạm Đức Thành không khỏi thổn thức nhớ về người thân nơi quê nhà: “Nghe ông Thành đàn mà lòng tôi thắt lại, chỉ muốn bay về ngay với người nhà”.
Chưa một nghệ sĩ Việt Nam nào có đủ dũng khí hay tài năng để có thể can đảm đứng trên sân khấu quốc tế, thể hiện bản sắc dân tộc như những gì Phạm Đức Thành đã làm.
Ngoài tài năng, có lẽ điều giúp ông tỏa sáng nhất chính là niềm tự hào về những tinh hoa Việt Nam. Niềm tự hào ấy đã khắc sâu vào trong tim, nơi luôn chứa đựng hình bóng quê nhà. Nó cho ông sức mạnh làm nên những điều ‘phi thường’.
Hiện tại, nghệ sĩ Phạm Đức Thành đã thành lập được câu lạc bộ đàn bầu tại một số quốc gia như Thụy Sỹ, Pháp và gần đây là Nhật Bản. Ông tích cực truyền thụ kiến thức về âm nhạc cho những người con xa xứ, từ đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị hay sáo trúc, tất cả đều được tìm thấy tại câu lạc bộ của Phạm Đức Thành.