Năm 1955, Mỹ chính thức hất chân Pháp, đồng thời đặt nền móng xâm lược nước ta qua lá bài Ngô Đình Diệm. Lúc còn chân ướt chân ráo trên đỉnh chính trường, trong tay Diệm chỉ loe ngoe vài đơn vị quân đội là tàn quân của Pháp. Diệm rất cần thu phục những lực lượng quân sự của các giáo phái về dưới trướng. Với sự hỗ trợ đắc lực từ phía CIA, Diệm dùng tiền mua chuộc, lôi kéo các lực lượng quân sự giáo phái, sát nhập vào lực lượng quân sự chính phủ của Diệm. Ai chống lại thì tàn sát. Ba Cụt cũng nằm trong danh sách cần qui phục.
Thời điểm này Ba Cụt tự xưng là thiếu tướng lực lượng quân sự "đảng Dân Xã", cát cứ vùng Thốt Nốt thuộc tỉnh Long Xuyên (nay là tp Cần Thơ). Ba Cụt phong cho Bảy Đởm cấp bậc thiếu tá, chỉ huy một nhóm lâu la ô hợp khoảng 100 tay súng. Tuy chỉ có bấy nhiêu quân số nhưng đơn vị này vẫn được Ba Cụt "đôn" thành tiểu đoàn tự đặt phiên hiệu là 206 - Lê Lợi. Một số người dân gọi biếm là tiểu đoàn "rơi lệ".
Ba Cụt kéo hơn 50 thuộc hạ tin cẩn nhất về rạch Bằng Tăng (nay là Thới Long, Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) lập doanh trại bộ chỉ huy. Bảy Đởm kéo "tiểu đoàn rơi lệ" án ngữ ở rạch Bà Chiêu. Nói án ngữ cho oai, thật ra là lẫn trốn sự truy lùng của Diệm.
Suốt thời gian đóng chốt lập trạm kiểm soát ở Rạch Bà Chiêu, Bảy Đởm trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của lương dân. Từ xuồng câu đến tàu chở hàng, khi qua trạm đều phải "nộp thuế nuôi quân cho ông Bảy". Mức thuế được Bảy Đởm qui định là 10% trên tổng số giá trị hàng hóa. Tàu chở 100 bao lúa, lính Bảy Đởm "thu" 10 bao. Người nộp thuế chỉ cần buông lời than thở là bị lính Bảy Đởm quy chụp là "phần tử phản loạn chống đối". Nạn nhân bị trói gô đứng dựa lưng vào gốc cây gáo ven sông cho Bảy Đởm trực tiếp xét hỏi. Tội nhẹ nhất là "không có biểu hiệu phản loạn" thì sẽ được Bảy Đởm cho "ăn" 3 chày vồ vào ngực. Tội trung bình là "có biểu hiện phản loạn" thì được Bảy Đởm xử 3 chày vồ vào ngực và 3 chày vồ vào đầu. Hiếm ai sống sót sau khi bị nhát chày vồ đầu tiên đập vào đầu. Tội nặng là có biểu hiện rỏ ràng làm do thám cho các lực lượng quân sự khác, Bảy Đởm đập đầu chết ngay tại chỗ.
Bảy Đởm kết tội không theo bất kỳ nguyên tắc nào mà chỉ dựa vào cảm tính. Vì vậy, hầu hết nạn nhân của Bảy Đởm đều là lương dân vô tội.
Bà Lương H Ph, 86 tuổi, cư ngụ tại Trung An, Thốt Nốt, Cần Thơ kể: "Cha tôi là người gốc Hoa ở Bạc Liêu. Ông mua lò, nồi đất từ Ba Hòn dùng ghe chèo tay chở đi khắp các ngã sông bán dạo. Mẹ tôi và tôi cũng theo ghe. Cả gia đình tôi lấy ghe làm nhà. Khi ba tôi chèo ghè, mẹ tôi thường dùng lưỡi câu móc mồi rồi thả xuống nước để câu cá cho bửa ăn hàng ngày. Khi chạy tới rạch Ba Chiêu, lính Bảy Đởm ngoắc ghe của ba tôi vô bắt nộp thuế. Chuyến đó bán ế nên không đủ tiền nộp thuế, ba tôi nài nỉ xin nộp thuế bằng 20 cái nồi đất. Lính Bảy Đởm chịu lấy nồi. Lúc đó ông Bảy Đởm ngồi uống rượu trên sạp tre gần đó. Nước da ổng đen nhẻm. Người mập chắc, cao khoảng 1,7 mét. Đôi mắt ổng lúc nào cũng trợn ngược, đỏ au. Lúc lính đang chuyển nồi đất lên bờ, tự dưng ổng la lớn: Ê, thằng già lên biểu. Thằng già là ba tôi. Ba tôi vừa bước lên bờ thì ổng nắm đầu ba tôi vật té xuống đất. Ổng hô lớn với đám lính: Tụi bay khám xét xem nó giấu cái gì dưới nước. Ý ổng nói là sợi dây câu của má tôi. Xui cho gia đình tôi. Lúc lính kéo dây câu lên thì thấy lưỡi câu mắc dính vô 1 cái chai không. Ấy vậy mà ông Bảy Đởm cứ đoan chắc ba tôi dấu tài liệu trong chai. Ổng cột cha tôi vô gốc cây rồi cầm chày vồ hỏi: Ê, thằng già! Tài liệu trong chai, mày vất bỏ ở đâu? Ổng hỏi 3 câu là ba tôi bị đánh 3 cái vô ngực hộc máu tươi. Mẹ tôi khóc gào quì lạy, ổng cho lính trói luôn mẹ tôi. Ba tôi bị đánh chết tại chỗ. Ổng lôi mẹ tôi vô lùm cây. Lát sau má tôi đi ra, mắt ráo hoảnh. Bà ôm xác cha tôi đưa xuống ghe. Bà chèo ghe đến tối mịt thì tấp vô một bãi đất hoang dùng tay moi đất chôn cha tôi rồi nằm ôm nấm đất đó cho tới sáng. Bà quyết định lấy miếng đất hoang làm nơi tá túc luôn. Bà tá túc ở đó để chờ cơ hội trả thù cho cha tôi. Bà chưa có dịp trả thù thì ông Bày Đởm chết".
Cho đến tận bây giờ, khi nhắc đến tên Bảy Đởm, người dân rạch Ba Chiêu đều lắc đầu rùng mình, nói: "Ổng là ác quỷ!".
Trong thời gian Bảy Đởm đóng quân ở đây, phụ nữ rạch Bà Chiêu mỗi khi ra khỏi nhà đều dùng bùn non, tro bếp pha nước hoặc bột nghệ vàng bôi trát lên mặt cho xấu xí để "phó ông trời" không thèm chú ý. Bởi, Bảy Đởm khen người phụ nữ nào đẹp thì ngay lập tức được đội cận vệ "mời" - bất kể đã có chồng hoặc chưa - về doanh trại. Cưỡng hiếp chán, hắn "thưởng" cho thuộc hạ.
Bảy Đởm có tổng cộng 7 người vợ thì có 5 bà đều bị hắn cưỡng hôn bằng một kịch bản gần giống nhau: Cho thuộc hạ vu oan cha cô gái tội làm gián điệp cho Tây rồi bắt trói. Chúng dàn cảnh như sắp tử hình nạn nhân rồi khuyên cô gái: "Đi gặp ông Bảy xin tội cho cha". Khi cô gái đến xin "tội", Bảy Đởm nói thẳng: "Muốn cứu mạng cha thì phải chịu làm vợ của qua".
Duy người vợ Út ở Cái Dầu và người vợ thứ 3 (hiện bà vợ thứ 3 và các con vẫn cư ngụ ở rạch Bà Chiêu, quận Thốt Nốt, Cần Thơ) Bảy Đởm không dùng chiêu "Thúy Kiều chuộc cha" mà xách súng vào thẳng nhà xin cưới dù không quen biết. Không rào trước đón sau, ông ta nói gọn với cha mẹ cô gái: "Ngày mai tôi cưới con gái ông".
Không cần biết cha cô gái đồng ý hay không, ngày hôm sau, Bảy Đởm lệnh cho cả đại đội đem bò, heo đến nhà cô gái làm thịt bày cỗ ăn nhậu. Đến giờ hợp cẩn, Bảy Đởm vận quân phục khệnh khạng xuất hiện bắn một tràng tiểu liên lên trời "báo tin vui". Đám thuộc hạ cũng bồng súng bắn ăn mừng vang động một góc trời. "Đốt pháo mừng" xong, Bảy Đởm đến trước bàn thờ gia tiên xá chiếu lệ vài cái, ném cho cha mẹ vợ đang ngồi chết khiếp một bao tiền rồi bế thốc cô dâu xuống chiếc phà kết hoa. Vậy là xong lễ cưới.
Người vợ cả của Bảy Đởm quê quán ở núi Voi. Ông ta kết hôn với bà này khi còn là thổ phỉ vùng núi Bà Đội Om. Sau khi cưới 1 thời gian ngắn, ông ta bỏ rơi hẳn để sống chính thức như vợ chồng với 1 người phụ nữ ở Vĩnh Trinh. Khi đóng quân ở rạch Bà Chiêu, ông ta cưỡng hôn bà vợ thứ 3. Người vợ thứ tư là người dân tộc Kh'mer có tên là Cà My, quê quán ở Thốt Nốt. Người vợ Út quê quán ở Cái Dầu. Riêng người vợ thứ 5 và thứ 6 không ai biết lai lịch.
Suốt nửa thế kỷ qua, dù Bảy Đởm đã chết, những người vợ của Bảy Đởm không bao giờ hé răng một lời về cuộc hôn nhân khủng khiếp đó. Con cái của họ chưa từng có dịp nghe mẹ kể về cha mình.
Để thực hiện bài viết, chúng tôi đã đến tận nhà người vợ thứ 3 của Bảy Đởm ở rạch Bà Chiêu. Tại ngôi nhà tàn tạ nằm ven con rạch chúng tôi gặp một người đàn ông hơn 40 tuổi đang xoay trần trùng trục ngồi trong 1 căn chòi nằm gác nửa mặt sàn dưới mặt nước. Đó là ông K - Người con đầu của Bảy Đởm với người vợ thứ 3.
Ông K không hé nửa lời về người cha quá cố của mình. Đưa ánh mắt nhìn xa xăm, ông K nói như van nài với chúng tôi: "Đó là quá khứ buồn, tôi không hề muốn nhắc đến". Ông K quyết liệt từ chối khi chúng tôi đề nghị được chụp ảnh và phỏng vấn bà quả phụ Bảy Đởm.
Những cụ già hàng xóm đã từng là thuộc hạ của Bảy Đởm cho biết: "Người vợ thứ 3 của Bảy Đởm là con thứ 6 trong gia đình. Ổng cưng chiều bà này và bà Út ở Cái Dầu nhất trong số 7 bà vợ. Sau khi cưới, Bảy Đởm cất cho bà thứ 3 căn nhà lớn nhất vùng này. Kể từ khi Bảy Đởm làm rể nhà đó, chòm xóm không ai dám liên lạc, qua lại. Người ta ngại liên can. Sau khi ông Bảy Đởm chết, bà vợ thứ 3 cùng không giao tiếp với chòm xóm. Tội lắm! Bị ép buộc làm vợ, chứ bà ấy có muốn đâu".
Dù có 7 vợ, 18 đứa con, nhưng ngày Bảy Đởm đền tội, chỉ duy nhất bà vợ ở Cái Dầu dự đám tang. Dự đám tang nhưng bà không đội khăn tang. Những việc làm ác của Bảy Đởm khiến chính con ruột của ông ta cũng phải xấu hổ, không muốn nhắc đến...