Di ảnh danh tướng TônThất Thuyết bằng tranh sơn dầu
>> Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết
Lên đường sang nhờ Trung Quốc chi viện
Tháng 7, năm Bính Tuất (1886), trước những khó khăn ngày càng lớn của cuộc khởi nghĩa. Ông dâng sớ lên vua, xin được sang Trung Quốc nhờ chi viện.
Ông giao hai con trai của mình là Tôn Thất Đàm và Tôn Thất Thiệp cùng một số tướng lãnh ở lại bảo vệ nhà vua còn bản thân ông thì lên đường sang Trung Hoa. Trên đường đi, ông tranh thủ gặp gỡ các thủ lĩnh phong trào yêu nước ở các địa phương như Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao, Tống Duy Tân ở Thanh Hóa và Nguyễn Quang Bích ở Hưng Hóa để cùng bàn bạc kế hoạch phối hợp đánh Pháp.
Đầu năm Đinh Hợi (1887), Tôn Thất Thuyết đã đến vùng Hoa Nam, Trung Quốc. Ông lập tức đệ trình sớ lên hoàng đế nhà Thanh xin nhờ chi viện lương thực và vũ khí cho phong trào kháng chiến trong nước. Tuy nhiên, triều đình nhà Thanh lúc này đã ký kết với Pháp hiệp ước Thiên Tân bán rẻ Việt Nam cho Pháp nên cố tình phớt lờ những yêu cầu của ông. Thêm vào đó, biên giới phía Bắc hàng trăm dặm của ta với Trung Quốc đều bị thực dân Pháp khóa chặt nên việc liên lạc của ông với nội địa rất khó khăn. Tuy vậy, ông vẫn liên hệ, chiêu mộ được những lực lượng vũ trang yêu nước người bản địa tập kích những đồn trú của người Pháp dọc theo biên giới hai nước. Cùng với đó, kết hợp chi viện số ít vũ khí, lương thực cho phong trào Cần Vương ở các tỉnh phía Bắc, đều này khiến thực dân Pháp trở nên cay cú ông. Quyết tâm trừ khử ông ngay ở Trung Quốc.
Sau nhiều lần ông bị triều đình nhà Thanh gây sức ép, cũng như tạo khó dễ, năm 1896, chính quyền sở tại đưa ông đi an trí Thiều Châu rồi Long Châu, thuộc Quảng Đông ngày nay.
“Ông già chém đá” và nỗi uất hận trăm năm
Sau khi được thu xếp trụ ngụ tại Quảng Đông, lúc này Tôn Thất Thuyết đã hiểu hy vọng đánh đuổi quân Pháp, phục hưng triều Nguyễn đã không còn. Cùng với đó, việc vua Hàm Nghi bị đày sang Algieria khiến tâm trạng của ông càng trở nên đau buồn, chán nản. Hằng ngày, ông cứ đến chiều ta cầm kiếm chém lên tảng đá cạnh nhà. Vừa chém vừa kêu than, vì vậy người dân ở Long Châu thường kêu ông là “Ông già chém đá”. Tuy vậy, trong lòng ông không lúc nào không nghĩ đến non sông đất nước cũng như trách nhiệm của con cháu trong dòng tộc Nguyễn triều. Ông mất ngày 2/9/1913 tại Quảng Đông, Trung Hoa Dân Quốc. Thọ 74 tuổi. Người dân trong vùng rất quý trọng tấm lòng với cố quốc của ông nên thường làm câu đối:
“Thù giá nhung bất cộng đái thiên, vạn cổ phương danh lưu Tượng Quận Hộ gia biệt tầm tĩnh địa, thiên niên tàn cốt ký Long Châu”. Tạm dịch: “Quốc thù không đội trời chung, muôn thuở tiếng thơm lưu Tượng Quận Hộ giá yên tìm đất lẻ, ngàn năm xương trắng gửi Long Châu”.
Hay trong lúc rảnh, hướng mặt về phương nam ông đọc bài “Thuật hoài” với nỗi lòng yêu nước sâu sắc:
“Y hy Bắc địa du hồng nhạn
Phảng phất Nam phong trợ mã ngưu
Báo quốc đan tâm hà nhạc tại
Gian nan tương kiến mãn sương thu”
Tạm dịch:
“Lẻ loi đất bắc chim hồng nhạn
Phảng phất gió nam vó ngựa trâu
Vì nước lòng son sông núi tạc
Gội bao sương tuyết bạc phơ đầu”
Có tài liệu chép, dự tính sang cầu viện rồi trở về nước đánh đuổi Pháp, từ Trung Hoa, ông đã có bài thơ tâm sự với Cầm Bá Thước:
“Bách tính Cần Vương nhân tự chấn,
Nhất khu báo quốc khách do hành
Thứ dù nhược đắt thiên tâm hộ
Quy khứ Nam xa triệt háo trình”
Tạm dịch:
“Trăm học Cần Vương đang phấn chấn,
Một lòng báo nước, luống long đong
Phen này ví hẳn lòng trời tựa
Trở gót về Nam lối sẽ thông”
Sau cuộc khởi nghĩa ngày 7/5/1885 ở Huế thất bại, ông bị vua Đồng Khánh tước tịch khỏi Tôn Nhân Phủ. Sau này, năm Bảo Đại thứ 2 (1927) ông được phục hồi tôn tịch. Hài cốt danh tướng Tôn Thất Thuyết hiện được an táng tại Quảng Đông. Con cháu Nguyễn Phước Tộc phòng IV hệ V đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng đưa hài cốt của ông về an táng tại quê hương nhưng nhà chức trách nhiều lần từ chối. Hiện nay, con cháu của ông đem di ảnh của ông về thờ tại phủ Uy Quốc Công - Nguyễn Phúc Thuần tại Làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy Tỉnh Thừa Thiên Huế.