Ông tổ đất Vinh - Vị Thành Hoàng không miếu

28/11/2017 14:33

Theo dõi trên

“Hai vị Thành Hoàng ấp ta đã có công khai hóa mở mang thôn xã. Cho đến ngày nay, người học trò tiếp tục hưởng lộc xưa, người làm ruộng thừa kế cơ nghiệp cũ. Ân đức vẫn đang dành cho chúng ta đó, không thể mai một được”.

Thời gian gần đây, thành phố Vinh (Nghệ An) xuất hiện thêm một con đường mang cái tên khá “lạ”: Đường Nguyễn Viết Nhung. Con đường nho nhỏ dài chừng cây số, mặc dù chạy ngang qua trụ sở UBND phường Vinh Tân nhưng cũng không dấu được vẻ đìu hiu. Mấy ai biết, đấy chính là con đường mang tên vị Bản Cảnh Thành Hoàng đã có công khai phá ra vùng đất này thuở trước?!
 


Phố Nguyễn Viết Nhung thuộc địa phận phường Vinh Tân.

“Đất có thổ công, sông có hà bá”, ngay cả cái thành phố trẻ trung đang "thay da đổi thịt" từng ngày này cũng chẳng phải là ngoại lệ, xưa kia cũng chỉ từ một ngôi làng nhỏ bé được lập nên nhờ mồ hôi công sức của tiền nhân.
 
Ngược về những năm cuối thế kỷ 16 - thời Lê Mạt, vùng đất nay là thành phố Vinh, lúc đó mặc dù đã có người ở nhưng cửa nhà thưa thớt tạm bợ, đất đai lau sậy um tùm, về cơ bản vẫn chỉ là một khu vực hoang vu thuộc huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An.
 
Cũng thời gian này, hai thế lực Trịnh - Nguyễn sau khi bắt tay “phù Lê diệt Mạc” đã quay ra trở mặt với nhau nhằm độc bá giang sơn. Nguyễn Hoằng (chúa Tiên) yếu thế hơn, trước họa diệt thân đành nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rằng “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, âm thầm đem gia tộc vượt Đèo Ngang vào vùng Thuận Hóa.
 
Lúc đó có một người tên là Nguyễn Viết Nhung, quê gốc ở Trang Gia Miêu huyện Tống Sơn (nay là xã Hà Long huyện Hà Trung, Thanh Hóa) cũng là họ hàng thân tộc với chúa Tiên nên cũng bỏ đất Thăng Long để xuôi vào phương Nam tìm nơi lập nghiệp.
 
Tuy nhiên vào đến trấn Nghệ An, Nguyễn Viết Nhung khi đi qua vùng Mai Am thuộc huyện Chân Phúc, đã nhận ra nơi đây có hình thế rộng rãi bằng phẳng, khí tượng tươi sáng, đất đai lại màu mỡ phì nhiêu… mà chưa có người khai phá.
 
Nguyễn Viết Nhung quyết định dừng chân tính kế lâu dài, không xuôi nam nữa. Ông cùng vợ là bà Đậu Thị Chức đã bỏ công bỏ của xây dựng gia trang. Ông chiêu dụ người dân ly tán về quần cư lập nghiệp, cùng nhau khai khẩn đất hoang, cải tạo thành ruộng vườn tươi tốt.
 
Chẳng bao lâu sau, vùng đất mới được khai hoang đã trở thành một khu vực dân cư trù phú ổn định, lập nên ngôi làng đầu tiên được gọi là làng Trung. Nguyễn Viết Nhung được người dân tôn xưng là “Trùm Trưởng”.

Trên cơ sở đó, ông tiếp tục cho người tiến hành khai khẩn mở rộng đất đai ra các khu vực lân cận trong vùng. Ông cũng chú trọng đến việc mở mang đường sá, vừa để thuận tiện cho người dân đi lại, vừa tăng cường giao thương kết nối với những cộng đồng dân cư khác.
 
Nhờ vậy mà vùng đất này ngày càng được nhiều người biết đến, dân cư nơi khác cũng quy tụ về đây làm ăn sinh sống mỗi lúc một nhiều. Ông đặt tên cho vùng đất mới là Yên Trường với tâm ý là nơi bình yên trường cửu.
 


Bức hoành phi hiếm hoi còn sót lại sau khi Miếu Thành Hoàng bị phá hủy, hiện được lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn Viết, phường Hồng Sơn.



Tấm văn bia do tiến sỹ Nguyễn Đức Lý bái bút tại Miếu Thành Hoàng, nhờ con cháu dòng tộc giữ lại được, nay đang thờ tại Từ đường họ Nguyễn Viết.
 
Nguyễn Viết Nhung mất vào năm thứ 5 niên hiệu Thịnh Đức đời vua Lê Thần Tông (1657), hưởng thọ 80 tuổi. Mộ táng tại dăm Ao Vàng, nay thuộc phường Hưng Bình, thành phố Vinh (nhưng sau đã được con cháu di dời đi nơi khác).
 
Từ làng Trung do Nguyễn Viết Nhung lập nên, con trai thứ hai của ông là Nguyễn Viết Phú (1603 - ?) - người từng thi đỗ Tam Trường, làm quan được phong đến tước Nam (Quế Lĩnh Nam) - sau khi về hưu đã tiếp tục công cuộc mở mang khai hóa, lập ra 4 làng khác là: làng Đông, làng Yên, lang Nam và làng Vang.
 
Làng Trung là đất phát nguyên nằm ở trung tâm, sau được gia thêm chữ Mỹ nghĩa là đẹp, trở thành làng Trung Mỹ, nay là vùng đất thuộc các phường Hồng Sơn, Lê Mao và Vinh Tân.
 
Làng Đông ở phía Đông của làng Trung, sau thêm chữ An nghĩa là yên ổn nên gọi là Đông An, nay là vùng đất bao gồm quảng trường Hồ Chí Minh và phường Trường Thi.
 
Làng Yên ở phía Đông Nam, sau được thêm chữ Thịnh (giàu có) trở thành làng Yên Thịnh, nay thuộc địa phận của hai phường Trung Đô, Bến Thủy.
 
Làng Nam sau được thêm chữ Khang (nghĩa là bình yên) nên gọi là làng Nam Khang, nay thuộc xóm Tân Hòa phường Vinh Tân.
 
Còn làng Vang hay làng Yên Vinh (với chữ “vinh” nghĩa là vẻ vang) nằm ở phía Tây, giáp sông Vinh và sông Chính Đích, nay thuộc địa phận của phường Cửa Nam.
 
Năm làng trên tạo thành xã Yên Trường. Sau này con cháu hai ông còn góp công sức kiến tạo nhiều làng xóm khác ở quanh vùng, lập nên xã Vĩnh Yên. Địa phận của hai xã bao gồm phần lớn khu vực trung tâm của thành phố Vinh ngày nay, được xem là khởi phát của thành phố.
 
Nguyễn Viết Nhung sau khi mất được người dân tôn xưng là Thành Hoàng làng Trung Mỹ và lập đền thờ ở xứ Mã Hàn nơi khu vườn Ngài ở để tưởng nhờ công đức. 
 
Các triều vua nhà Nguyễn sau đó cũng nhiều lần sắc phong cho ông là Bản Cảnh Thành Hoàng và Đôn Ngưng Tôn Thần, sức dân đời đời thờ phụng. Con trai ông là Nguyễn Viết Phú cũng được sắc phong Thành Hoàng thôn Yên Trường. Ngày nay con cháu dòng tộc Nguyễn Viết vẫn còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong.
 
Năm 1804, vua Gia Long quyết định chuyển dời trấn sở Nghệ An và chợ tỉnh ở Lam Thành (Hưng Nguyên) về khu vực Yên Trường - Vĩnh Yên. Nhà vua cho xây dựng Văn Miếu Nghệ An, đồng thời cũng cho xây dựng Miếu Thành Hoàng Vinh để người dân thờ phụng.
 
Sách “Đại Nam nhất thống chí” triều Nguyễn còn ghi rõ: “Miếu Thành Hoàng; ở địa phận huyện Chân Lộc, phía Tây Bắc tỉnh thành, thờ Thành Hoàng bản cảnh, dựng năm Gia Long thứ 3”.
 
Từ đó cho đến gần một thế kỷ về sau, Miếu Thành Hoàng Vinh trở thành nơi thờ tự chính thức của ông tổ đất Vinh Nguyễn Viết Nhung, được quan lại địa phương cùng nhân dân chăm lo hương khói. Các bậc nhân sỹ, trí thức cũng thường xuyên viếng thăm để tỏ lòng tôn kính, nhiều vị còn để lại những kỷ vật quý giá như hoành phi, câu đối, văn bia…
 
Đầu thế kỷ 20, đất nước đi vào thời kỳ loạn lạc, Miếu Thành Hoàng cũng không còn được chăm lo như trước nên dần xuống cấp. Trải qua mấy chục năm bị chiến tranh tàn phá cùng với sự hủy hoại của con người, cả Miếu và Đình làng bị phá hủy hoàn toàn vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. 
 
Đồ thờ tự và nhiều cổ vật quý giá thất tán khắp nơi, cũng nhờ con cháu của cụ cố sống cố chết nên mới giữ được Bài vị, tấm hoành phi, 5 đạo sắc phong và văn bia của Miếu, giờ đây trở thành bảo vật được cả dòng tộc Nguyễn Viết thờ phụng ở Từ đường.
 
Dấu tích của Miếu Thành Hoàng đất Vinh giờ đây chỉ còn là mảnh đất hoang hóa nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Ngô Đức Kế. Trước kia là nơi đặt trụ sở UBND phường Vinh Tân, rồi Hợp tác xã, rồi nhà trẻ… còn nay thì chỉ bỏ hoang!
 
Theo ông Nguyễn Đức Dần - Tộc trưởng họ Nguyễn Viết hiện nay - thì cụ Nguyễn Viết Nhung mặc dù vẫn được thờ phụng tại một số đền miếu khác trong thành phố (như đền Thịnh Tiến phường Trường Thi, đền Tiên Cảnh phường Hưng Bình, đền voi mẹp xã Hưng Đông) nhưng chỉ là “thờ vọng”, còn đền thờ chính (Miếu Thành Hoàng) thì đã mất từ lâu.
 
Con cháu Cụ ngay nay đã truyền đến đời thứ 13, không ít người là hiền tài, danh sỹ của đất nước, tất cả đều tâm nguyện có ngày phục dựng được miếu thờ của ông tổ năm xữa. Trên tấm văn bia còn giữ được, vị tiến sỹ Nguyễn Đức Lý (cùng khoa với Phan Bội Châu và cũng là cháu của ngài) còn ghi rõ: “… Hai vị Thành Hoàng ấp ta đã có công khai hóa mở mang thôn xã. Cho đến ngày nay, người học trò tiếp tục hưởng lộc xưa, người làm ruộng thừa kế cơ nghiệp cũ. Ân đức vẫn đang dành cho chúng ta đó, không thể mai một được…”.

Thiết nghĩ, đó cũng là tâm nguyện chung của những ai còn biết đến công đức cao dày của vị Bản cảnh Thành Hoàng - ông tổ đất Vinh thuở nào vậy!
 
Thái Hồ

Bạn đang đọc bài viết "Ông tổ đất Vinh - Vị Thành Hoàng không miếu" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.